Nợ đọng bảo hiểm xã hội (BHXH) là vấn đề khiến cơ quan quản lý “đau đầu” do khó thu hồi. Các biện pháp kiểm tra, nhắc nhở đều không phát huy tác dụng. Quyền lợi của người lao động bị “treo” theo nợ đọng BHXH.
Người lao động tại Công ty May Minh Hoàng 2 nhiều lần đình công đòi quyền lợi nhưng vẫn bị nợ bảo hiểm xã hội. Ảnh: D.L |
Nợ “xấu” hơn 55 tỷ đồng
Theo số liệu từ BHXH tỉnh, quý I/2018, tiền nợ BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp toàn tỉnh hơn 235,5 tỷ đồng. Trong đó, nợ BHXH hơn 168 tỷ đồng, nợ bảo hiểm thất nghiệp hơn 9,2 tỷ đồng và nợ bảo hiểm y tế hơn 57,6 tỷ đồng. Trong số các đơn vị nợ, có 342 đơn vị để nợ kéo dài hơn 6 tháng, với số tiền hơn 55 tỷ đồng. Ông Nguyễn Ngọc Bá - Trưởng phòng Khai thác & thu nợ (BHXH tỉnh) cho biết: “Các đơn vị có nợ khó thu hồi, nợ đọng kéo dài chủ yếu ở khối doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp ngành may mặc có đông lao động nên số tiền đóng hàng tháng lớn, thường để nợ nhiều và kéo dài. Từ đó mà việc giải quyết chế độ cho người lao động cũng gặp khó khăn, quyền lợi của lao động từ các chế độ ốm đau, thai sản đến hưu trí đều không được giải quyết”.
Các đơn vị để nợ đọng kéo dài nhiều nhất ở khu vực TP.Tam Kỳ, có 150 doanh nghiệp nợ hơn 6 tháng với số tiền hơn 9,7 tỷ đồng, và 399 lao động bị ảnh hưởng. Trong số đó, có các đơn vị: Công ty TNHH MTV May Minh Phương nợ hơn 1,6 tỷ đồng trong 18 tháng qua; Công ty TNHH May thời trang Việt Hương nợ hơn 553 triệu đồng trong 25 tháng; Công ty CP Sao Kim Việt nợ hơn 329 triệu đồng trong 20 tháng... TP. Hội An có 65 đơn vị nợ số tiền hơn 6,7 tỷ đồng, 170 lao động bị ảnh hưởng, đó là Công ty CP TMDV Cát Vàng nợ hơn 1,7 tỷ đồng trong 7 tháng; Công ty TNHH Phố Việt nợ hơn 569 triệu đồng trong 38 tháng. Và một số đơn vị có số nợ tuy không lớn nhưng để thời gian kéo dài từ 3 năm trở lên cũng còn rất nhiều tại TP. Hội An. Tại Điện Bàn có một số đơn vị để nợ kéo dài dai dẳng như Công ty CP Nhà Việt Nam Vinahouse nợ hơn 1,6 tỷ đồng đã 32 tháng; Công ty TNHH Quang Minh nợ hơn 1,3 tỷ đồng đến 110 tháng...
Những đơn vị nợ số tiền quá lớn và kéo dài như Công ty May Minh Hoàng 2 (nợ hơn 9,4 tỷ đồng của 684 lao động trong 13 tháng), Công ty CP Mai Đoàn (nợ hơn 2,4 tỷ đồng của 39 lao động trong 11 tháng)... Ở các đơn vị này, người lao động cũng đã đình công, ngưng việc tập thể đòi hỏi quyền lợi nhưng rồi lại đâu vào đó, họ cứ hứa và người lao động cứ phải chờ đợi kéo dài.
Cố gắng thu hồi nợ
Đối với các đơn vị nợ kéo dài, cơ quan BHXH đã thực hiện các thủ tục thu hồi nợ, tiến hành thanh tra, kiểm tra, thu hồi nợ nhằm giải quyết chế độ cho người lao động. Tuy vậy, không phải những lần thanh tra đều có thể gặp được chủ sử dụng lao động hay doanh nghiệp sẵn sàng hợp tác. Tháng 3.2018, Thanh tra BHXH tỉnh gửi quyết định thanh tra 18 đơn vị nợ đọng BHXH kéo dài và có số tiền nợ lớn.
