Khó thi hành án dân sự tín dụng

TRỊNH DŨNG 29/07/2015 09:09

Việc thu hồi nợ theo các bản án đã tuyên vẫn khó thực hiện vì thiếu tiếng nói chung từ nhiều phía. Đây là vấn đề được bàn luận nhiều nhất tại hội nghị sơ kết 1 năm thực hiện quy chế phối hợp do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam tổ chức sáng 28.7 với sự tham dự của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng.

Ngân hàng “than” thi hánh án kéo dài

Ông Nguyễn Văn Diện - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho hay, cơ quan thi hành án dân sự Quảng Nam đã có nhiều nỗ lực thi hành án, góp phần xử lý, giảm thấp nợ xấu của hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, đến cuối tháng 6.2015, có 43% tổng nợ xấu của hệ thống ngân hàng được tuyên theo các bản án vẫn chưa được thi hành. Theo thống kê, tổng số án tín dụng tại Quảng Nam khoảng 256 vụ. Chiếm nhiều nhất do các ngân hàng khởi kiện khoảng 249 vụ, với tổng số tiền, tài sản được thi hành án là 1.111 tỷ đồng, tập trung ở 14 ngân hàng. Nhưng hiện tại, thi hánh án chỉ thu được 210 tỷ đồng, đạt 19%. Số còn lại phải thi hánh án trên 899 tỷ đồng.

Giới ngân hàng thương mại nêu lên hàng loạt vướng mắc từ cơ sở pháp lý đến thi hành án và cho rằng những quy định về thủ tục thi hành án phức tạp, rườm rà, dẫn đến kéo dài. Quyền của ngân hàng là được thu giữ tài sản để xử lý về giao dịch đảm bảo nhưng khi ngân hàng khởi kiện thì Luật Thi hành án lại không hướng dẫn về quyền này. Những hướng dẫn về quy định kê biên, xử lý một số tài sản đặc thù như nhà hàng, khách sạn vẫn chưa được hướng dẫn cụ thể. Hoặc quyền của người phải thi hành án còn được mở rộng dẫn đến người phải thi hành án dễ dàng lợi dụng để kéo dài thời gian. Các trường hợp khoản nợ nhỏ hơn nhiều so với giá trị tài sản phải thi hành án thì chấp hành viên cân nhắc khi xử lý tài sản…

Quang cảnh cuộc họp sáng ngày 28.7. Ảnh: T.D
Quang cảnh cuộc họp sáng ngày 28.7. Ảnh: T.D

Ngoài vướng mắc về pháp lý, thi hành án cũng bộc lộ nhiều vướng mắc khác khi kê biên tài sản khách hàng để thi hành án, cơ quan thi hành án chỉ kê biên mới một phần tài sản bảo đảm, dẫn đến việc thu hồi nợ của khách hàng còn thiếu. Tài sản thế chấp của khách hàng là xưởng, máy móc, thiết bị đã xuống cấp trầm trọng, lạc hậu về công nghệ và thời gian kéo dài từ việc bán đấu giá tài sản kê biên. Một số vụ việc khi thực hiện xử lý tài sản thường có hướng tạo điều kiện cho kéo dài thời gian trả nợ, xem xét miễn giảm lãi… cho bên thi hành án. Còn quyền lợi người được thi hành án là ngân hàng thì chưa quan tâm. Chưa kể còn có quan niệm rằng nợ qua thi hành án của ngân hàng là nợ ngoại bảng, nợ khó thu, tận thu…

Không dễ tìm tiếng nói chung

Phía ngân hàng cho rằng họ đang đối mặt với một tình trạng về mặt pháp lý liên quan đến các vấn đề xử lý nợ cũng như tài sản đảm bảo. Khi cho vay, ngân hàng đã chủ động ràng buộc các điều kiện pháp lý với bên cho vay và các bên liên quan bằng nhiều hợp đồng như hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm tín dụng… nhưng khi rủi ro phát sinh thì việc xử lý thu hồi nợ của ngân hàng luôn gặp khó khăn. Những khó khăn này không xuất phát từ các điều khoản hợp đồng mà chính là từ tính hiệu lực trong việc thực thi các điều khoản đó và khả năng cưỡng chế của hợp đồng. Phía ngân hàng cho rằng không hiểu lý do gì mà sự lúng túng, bị động luôn xảy ra trong hệ thống tòa án trong việc tiếp nhận, thụ lý các đơn đòi nợ cũng như vai trò mờ nhạt của các cơ quan này trong việc bảo đảm quyền lợi của các chủ nợ?

Ngược với giới ngân hàng, đại diện Cục Thi hánh án dân sự Quảng Nam cho hay hàng năm cơ quan này phải thụ lý và đưa ra thi hành án số lượng án rất lớn và tính phức tạp trong từng vụ việc cũng tăng theo. Các loại án liên quan đến tín dụng, ngân hàng chiếm tỷ lệ không nhỏ, nhất là thi hành về giá trị so với tổng số án thụ lý của cơ quan thi hành án. Tổng số vụ việc phải thi hành án tính từ ngày 1.10.2014 - 30.6.2015 khoảng 256 vụ với tổng số tiền phải thi hành là 1.236 tỷ đồng, nhưng chỉ mới giải quyết 31 vụ (331 tỷ đồng, chiếm 27%). Vẫn còn 225 vụ thi hành án chưa được giải quyết. Theo ông Nguyễn Bá Hóa - Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Quảng Nam, các bản án thi hành án không thành vì không có tài sản để thu, tài sản đã kê biên nhưng không bán được, đang thẩm định giá, xác minh tài sản, các bên thỏa thuận hay giá trị tài sản quá lớn so với số tiền phải thi hành án. Ông Trịnh Mạnh Hùng - Phó cục trưởng Cục Thi hành án dân sự tỉnh cho biết thêm, so với giá trị thực và quy mô của tài sản thì dù giá bán thấp vẫn không có khách hàng nào có nhu cầu mua, mặc dù cơ quan bán đấu giá cũng như đơn vị đã thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Không phải cơ quan thi hành án không cương quyết, để kéo dài nhưng luật không cho phép nên sẽ rất khó thi hành án. Quan điểm của Cục Thi hành án dân sự tỉnh là bên cạnh thủ tục cưỡng chế thi hành án bằng biện pháp kê biên tài sản thì sự thuyết phục, thỏa thuận gắn với chủ trương chủ động tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết nợ xấu cần được quan tâm. Nếu như cứ khăng khăng kê biên, phát mãi… theo như bản án thì không bao giờ có thể thi hành án dứt điểm được.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Đình Tùng cho rằng mong muốn của cuộc họp này chính là tìm ra con đường ngắn nhất để thi hành án dân sự tín dụng, ngân hàng, nhưng cái lõi của nó vẫn chưa được bàn đến. Các bên thi hành án hay ngân hàng đều kiến nghị lẫn nhau. Nếu không bàn chuyện tháo gỡ thì tất cả cuộc gặp gỡ đều khó đi đến thành công. Phía thi hành án cần nghiên cứu để xử lý những vụ việc tồn đọng theo lộ trình cụ thể, phù hợp, tháo gỡ các khó khăn cho ngân hàng. Còn ngân hàng thì không nên cứng nhắc, không phải cứ vin vào bản án để đòi thi hành thu nợ, bởi mục đích cuối cùng là thu lại được bao nhiêu nợ chứ không phải thi hành bản án!

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó thi hành án dân sự tín dụng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO