Khó quản lý các xưởng cưa

TRẦN HỮU 06/09/2019 10:30

Các vụ phá rừng, mua bán, tiêu thụ gỗ lậu có sự “tiếp tay” của các xưởng cưa. Bất cập là nhiều địa phương miền núi vẫn buông lỏng khâu giám sát, kiểm tra các cơ sở chế biến mộc và đồ gỗ.

Một xưởng cưa ở Nam Trà My bị cơ quan chức năng phát hiện cất giấu gỗ lậu. Ảnh: T.H
Một xưởng cưa ở Nam Trà My bị cơ quan chức năng phát hiện cất giấu gỗ lậu. Ảnh: T.H

Không kiểm soát nguồn gốc gỗ chế biến

Cuối tháng 1.2019, lực lượng kiểm lâm huyện Hiệp Đức đột kích vào một xưởng mộc chuyên đóng đồ gia dụng tại thôn 2, xã Sông Trà (Hiệp Đức), bắt quả tang cơ sở này đang tàng trữ 3 bộ phản gỗ đã được đóng thành phẩm ngay trong xưởng. Ngoài ra, kiểm tra hiện trường, ngành chức năng còn phát hiện hơn 10 bộ phản khác đang được hoàn thiện cùng hàng chục phách gỗ quý với tổng khối lượng hàng chục mét khối gỗ. Tuy nhiên, chủ cơ sở chế biến mộc không xuất trình được giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ số gỗ trên.

Những năm trước trước đây, trong khu vực rừng phòng hộ Sông Tranh, thuộc các xã Trà Bui, Trà Tân (Bắc Trà My) xưởng cưa mọc lên như nấm trong các làng tái định cư, các bìa rừng. Tại địa bàn Bắc Trà My, có thời điểm các cơ sở mộc hình thành gây lúng túng cho chính quyền trong công tác quản lý. Chủ tịch UBND xã Trà Kót – ông Huỳnh Ngọc Chiến cho biết, trên địa bàn có 3 xưởng xẻ gỗ đều không có giấy phép hoạt động. Chính quyền không kiểm soát được nguồn gốc nguyên liệu gỗ đầu vào cơ sở xưởng cưa này. Trên địa bàn huyện Bắc Trà My, trong số 27 xưởng cưa xẻ, chế biến lâm sản thì có đến 13 cơ sở hoạt động không phép. Nhiều địa phương miền núi không chỉ lo lắng về xưởng cưa xẻ gỗ không phép mà ngay cả cơ sở được cấp phép hoạt động cũng dễ “tiếp tay”, hợp thức hóa gỗ không rõ nguồn gốc xuất xứ. Theo Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My – ông Thái Hoàng Vũ, để siết chặt kỷ cương kỷ luật quản lý, địa phương đã tăng cường giám sát nguồn gốc, xuất xứ gỗ nguyên liệu đầu vào. Có một biểu hiện thường thấy trong quản lý lâm sản thời gian qua là chỉ khi nào lực lượng chức năng đột kích bất ngờ, thì mới phát hiện gỗ lậu được che giấu ở cơ sở chế biến mộc gia dụng. Trong khi đó, khi lập đoàn kiểm tra liên ngành, hoặc kiểm tra định kỳ thì rất khó tìm ra sai phạm của cơ sở chế biến mộc.

Theo báo cáo của UBND huyện Nam Giang về thực hiện Chỉ thị số 15, ngày 20.12.2018 của UBND tỉnh về tăng cường quản lý hoạt động cưa xẻ, chế biến gỗ, dù đoàn kiểm tra liên ngành tiến hành 2 đợt kiểm tra ở các cơ sở gia công, chế biến gỗ tại địa bàn xã Cà Dy sau Tết Nguyên đán 2019 nhưng đều không phát hiện dấu hiệu vi phạm của doanh nghiệp. Hai doanh nghiệp được kiểm tra gồm Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại và dịch vụ Xuân Chí và Công ty TNHH Đại Liên (Nam Giang), nguồn gốc gỗ chủ yếu là gỗ rừng trồng gia công làm ván ép và gỗ mua sau xử lý tịch thu. Thời điểm kiểm tra tại xưởng doanh nghiệp không có gỗ trái phép.

Chưa triệt để

Nhìn nhận về quản lý hoạt động xưởng cưa, cơ sở chế biến gỗ ở các huyện miền núi, Sở NN&PTNT cho rằng, nhiều nơi cho phép kinh doanh chưa thực sự phù hợp với nhu cầu thực tế trên từng địa bàn, chưa đáp ứng yêu cầu sắp xếp mạng lưới cơ sở cưa xẻ gỗ chung; công tác quản lý hoạt động của ngành chức năng và chính quyền địa phương đối với các cơ sở cưa xẻ gỗ, chế biến hàng mộc dân dụng còn nhiều hạn chế. Việc mua bán, chế biến gỗ trái phép vẫn còn xảy ra. Bên cạnh đó, một số cá nhân đã lợi dụng việc bãi bỏ giấy phép hành nghề chế biến gỗ và lâm sản để lắp đặt xưởng cưa không đúng theo nội dung của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, dù cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đã tổ chức kiểm tra cơ sở chế biến gỗ, xưởng cưa nhưng việc ngăn chặn, xử lý vi phạm chưa triệt để.

Từ năm 2018 đến nay, quan điểm của chính quyền tỉnh là không cấp mới, gia hạn cơ sở cưa xẻ, gia công, chế biến gỗ đặt trong lâm phận các ban quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, đặt trong hoặc gần rừng tự nhiên. Theo Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh – ông Phan Tuấn, thời gian qua, ngành kiểm lâm đã thực hiện truy xuất nguồn gốc gỗ tại các cơ sở chế biến, chỉ đạo các hạt kiểm lâm di dời cơ sở chế biến gỗ nằm trong các khu rừng hoặc gần rừng. Ngoài ra, cũng di dời các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nằm trong hoặc gần khu dân cư và các khu công nghiệp hoặc cụm công nghiệp, khu sản xuất tập trung nhằm thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng và bảo vệ môi trường. Các cơ sở cưa xẻ, gia công, chế biến gỗ phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh theo quy định; tuyệt đối không mua bán, gia công, chế biến, tàng trữ gỗ bất hợp pháp. Tuy nhiên, thực tế các xưởng cửa ở địa bàn Hiệp Đức, Bắc Trà My, Phước Sơn… bị lực lượng chức năng xử lý về hành vi tiêu thụ gỗ lậu, hoặc vi phạm về nguồn xuất xứ gỗ vẫn chưa bị xử lý thu hồi giấy phép kinh doanh.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó quản lý các xưởng cưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO