Ở phố chúng ta thường phàn nàn về không gian sống ngày càng trở nên chật chội, bức bối. Vậy đâu là những khoảng trống cần thiết để dòng khí chuyển lưu đem đến sự mát lành êm dịu, và đâu là chỗ dành cho cây xanh có chức năng điều hòa sinh thái, tạo cảnh quan cho môi trường sống đô thị?
Một góc “không gian sống” ở Tam Kỳ.Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Tôi xin dẫn câu chuyện nhân chuyến vào thăm người thân ở TP.Hồ Chí Minh. Bác Tư - người bản địa sống lâu năm ở khu đồi Tăng Nhơn Phú (quận 9, TP.Hồ Chí Minh) có lần trò chuyện với anh tôi: “Lạ quá, đất bây giờ đào lên chẳng thấy một con trùn nào cả?”. “Giản đơn, chỉ tại cái bê tông hóa” - anh tôi nói. Mà đúng thật, chung quanh nhà anh tôi bày ra toàn là nhà hình ống san sát, đường sá thảm nhựa ngang dọc, vỉa hè lát gạch hoa liền lạc. Nhìn quanh khu phố tuyệt nhiên chẳng thấy một bóng cây xanh hay vệt thảm cỏ xanh nào cả… Chắc quan niệm tấc đất tấc vàng nên khi quy hoạch người ta không cho “đất còn chỗ thở”! Thế nên hễ mưa xuống là ngập, đương nhiên nạn tắc đường trầm kha vì nước thoát đâu kịp. Ta hay biện hộ kiểu “nói lấy được”, là nó chỉ ngập cục bộ chốc thôi. Nhưng cớ sao nên nỗi? Có lẽ cần phải hỏi ông “dự án”. Thật vậy, người ta tận dụng đất đai quá mức. Khi lên thiết kế, lập bản vẽ, rồi rao đấu giá bán hết đất là xong trách nhiệm… Ai kêu ca gì họ bảo, đấy là khai thác quỹ đất cần rất nhiều tiền để trang trải công trình. Có người kiến nghị: Sao không thấy đất dành cho công viên, khu vui chơi, cây xanh, hay các hạng mục công cộng khác, thì hầu như đều được nghe: những hạng mục ấy không có khoản thu(!).
Dịp khác, chúng tôi ra tham quan các tỉnh phía Bắc, ngang qua TP.Đông Hà, Quảng Trị, tình cờ xe đỗ xịch ngay trên một con phố mới. Chúng tôi trầm trồ và khen thay cho các nhà quy hoạch đô thị ở đây. Là khi chúng tôi thấy trên cùng một tuyến phố các lô đất đều có mặt tiền 20m, bề sâu 10m, quy định người dân chỉ được phép xây dựng nhà trên 10m chiều ngang, còn lại 10m bắt buộc để trống. Đấy chính là khoảng trống cần thiết dành cho gió lùa và trồng cây nhằm nâng chất lượng môi trường sống trong chuỗi đô thị xanh. Ngày nay có thể chúng ta thừa cơm ăn áo mặc, phương tiện đi lại và những tiện ích trong gia đình…, nhưng nếu môi trường sống ngột ngạt, thiếu gió mát và cây xanh…, liệu cuộc sống có còn ý nghĩa lắm không? Tôi tin các bạn đều có ngay câu trả lời và chúng ta cũng thừa biết trái đất mỗi ngày nóng lên!
Trở lại Tam Kỳ - một thành phố trẻ - sau gần 20 năm tái lập tỉnh. Thiết nghĩ nếu ngay từ những ngày đầu dựng xây, các nhà quy hoạch có tầm nhìn xa hơn, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn để phân các lô đất được rộng và giãn ra (ví dụ mỗi lô cỡ 200m2 hoặc lớn hơn), thì chu vi thành phố sẽ rất rộng chứ không “bé nhỏ” như bây giờ. Thời ấy người dân kêu ca: thành phố gì mà không có lấy một công viên, vườn cây, sân thể dục thể thao cộng đồng... Ở nội thành Tam Kỳ còn một hạn chế nữa là các cơ sở giáo dục từ cấp tiểu học, THCS, THPT, cao đẳng cho đến đại học nằm san sát nhau, dồn cục, phân bố thiếu cân xứng trong chuỗi tổng thể (bán kính khoảng hơn 3 cây số). Tôi từng nghe một “dự án lớn” khác là thành phố mở rộng về phía đông (chủ yếu trên 3 xã: Tam Thăng, Tam Phú, Tam Thanh). Nói thật là chúng tôi rất vui nhưng cũng rất lo nếu chúng ta không rút kinh nghiệm “sửa lỗi” mà từ những ngày mới tái lập tỉnh mắc phải. Ngay như kiểu làm ăn, cứ mở bao nhiêu con đường là phân bấy nhiêu lô cho việc bán đất xây nhà. Sao chúng ta không “sáng suốt” vạch ra, dọc trên những con đường thoáng rộng ấy dành lập những vườn cây xanh lá, đất trồng rau sạch, hồ nước giải nhiệt, hồ bơi, sân thể dục thể thao, khu vui chơi, công viên thư giãn cho người già và trẻ em. Đâu nhất thiết phải mỗi mét đường là mỗi mét nhà xây!
Còn làm thế nào để phát triển đô thị hướng tới tăng trưởng xanh và ứng phó biến đổi khí hậu là những nội dung bức bách đưa ra tại nhiều diễn đàn, hội thảo. Hiện nay những thách thức về thiên tai, biến đổi khí hậu, sạt lở, hạn hán và xâm nhập mặn…; vấn đề đô thị hóa và các yếu tố phát triển nóng… đang đối mặt hàng giờ. Chính vì vậy các nhà chuyên môn đi đến đồng thuận, giải pháp tăng trưởng xanh là con đường ngắn nhất hướng đến sự phát triển bền vững.
Tam Kỳ là một thành phố trẻ, từng được Tổ chức Định cư con người Liên hiệp quốc tại châu Á trao tặng giải thưởng “Phong cảnh thành phố châu Á” năm 2015. Vinh danh là để chúng ta tiếp tục nỗ lực tư duy và hành động bằng cả cái tâm và tầm cho một “phong cảnh thành phố” thực sự đáng yêu và đáng sống. Bờ biển, sông ngòi, ao hồ, núi đồi… là những hình thế tự nhiên rất phong phú mà Tam Kỳ sở hữu. Với tầm nhìn xa của các nhà hoạch định chiến lược trong và ngoài nước thời gian qua, tin chắc tương lai Tam Kỳ sẽ phát triển. Tuy nhiên cần quyết liệt: hễ cái gì khi đã vạch ra là phải làm đến cùng. Điều sau cùng cũng cần chiêm nghiệm: “hoa thường hay héo, cỏ thường tươi” - suy rộng ra, bông hoa đẹp thường được nâng niu ngắm nhìn, nhưng rồi hoa cũng tàn tạ theo thời gian; trái lại cái tươi xanh mơn mởn tự nhiên của loài cỏ dù trải qua bao khắc nghiệt dông gió vẫn mang một sức sống bền bỉ. Đành rằng những xu hướng hiện đại rất cần hội nhập, tuy nhiên không vì thế mà những giá trị truyền thống phải đập phá hết cả…
ĐÌNH QUÂN