Khổ vì thiếu nước sạch

TRẦN BÍCH LIÊN 06/05/2015 08:22

Hàng nghìn hộ dân các xã Đại Hưng (Đại Lộc), Quế Lâm (Nông Sơn) đang đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn nước sinh hoạt lẫn nước sạch hằng ngày.

Công trình giếng đào bị bỏ hoang trong khi mấy chục hộ dân Cẩm La thiếu nước sạch. 
Công trình giếng đào bị bỏ hoang trong khi mấy chục hộ dân Cẩm La thiếu nước sạch. 

Sống chung với nguồn nước ô nhiễm

Mới đây, UBND tỉnh vừa phê duyệt dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn miền Trung của Quảng Nam với tổng vốn hơn 58 tỷ đồng. Mong rằng, từ nguồn này, nước sạch - nhu cầu thiết yếu sẽ được hỗ trợ tới các địa phương trên.

Phần lớn nguồn nước trên địa bàn xã Đại Hưng (Đại Lộc) bị nhiễm phèn, vôi rất nặng. Bà Hồ Thị Thu, một người dân thôn An Điềm cho biết, từ năm 1986 tới nay, gia đình bà đã đào 3 cái giếng song không cái nào dùng được. Cái đầu tiên bị nhiễm phèn quá nặng, đỏ quạch, phải bỏ. Cái thứ hai nước rất trong, có thể soi thấy mặt người, song uống có vị chát khó chịu, chỉ dùng để tắm rửa, sinh hoạt. Mới đây, gia đình bà Thu đóng cái giếng thứ ba, nhưng cũng không dùng được. “Nước đóng một lớp màng mới nhìn tựa như lớp váng mỡ, tanh hôi, chỉ có thể dùng tưới cây. Rứa là mất tong cả mấy chục triệu đồng. Chúng tôi mong Nhà nước quan tâm đến vùng này bởi bà con quá khó khăn, xa bệnh viện, thời gian qua thấy số lượng người chết vì căn bệnh ung thư ở vùng này cũng nhiều nên ai nấy hoang mang” - bà Thu nói. Cũng theo bà Thu, trung bình mỗi tháng, bà Thu mua 4 bình nước lớn để dùng ăn uống cho cả gia đình. Hiện tại, hơn 80% người dân xã Đại Hưng vẫn phải sử dụng nguồn nước ô nhiễm nặng. Ngay cả giếng nước tại trụ sở UBND xã cũng không ngoại lệ. “Nguồn nước nơi này đang bị ô nhiễm gây ảnh hưởng tới đời sống, sinh hoạt của nhân dân, cần có sự vào cuộc của ngành chức năng trong việc kiểm tra, lấy mẫu để làm rõ”- nhiều người dân Đại Hưng bày tỏ. Trước tình trạng trên, chính quyền đã hướng dẫn bà con cách tự làm bể lọc nước tại nhà, đồng thời nghiêm cấm việc khai thác than trái phép gây khói bụi và làm ô nhiễm nguồn nước dân sinh. Hàng nghìn hộ dân trên địa bàn xã Đại Hưng đều phải xây bể lọc để hạn chế độ phèn song vẫn không ăn thua. Ông Phạm Đức Thịnh - Chủ tịch UBND xã Đại Hưng cho hay, toàn xã Đại Hưng có 10 thôn thì đã có tới 6 thôn gặp khó khăn về nguồn nước uống lẫn nước sinh hoạt gồm: Thạnh Đại, Đại Mỹ, An Điềm, Mậu Lâm, Trung Đạo Trúc Hà và An Tân. Đáng nói, cho tới nay, cả xã Đại Hưng vẫn chưa được đầu tư một công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, dù đây là địa bàn luôn bị ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu lẫn sự tàn phá của thiên tai, lũ lụt. Và một trong những ảnh hưởng nặng nề nhất là nguồn nước. Ông Phạm Đức Thịnh từng cho rằng, một trong những nguyên nhân bị ô nhiễm nguồn nước là các hộ dân tự đóng giếng ở những nơi gần nhà, gần khu vệ sinh, gần ruộng, không đạt tiêu chuẩn vệ sinh theo quy định…

Công trình “đắp chiếu”

Hơn 3 năm nay, 25 hộ dân khu tái định cư (TĐC) thôn Cẩm La (xã Quế Lâm, Nông Sơn) mỗi ngày phải ra suối gánh nước về ăn uống, sinh hoạt bởi từ lâu, 2 bể nước tự chảy được xây dựng từ năm 2009 ở đây đã bị hư hỏng nặng.

Bà Phạm Thị Tịch (58 tuổi) cho hay: “Cả hai bể nước tự chảy sử dụng chẳng bao lâu thì hư, bỏ hoang. Thật phi lý khi dân thì không có nước sạch dùng mà tiền của Nhà nước bỏ vào đó lại chẳng có tác dụng”. Ngoài bà Tịch, 24 hộ dân còn lại ở khu TĐC Cẩm La cũng chịu chung cảnh ngộ. Họ là những hộ dân được di dời từ Nà Lau ra, từ thời Quế Sơn và Nông Sơn còn chưa chia tách. 25 hộ nơi này chỉ trông chờ duy nhất vào con suối nhỏ cách khu TĐC gần một cây số. Nhưng nước suối thường tắc nguồn vào mùa khô hạn và đục ngầu vào mùa mưa. Thấy dùng nước suối không ổn, một vài hộ đã tìm cách đào giếng song thất bại vì khu vực này toàn đá sỏi, đào rất khó khăn. Ngay cả mấy cái giếng đào do Nhà nước đầu tư song đào lỡ dở, bỏ giữa chừng, không nghiệm thu được, và kết quả là dân không có nước dùng bên cạnh những công trình “đắp chiếu”. “Tất tần tật, từ ăn uống, sinh hoạt đều bám vào nước suối, cứ ra đó gánh về ăn uống, tắm giặt mà chẳng ai có điều kiện lọc kỹ” - bà Tô Thị Tiến (72 tuổi) nói. Cũng theo bà Tiến và nhiều người nơi đây, để có con đường xuống suối lấy nước, mấy chục hộ dân cũng phải kiến nghị mãi mới được phép mở lối mòn băng qua đất của người khác để gánh nước về nhà, nhờ đó gánh nước về tới nhà cũng bớt xa hơn.

Được biết, khu TĐC Cẩm La có 25 hộ dân thì có 12 hộ thuộc diện nghèo. Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Văn Sang - Chủ tịch UBND xã Quế Lâm cho hay: “Không phải khó khăn vì kinh phí mà là do đào giếng không được. Tạm thời mấy năm qua bà con vẫn sử dụng nước suối. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị huyện có hướng hỗ trợ công trình để bà con cải thiện đời sống” - ông Sang nói.

TRẦN BÍCH LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khổ vì thiếu nước sạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO