Kế hoạch giải ngân 100% kế hoạch vốn đầu tư phát triển năm 2014 dự báo sẽ khó hoàn tất khi vẫn còn quá nhiều dự án không thể giải ngân được đồng vốn nào. Nhiều dự án có khả năng sẽ bị điều chuyển hay cắt giảm vốn.
Chậm giải ngân
Kho bạc Nhà nước (KBNN) Quảng Nam nhận định, năm 2014, các dự án được cấp thẩm quyền phân bổ kế hoạch vào tháng 12.2013 và tháng 1.2014 là thời điểm khá sớm cho việc triển khai thực hiện. KBNN Quảng Nam đã hướng dẫn thủ tục thanh toán kế hoạch năm 2014 và đôn đốc các chủ đầu tư giải ngân bằng văn bản trong tháng 2 và đầu tháng 5.2014. Tuy nhiên, ngoài chủ đầu tư dự án cầu Cửa Đại đã làm thủ tục hoàn ứng 450 tỷ đồng vốn ứng năm 2013 và giải ngân dự án mở rộng quốc lộ 1 trên 22 tỷ đồng, thì tiến độ thực hiện giải ngân của các chủ đầu tư, ban quản lý tại một số dự án vẫn còn quá chậm. Thống kê của KBNN Quảng Nam cho thấy đến hết tháng 6.2014, ngoài việc đã giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2013 và 2014 cho dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi và 65% kế hoạch vốn (87,5/135 tỷ đồng) dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng quốc lộ 1 đoạn qua Quảng Nam thì tổng số vốn giải ngân 4 cấp ngân sách thuộc kế hoạch năm 2014 là khoảng 2.799 tỷ đồng/4.850 tỷ đồng kế hoạch vốn, đạt 58% kế hoạch. Chiếm tỷ lệ cao nhất thuộc về vốn trái phiếu chính phủ 993/1.482 tỷ đồng (67%), ngân sách xã, phường 94/142 tỷ đồng (66%), vốn đối ứng tồn ngân 223/365 tỷ đồng (61%) và thấp nhất là vốn ngân sách tỉnh chỉ đạt 45% với 221/494 tỷ đồng. Tỷ lệ giải ngân có sự chênh lệch khá cao ở các huyện khi tỷ lệ giải ngân ở Nông Sơn, Duy Xuyên, Thăng Bình trên 60% thì Núi Thành, Hội An và Tam Kỳ chưa vượt qua 40%.
Dự án bồi thường, giải phóng mặt bằng mở rộng quốc lộ 1 đã giải ngân đến 65%.Ảnh: T.D |
KBNN Quảng Nam cho rằng tiến độ thực hiện giải ngân chậm có phần do cơ chế thanh toán năm 2014 thay đổi, cụ thể là việc quy định các hợp đồng thực hiện điều khoản tạm ứng đều phải có bảo lãnh tạm ứng (trừ hợp đồng bảo hiểm và kiểm toán) đã gây khó khăn cho việc triển khai dự án, làm chậm tiến độ giải ngân kế hoạch vốn năm. Bộ Tài chính đã gửi công văn cho Bộ Xây dựng, xem xét lại thủ tục bảo lãnh đối với các hợp đồng nội bộ (trường hợp tự thực hiện), các hợp đồng lâm sinh, tư vấn có giá trị nhỏ (dưới 5 tỷ đồng)… nhưng vẫn chưa có kết quả. Mặt khác, do việc phân bổ 140 tỷ đồng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2014 từ các bộ, ngành trung ương quá chậm nên ngày 3.6.2014, UBND tỉnh mới phê duyệt danh mục công trình cho từng địa phương. Các chủ đầu tư biện giải tiến độ ì ạch, trắc trở là do một số dự án đang triển khai thực hiện, nhà thầu khó khăn tài chính, chờ thực hiện khối lượng, vướng công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai đấu thầu, hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý dự án, lựa chọn nhà thầu hoặc thiếu nguồn khai thác quỹ đất, chờ phê duyệt quyết toán để thanh toán lần cuối và cả việc thay đổi quy mô hay điều chỉnh sang dự án khác…Ông Nguyễn Quốc Tùng - Trưởng phòng Kiểm soát chi (KBNN Quảng Nam) cho biết, xét về quy mô kế hoạch vốn năm 2014 lớn hơn đến 850 tỷ đồng so năm 2013 thì tỷ lệ giải ngân 58%, dù chậm và tỷ lệ giải ngân của Quảng Nam hiện xếp thứ 12 cả nước (theo khảo sát của KBNN Việt Nam) thì vẫn có thể lạc quan. Các chủ đầu tư đã cam kết sẽ giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2014.
