Những năm gần đây, các trường nghề liên tục trả lại kinh phí đào tạo vì người học nghề ngày càng thưa vắng...
Công tác tuyển sinh đào tạo nghề của các trường nghề trong những năm gần đây gặp nhiều khó khăn. Ảnh: D.L |
Tuyển sinh không đủ
Đối với Trường Văn hóa, nghệ thuật & du lịch tỉnh, từ năm 2015 đến 2017 tuyển sinh đào tạo được 976 học viên, đạt thấp so với chỉ tiêu giao. Vì thế, năm học 2016 nhà trường phải trả lại ngân sách 692 triệu đồng, năm 2017 là 460 triệu đồng. Theo ông Hồ Văn Quang - Phó Hiệu trưởng phụ trách nhà trường, các mã ngành đào tạo đều phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của trường. Nhưng do tính đặc thù của các ngành nghệ thuật nên trong vài năm qua, số lượng học sinh nhập học rất thấp, luôn không đạt chỉ tiêu. Cụ thể: năm học 2015 - 2016, Bộ GD-ĐT giao nhà trường đào tạo 1.020 chỉ tiêu, nhưng chỉ tuyển được 339 người học; năm học 2016 - 2017 được giao 945 chỉ tiêu, chỉ tuyển đạt 174 người học. Nguyên do thiếu người học được ông Quang giải thích: “Hiện nay nhiều bậc phụ huynh và học sinh thường hay chọn học đại học, nên việc tuyển sinh của các trường trung cấp gặp khó khăn. Do đặc thù của ngành nghệ thuật, đòi hỏi người học phải có năng khiếu mới học được. Phụ huynh thì chưa hình dung được vị trí việc làm sau khi con em họ tốt nghiệp ngành năng khiếu. Chưa kể cơ sở vật chất nhà trường xuống cấp cũng là rào cản không nhỏ trong thu hút học viên”.
Tuyển sinh không đạt, định mức kinh phí đào tạo nghề thấp khiến nhà trường gặp khó khăn trong vấn đề tài chính, không đủ chi lương, phụ cấp cho cán bộ, giáo viên, nhân viên. Nhà trường đã có nhiều cố gắng trong việc tự chủ nguồn thu, chủ động khai thác các nguồn lực khác. Nguồn lực chủ yếu vẫn là từ những khóa đào tạo ngắn hạn về nhạc, múa, đàn organ... đáp ứng nhu cầu của xã hội. Ông Quang cho biết: “Để giúp học sinh lựa chọn học nghệ thuật, nhà trường phải nâng cao năng lực cạnh tranh bằng chính chất lượng đào tạo, cung cấp đầy đủ thông tin về trường, kết quả, chất lượng đào tạo, tình hình học sinh, sinh viên có việc làm đúng chuyên ngành đào tạo sau tốt nghiệp. Nhà trường cũng tích cực khai thác điểm mạnh trong đào tạo khi liên kết, hợp tác với các bên có nhu cầu về nguồn lực được đào tạo. Các thông tin này nhà trường đều tư vấn đầy đủ cho phụ huynh và học sinh khi đi tuyển sinh”.
Tại Trường Cao đẳng Công nghệ tỉnh, Ông Nguyễn Quyết Thắng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Những năm trước trường tuyển sinh dù không đủ 100% nhưng cao hơn, năm này tuyển sinh khó do có một số vụ việc xảy ra, đơn thư, nhiều đoàn thanh tra kiểm tra xác minh từ năm 2017 đến nay khiến tinh thần tư tưởng cán bộ giáo viên ảnh hưởng, uy tín giảm. Tình trạng học sinh nghỉ học giữa chừng rất nhiều. Tuyển sinh khó khăn, lực lượng lao động xã hội cần nhưng không đủ đáp ứng. Khi giao chỉ tiêu, có nghề tuyển dư nhưng không được đào tạo, tuyển không đủ cũng phải đào tạo. Như nghề công nghệ ô tô giao chỉ 60 chỉ tiêu, nhưng người học nhiều phải loại ra. Nghề cơ khí, cắt gọt kim loại, hàn chỉ 5 - 9 em cũng phải dạy, nên nhiều lúc phải bù rất nhiều. Chỉ cho điều chỉnh bậc cao đẳng, trung cấp chứ không đưa qua nghề khác được, quy định như vậy nên khó cho trường”.
Bỏ học giữa chừng
Theo Sở LĐ-TB&XH, tuyển sinh học nghề các bậc cao đẳng, trung cấp ngày càng khó khăn hơn. Cụ thể, tuyển sinh của các trường công lập năm 2015 bậc cao đẳng chỉ đạt 76% chỉ tiêu giao, trung cấp đạt 78%; năm 2016 cao đẳng đạt 72%, trung cấp đạt 81%; năm 2017 cao đẳng chỉ đạt 46%, trung cấp đạt 68% chỉ tiêu giao. |
Trong 3 năm trở lại đây, không khí dạy và học tại Trường Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam không còn sôi động như giai đoạn trước năm 2015. Người học thưa vắng mỗi khi bước vào mùa đào tạo mới. Theo ông Đặng Nam Phương - Hiệu phó Trường Trung cấp nghề Bắc Quảng Nam, lúc đầu tuyển sinh, nhà trường đến từng địa phương, gặp các trường THCS, xin danh sách học sinh không vào cấp 3. Dựa trên danh sách đó, trường đến gặp lãnh đạo UBND các xã, rồi đến gặp trưởng thôn, cùng đến từng nhà giới thiệu, tuyên truyền cho từng gia đình. Tại nhà hộ dân, nhà trường nói rõ những chính sách hỗ trợ học nghề của nhà nước, tư vấn nghề cho học sinh học, giới thiệu cả nơi làm việc sau khi học. Ông Phương nói: “Nhờ cách làm tận nơi như vậy mới mang lại hiệu quả tốt hơn trong tuyển sinh. Vì thế ban đầu chúng tôi đều tuyển đủ chỉ tiêu được giao. Nhưng sức bền của học sinh vẫn không theo được, học sinh liên tục rơi rớt, giảm sút trong quá trình đào tạo, đến cuối khóa không còn bao nhiêu người. Nguyên nhân đến từ phía học sinh và cả nhà trường. Học sinh không đam mê học nghề nên bỏ học giữa chừng. Phía nhà trường thì chương trình đào tạo chưa sát thực tế, cơ sở vật chất xuống cấp, phương thức giáo dục văn hóa, ý thức cho học sinh vẫn chưa tốt...”.
Mỗi mùa khai giảng một năm học mới, nhà trường khi đã mời doanh nghiệp đến giới thiệu cho học sinh biết, ký biên bản thỏa thuận giữa 2 bên, tạo điều kiện cho học sinh thực tập, tiếp nhận sau khi tốt nghiệp nếu doanh nghiệp còn nhu cầu tuyển dụng. Đến thời điểm sắp tốt nghiệp, nhà trường mời doanh nghiệp đến một lần nữa tư vấn cho học sinh, kể cả làm việc trong nước và xuất khẩu lao động, giúp họ nắm bắt và đăng ký tìm việc phù hợp. Học sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số khi học xong, đi làm nhà trường phải ứng tiền ăn, thuê trọ nhưng đi làm nửa tháng họ bỏ về... Từ năm 2015 đến 2017, trường đã đào tạo được 1.525 học sinh ở các trình độ trung cấp, sơ cấp và dưới 3 tháng. Năm 2015 nhà trường trả lại ngân sách hơn 350 triệu đồng, 2016 hơn 317 triệu đồng, năm 2017 hơn 2 tỷ đồng, năm 2018 dự kiến trả lại hơn 2 tỷ đồng.
Tại Trường Trung cấp nghề thanh niên dân tộc miền núi tỉnh, ông Nguyễn Quí Quý - Hiệu trưởng nhà trường cũng thông tin rằng tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng xảy ra ngày càng nhiều. Ông Quý phân tích: “Trình độ của học sinh vùng dân tộc thiểu số yếu, có em đi học nghề hàn mà không có kiến thức vật lý, không biết đo đếm, nhà trường vừa đào tạo nghề vừa dạy thêm văn hóa. Hiện nay, nhà trường đang có 80 học viên trung cấp, lúc vào học thuộc hộ nghèo nhưng thoát nghèo theo kết quả rà soát cuối năm 2017. Theo quy định không còn hộ nghèo thì chế độ không chi trả cho các em được, rất mong có ý kiến chỉ đạo sớm từ tỉnh để giải quyết vấn đề này”.
LÊ DIỄM