Trong đó có đến 5 đơn vị mà Thanh tra BHXH tỉnh không thể đến làm việc được, vì chủ doanh nghiệp thoái thác với nhiều lý do. Các đơn vị không làm việc được để thu hồi nợ gồm Công ty TNHH Dịch vụ giải trí Rồng Việt (nợ 165 triệu đồng trong 48 tháng của 2 lao động), Công ty TNHH MTV May mặc và xuất nhập khẩu Hiếu Bảo (nợ hơn 188 triệu đồng trong 24 tháng của 6 lao động), Công ty TNHH Vận tải & xây dựng Đức Thịnh (chỉ nợ hơn 17 triệu đồng để kéo dài 8 tháng), Công ty CP XD&TM Ny Cường Nguyên (nợ hơn 112 triệu đồng trong 41 tháng của 2 lao động), và Công ty CP đầu tư TCV (nợ hơn 139 triệu đồng trong 23 tháng với 5 lao động).
Theo ông Nguyễn Ngọc Bá, việc đi thu hồi nợ đọng BHXH kéo dài luôn gặp khó khăn khi doanh nghiệp viện đủ lý do để tránh thanh tra. Có một số đơn vị khi làm việc vẫn có mặt, vẫn cam kết nhưng lại không thực hiện đúng lộ trình cam kết trả nợ. Đối với các đơn vị nợ đọng kéo dài nêu trên, BHXH từ tỉnh đến các huyện, thị xã, thành phố đều đã rất nhiều lần làm việc với chủ sử dụng lao động, họ có cam kết, có lộ trình nhưng liên tục vi phạm chính cam kết của họ đưa ra.
Như Công ty CP Nhà Việt Nam Vinahouse, sau rất nhiều lần các đoàn thanh tra, giám sát của HĐND tỉnh, BHXH tỉnh, BHXH thị xã Điện Bàn đến làm việc, đơn vị này có cam kết nhưng không thực hiện. Mới đây nhất, vào tháng 5.2018, Phòng Cảnh sát Kinh tế (Công an tỉnh) đã đến làm việc với lãnh đạo doanh nghiệp này. Tại buổi làm việc, ông Lê Văn Vĩnh - Tổng Giám đốc Vinahouse đã biện minh rằng do làm ăn thua lỗ liên tục nên công ty mới để nợ, ông Vĩnh cam kết sẽ trả hết số nợ đến hết tháng 12.2018. BHXH tỉnh đã cùng với Phòng Cảnh sát Kinh tế thống nhất đối với lộ trình này, nhằm giải quyết được các chế độ liên quan cho 32 lao động đang bị ảnh hưởng.
Toàn tỉnh hiện có 2.418 lao động bị ảnh hưởng các quyền lợi như ốm đau, thai sản, thậm chí nghỉ hưu cũng không được giải quyết chế độ. Nhiều lao động đành bỏ đi làm việc ở nơi khác để được tham gia BHXH trở lại. Nhưng khổ nỗi, sổ BHXH vẫn giữ nguyên số cũ nên họ buộc phải “khoanh” thời gian bị doanh nghiệp cũ nợ để đó, vì thế ảnh hưởng không nhỏ đến việc giải quyết chế độ. Chỉ khi người lao động phải vứt bỏ hẳn khoảng thời gian tham gia trước đó thì mới được giải quyết chế độ, nhất là những người đến tuổi về hưu. “Cuộc chiến” đòi nợ BHXH giúp người lao động của cơ quan chức năng vẫn cứ kéo dài. Mọi biện pháp đều đã được áp dụng nhằm kéo giảm nợ đọng, nhưng xem ra vẫn chưa có một biện pháp nào đủ mạnh để chủ sử dụng lao động tôn trọng quyền lợi của người lao động cũng như những quy định của pháp luật.
LÊ DIỄM