Khó hoàn thành kế hoạch
Theo nhận định của nhiều chuyên gia kinh tế, cam kết giải ngân hết 100% kế hoạch vốn năm 2014 của các chủ đầu tư là điều dường như không thể. Bởi vì hiện tại vẫn còn đến 359/1.861 dự án có tỷ lệ giải ngân bằng 0%, tương đương với kế hoạch vốn là 782,2 tỷ đồng và nhiều dự án vốn lớn chỉ có tỷ lệ giải ngân dưới 30% như dự án cơ sở hạ tầng quốc phòng trên đảo Cù Lao Chàm, cầu Kỳ Phú 1&2, nâng cấp mở rộng tuyến ĐT611, đường trục chính khu liên hợp công nghiệp đô thị Việt Hàn, nạo vét luồng đường thủy khu vực biển Cửa Đại (Hội An), đường Trà My – Trà Bồng – Dung Quất, đường giao thông xã Zuôih – Lăng, xử lý nước thải, chất thải rắn Hội An… Chủ đầu tư công bố các dự án này đang trong quá trình hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý dự án, triển khai đấu thầu, lựa chọn nhà thầu lẫn thay đổi, điều chỉnh quy mô dự án hay thiếu vốn. Trong khi đó, chỉ còn hơn 5 tháng nữa (thời gian thường xảy ra bão lũ) là kết thúc năm tài chính, liệu nỗ lực của chính quyền, chủ đầu tư có đủ khả năng để giải ngân hết nguồn vốn này hay không? Chưa có một con số chính thức nhưng số lượng dự án và vốn điều chuyển sẽ không nhỏ, thậm chí sẽ bị trung ương cắt giảm, thu hồi vốn là điều đã được dự báo.
KBNN Quảng Nam cho biết đã đề nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công trước mùa mưa lũ, nghiệm thu khối lượng kịp thời, kể cả việc lựa chọn nhà thầu có đủ năng lực thay thế nhà thầu yếu kém, thi công tiếp dự án. Đồng thời đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các chủ đầu tư thực hiện cam kết giải ngân đến các thời điểm ngày 31.7, 30.9 và 30.11. Các dự án không có khả năng thực hiện hết kế hoạch cần báo cáo cấp thẩm quyền điều chuyển kế hoạch vốn kịp thời, tập trung giải ngân các nguồn vốn trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương. Không để xảy ra tình trạng sử dụng không hết kế hoạch vốn để trung ương phải thu hồi vốn. “Sau ngày 30.6.2014, các dự án mới chưa ký hợp đồng xây dựng, các dự án đã quyết toán thanh toán khối lượng và dự án chuyển tiếp chưa có hồ sơ gửi KBNN để thực hiện thanh toán thì không được tiếp tục thực hiện giải ngân mà phải cắt chuyển điều chuyển cho công trình, dự án có khối lượng nhưng thiếu vốn. Không thanh toán cho khối lượng các dự án đã hoàn thành, nghiệm thu nhưng để đến cuối năm mới lập hồ sơ thanh toán. Thời hạn cho các chủ đầu tư đề nghị điều chuyển vốn đợt cuối là ngày 30.11.2014 và cấp thẩm quyền quyết định điều chuyển kế hoạch vốn trước ngày 31.12.2014” - ông Nguyễn Quốc Tùng nói.
TÙY PHONG