Khô hạn và những hệ lụy

DUY THÁI 11/07/2014 08:54

Khô hạn gay gắt tại xã Quế Phước (Nông Sơn) làm nguồn nước tưới và cả nước sinh hoạt bị thiếu hụt nghiêm trọng. Kéo theo đó là những hệ lụy khôn lường.

Đất khô, giếng cạn…

Nếu nắng hạn khiến đất sản xuất hoa màu ở các xã Quế Lâm, Quế Trung (huyện Nông Sơn) bị bỏ hoang từ 30 - 40% thì diện tích đất nông nghiệp ở xã Quế Phước hầu như không gieo trồng được vì không có nước. Băng qua những cánh đồng đất cục khô cằn trơ ra dưới cái nắng như đổ lửa, chẳng thấy bóng dáng nông dân. Ông Trần Thế - Chủ tịch Hội Nông dân xã Quế Phước cho hay, nắng hạn khiến toàn xã có 50ha đất lúa nhưng không thể xuống giống được, còn 189ha đất hoa màu thì đã bỏ hoang đến 90%, diện tích còn lại được người dân cố gắng chăm bón nhưng hiệu quả rất thấp. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng cũng không thể thực hiện được khi khô hạn kéo dài. “Quế Phước là xã duy nhất không có đập thủy lợi, trong khi đó, tất cả khe suối dẫn về cánh đồng đều bị cạn kiệt. Thiếu nước tưới làm nông dân khốn đốn, phải bỏ nghề nông tìm phương kế khác để mưu sinh” - ông Thế nói.

Trẻ em tắm sông nhiều tiềm ẩn tai nạn đuối nước.  Ảnh minh họa
Trẻ em tắm sông nhiều tiềm ẩn tai nạn đuối nước. Ảnh minh họa

Không chỉ nỗi lo về nguồn nước sản xuất, nước sinh hoạt cũng thiếu khiến cuộc sống của người dân thêm phần chật vật. Tại thôn Phú Gia 2, tất cả giếng nước đều trơ đáy, người dân phải bơm hoặc gánh nước từ sông Thu Bồn về ăn uống. Ông Nguyễn Văn Phượng - Trưởng thôn Phú Gia 2 cho biết, cả thôn có 2 công trình nước sạch mới được đưa vào sử dụng là còn nước nhưng chỉ cung cấp đủ cho vài chục hộ dân, còn gần 200 hộ phải sống nhờ nguồn nước từ sông Thu Bồn, nhiều gia đình phải đi xa gần 2 cây số mới gánh được nước về nhà. Còn tại thôn Đông An, tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt cũng đang làm cho người dân khốn đốn. Tại tổ 3, khu vực xa sông Thu Bồn, khoảng 30 hộ dân nơi đây phải dùng chung một cái giếng nhưng nước luôn cạn sát đáy. Người dân góp công đào giếng này sâu thêm hơn 1m nhưng nước cũng chỉ rỉ ra từng giọt, một số giếng khác cũng được nạo vét nhưng đều gặp đá nên không có nước. “Có khi 10 giờ đêm chúng tôi còn phải túc trực để múc nước, mỗi lần gánh được nước về nhà phải lóng cặn. Nước vo gạo, rửa chén thì tận dụng cho gia súc uống. Thiếu nước sạch nên cuộc sống của dân làng cũng bị đảo lộn” - ông Lê Đủ, người dân ở tổ 3 than thở.

Cảnh báo đuối nước

Thiếu nước sinh hoạt, cứ chiều xuống, theo dọc sông Thu Bồn qua xã Quế Phước, nhiều trẻ em đổ xô ra bãi Ông Dớn và bãi Bà Thê tắm. Tuy nhiên mực nước sông Thu Bồn lên xuống thất thường và có nhiều ghềnh sâu nên khó tránh khỏi nguy cơ trượt chân đuối nước. Theo quan sát của chúng tôi, trẻ em nơi đây đi tắm sông từng tốp 3 - 4 em, không có áo phao, không người lớn dẫn dắt. Nhiều em ôm can nhựa bơi ra giữa sông đùa giỡn rất nguy hiểm. “Trời nắng quá, ở nhà lại không có nước nên bọn em phải kéo ra sông tắm cho mát. Cha mẹ thường đi làm về tối nên không dẫn em đi được” - Phạm Hoàng Anh (lớp 5, Trường Tiểu học và THCS Quế Phước) nói.

Trưởng thôn Phú Gia 2 - Nguyễn Văn Phượng cho biết, mới đây ông Trần Văn Phúc (sinh 1952, thôn Phú Gia 2) đã chết đuối khi bơi qua sông; rồi nhiều trường hợp trẻ em bơi ra giữa dòng bị uống nước, gió “kéo” không đủ sức bơi vào bờ. Đặc biệt, vào ngày 17.3, tại bãi Bà Thê đã có 7 học sinh lớp 5A thuộc phân hiệu thôn Đông An bị đuối nước, may mắn là các em được cứu kịp thời. Chưa hết bàng hoàng chuyện xảy ra hôm đó, em Đoàn Thị Như Ý kể: “Sau khi lao động tại trường về, do trời quá nóng nên chúng em rủ nhau xuống sông tắm. Không may em bị trượt chân, 6 bạn còn lại lao ra cứu nhưng nước sâu khiến tất cả bị đuối nước, chìm dần, may mắn là chúng em được cứu vớt kịp thời”. Theo ông Lương Văn Bá - Phó Chủ tịch UBND xã Quế Phước, trẻ em ra sông tắm ngày càng gia tăng khi thiếu nước sinh hoạt dẫn đến nguy cơ xảy ra đuối nước trở nên đáng báo động. “Hiện nay, Đoàn thanh niên xã đã cắm biển cảnh báo tại các bãi để khuyến cáo trẻ em phải cẩn thận khi tắm sông. Biện pháp chủ yếu vẫn là tuyên truyền cho người dân khuyên bảo con cái để tránh trường hợp đuối nước đáng tiếc xảy ra” - ông Bá nói.

Ông Nguyễn Văn Hòa - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Sơn cho biết, không chỉ xã Quế Phước, ở các xã ven sông của huyện, tình trạng trẻ em tắm sông diễn ra hằng ngày. Để tránh những tai nạn đuối nước đáng tiếc, các ngành chức năng của huyện thường xuyên phối hợp với nhà trường và gia đình tuyên truyền nâng cao ý thức về phòng chống đuối nước cho trẻ em; vận động người dân mua áo phao, cắm biển báo những vùng sạt lở, nguy hiểm. Ông Hòa chia sẻ: “Hè này, Huyện đoàn Nông Sơn phối hợp với chương trình phát triển vùng mở lớp dạy bơi miễn phí cho 100 học sinh; nhân rộng mô hình “Ngôi nhà an toàn, trường học an toàn phòng tránh tai nạn đuối nước”... Hy vọng những nỗ lực đó sẽ tránh được nguy cơ đuối nước đối với trẻ em ở vùng sông nước như Nông Sơn”.

DUY THÁI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khô hạn và những hệ lụy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO