Tình trạng vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) đang trở nên phổ biến và đáng báo động, trong khi đó công tác quản lý của cơ quan chức năng đang gặp nhiều khó khăn…
|
Thực phẩm được bày bán ngoài chợ ít được kiểm tra về nguồn gốc, nhãn mác. |
Khó kiểm soát
Nhân Tháng hành động ATVSTP, Đoàn kiểm tra liên ngành số 4 do Chi cục Quản lý thị trường tỉnh vừa bất ngờ kiểm tra cơ sở bê thui Mười (thị xã Vĩnh Điện, Điện Bàn). Tại thời điểm kiểm tra, các thành viên trong đoàn phát hiện nhiều sọt rau đã qua sơ chế nhưng vẫn để gần sàn nước bẩn. Các xô dưa chua để dưới gầm bàn, không được che đậy cẩn thận, ruồi bu quanh miệng xô. Thậm chí, các giỏ rau đã qua sơ chế để trên bịch thịt tươi trong tủ đông lạnh mà không hề e ngại rau sống sẽ nhiễm khuẩn trực tiếp từ thịt. Rau đang sơ chế bỏ trực tiếp trên nền nhà. Hệ thống xử lý nước thải để lộ ra ngoài, liền kề khu vực chế biến... Ngoài ra, trong danh sách nhận lương của cơ sở này có 31 lao động tham gia nhưng khi đoàn kiểm tra yêu cầu xuất trình giấy chứng nhận đủ sức khỏe và tập huấn kiến thức ATVSTP thì chỉ có 10 người. Tuy nhiên, khi tiến hành kiểm tra nhanh với mẫu rau xà lách, dưa chuột thì không phát hiện thuốc trừ sâu trong hai mẫu này. Đoàn kiểm tra đã nhắc nhở chủ cơ sở khắc phục những hạn chế nêu trên.
Theo báo cáo của Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản và muối (Sở NN&PTNT), trong quý 1.2016, 24 mẫu thịt ở các địa phương trong tỉnh được gửi đi kiểm định chất lượng đều không phát hiện có chất cấm. Tương tự, trong những ngày đầu tiên kiểm tra nhân Tháng hành động ATVSTP, các mẫu rau được lấy bất kỳ tại một cơ sở bếp ăn công nghiệp đóng chân trên xã Điện Thắng Bắc hay tại cơ sở bê thui Mười (Điện Bàn) đều không phát hiện tồn dư thuốc trừ sâu. Với mặt hàng nem, chả đoàn cũng không phát hiện có chất hàn the trong mẫu thử. |
Cùng ngày, theo đề nghị của Ban Chỉ đạo ATVSTP thị xã Điện Bàn, Đoàn kiểm tra liên ngành đã đến cơ sở cung cấp thịt dê của ông Nguyễn Hữu Nghĩa ở khối phố Tứ Hà, phường Điện Ngọc. Đây là cơ sở cung cấp thịt dê cho các địa phương lân cận, được người dân địa phương phản ảnh trong nhiều tháng qua có những biểu hiện không lành mạnh như thường xuyên đóng cửa, không tiếp khách lạ. Thậm chí, lực lượng chức năng của địa phương cũng không tiếp cận được, mời lên làm việc thì chủ cơ sở không hợp tác. Trong khi đó, môi trường xung quanh cơ sở chế biến luôn trong tình trạng bốc mùi hôi. Khi đoàn kiểm tra đến, cơ sở được chốt khóa ngoài. Người dân khu vực thông tin, gần đây cơ sở tạm dừng, không thấy nước bẩn gây ô nhiễm. Chính vì vậy, đoàn kiểm tra đưa ra phương án cho lực lượng liên ngành tại địa phương tiếp tục trinh sát, theo dõi, khi có động tĩnh thì báo cáo ngay với cấp trên để xử lý triệt để.
Trong khi đó, theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, lâu nay các loại thịt, cá... bày bán tràn lan ở các chợ lớn nhỏ ít được kiểm soát về nguồn gốc, chất lượng. Dù rằng, thịt có lăn dấu kiểm dịch nhưng quản lý lượng thịt được lăn dấu trong hàng hóa của các tiểu thương thì gần như lâu nay bị thả nổi. Người mua thịt cũng ít khi đòi hỏi đưa dấu ra xem bởi sẽ được các tiểu thương giải thích “dấu lăn có chỗ, bán rồi”. Và người tiêu dùng đành phó mặc niềm tin của mình cho đạo đức của các tiểu thương. Anh Nguyễn Hồng Kỳ (đường Thanh Hóa, phường Hòa Hương, Tam Kỳ) chia sẻ: “Cách đây hơn một tuần, vợ tôi mua 0,5kg thịt heo ở chợ mới Tam Kỳ. Lúc mua thực tình không để ý. Đến khi đem ra nấu thì thấy bên ngoài cục thịt đỏ, đẹp nhưng khi cắt nhỏ ra luộc thì không ngờ bên trong khối thịt trắng hếu, khác hoàn toàn phía bên ngoài. Lo sợ, chúng tôi vứt ngay và nay chưa dám ra chợ mua thịt nữa”. Chúng tôi đem câu chuyện thịt khác màu của anh Kỳ đi hỏi người bán thịt thân quen thì được chị tạm nhận định rằng: “Chợ Tam Kỳ chắc chưa xuất hiện thịt ngâm hóa chất như trên báo chí đâu. Việc khác màu thịt có thể là thịt tồn dư của ngày hôm trước. Người bán vì tiếc đã đem ướp chất ure lên miếng thịt để nhìn có vẻ tươi ngon nhưng kỳ thực đã ôi, thiu!”.
Chồng chéo quản lý
Thực tế, không chỉ ở Quảng Nam mà tình trạng chung của cả nước là chưa có một lực lượng chức năng chuyên làm nhiệm vụ kiểm soát chất lượng nguồn hàng tại các chợ nên việc mua thực phẩm tươi sống, có nguồn gốc rõ ràng phụ thuộc sự may mắn, thông thái của mỗi bà nội trợ. Còn với ngành hàng công nghiệp thực phẩm tiêu dùng như bánh, kẹo, sữa... luôn có khả năng kiểm soát nhãn mác cũng chưa được chú trọng. Dễ thấy nhất là trong mùa bán hàng tết, bánh kẹo, mứt... được xếp từng bao cao ngất, không có bao bì, nguồn gốc tại nhiều cơ sở, đại lý. Ai thích mua thì cân, có ký có tiền. “Người ở quê họ đâu quan tâm đến nguồn gốc đâu em. Vì nhiều mặt hàng có bao bì, nhãn mác nhưng địa chỉ thực sự có đúng như trên bao bì đâu. Tôi lấy hàng của người bỏ mối quen, họ thấy giá cả phù hợp thì lấy hàng bỏ cho tôi và tôi bán lại cho người tiêu dùng” - chị Nguyễn Thị L. (một chủ cơ sở kinh doanh tạp hóa ở chợ Tam Kỳ), nói. Hiện nay cơ sở kinh doanh hàng tạp hóa nở rộ từ thành thị cho đến nông thôn, trong khi đó, việc kiểm tra của cơ quan chức năng lại không thường xuyên, thường theo từng đợt nên những vụ việc phát hiện vi phạm ATVSTP là rất ít, chưa đủ sức ngăn chặn tình trạng này.
Năm 2016, Ban Chỉ đạo liên ngành trung ương về ATVSTP tiếp tục chọn chủ đề cho Tháng ATVSTP là “Tiếp tục tăng cường sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng rau, thịt an toàn”. Đây là năm thứ hai liên tiếp rau, thịt... được tiếp tục nhấn mạnh về vấn đề ATVSTP. Thực tế hiện nay, người tiêu dùng khá bất an với rất nhiều loại đồ dùng, thực phẩm chứ không riêng rau, thịt. Tuy nhiên, rau thịt... là loại thực phẩm không thể thiếu và luôn có mặt trong bữa cơm hằng ngày của người Việt Nam. Là nhu cầu tất yếu không thể thiếu nhưng đang bị đe dọa mất an toàn trầm trọng, là nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ người Việt Nam có tỷ lệ bị ung thư thuộc loại cao trên thế giới. Nhưng, câu chuyện quản lý trong lĩnh vực thực phẩm vẫn còn là câu chuyện dài mà chính những người trong cuộc nhiều khi vẫn thấy rối, thấy bị tung hỏa mù. Sự phân cấp những tưởng sẽ tạo thuận lợi cho việc quản lý thực phẩm nhưng cuối cùng lại gây khó. “Ví dụ, loại thực phẩm bún tươi có cùng lúc 3 cơ quan quản lý. Khi còn là gạo thì nông nghiệp, vào giai đoạn sản xuất kinh doanh bún thì công thương và khi bún lên bàn ăn thì cơ quan y tế. Nói với nhau là như vậy nhưng khi đi vào quản lý thì không phải đơn giản” - một lãnh đạo quản lý ATVSTP chia sẻ.
Việc phân cấp, phân ngành quản lý bên cạnh những thuận lợi thì có khá nhiều khó khăn, rắc rối cho lực lượng chức năng địa phương. Ông Nguyễn Thanh Hải - Trưởng khoa An toàn thực phẩm (Trung tâm Y tế thị xã Điện Bàn) chia sẻ: “Tôi đơn cử việc quản lý nước uống đóng chai. Hiện Điện Bàn có khoảng 30 cơ sở nước đóng chai nhưng đơn vị báo về thì chỉ có khoảng 50% cơ sở đảm bảo quy trình sản xuất. Còn lại là bơm nước trực tiếp vào bình, không đúng quy trình khép kín, xử lý diệt khuẩn... như đăng ký lẫn quảng cáo. Khi chúng tôi đi kiểm tra thì có khi bị lãnh đạo Chi cục ATVSTP tỉnh điện can thiệp. Rằng đó là lĩnh vực chi cục quản lý, địa phương không cần tham gia. Nhưng, nếu chúng tôi làm ngơ, khi xảy ra chuyện với người dân địa phương chúng tôi thì thử hỏi ai là người chịu trách nhiệm?”. Tại buổi làm việc với Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh, ông Nguyễn Xuân Hà - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cũng cho rằng: “Địa phương cũng rất muốn giải quyết rốt ráo những địa điểm, cơ sở nghi ngờ sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn. Tuy nhiên, kinh nghiệm xử lý của lực lượng địa phương vẫn chưa nhiều, biện pháp chế tài không đủ sức răn đe đã gây nhờn với những đối tượng bất chấp đạo đức, pháp luật để kiếm lợi nhuận gây ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân”. Ban Chỉ đạo ATVSTP thị xã Điện Bàn mong muốn đoàn liên ngành làm thẳng, làm thật để xử lý triệt để các cơ sở vi phạm, cùng góp tay tạo ra môi trường an toàn hơn trong tình hình mất ATVSTP như hiện nay.
______________
Bài cuối: Thiếu và yếu
PHAN AN