Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam đang yêu cầu các chi nhánh tổ chức tín dụng hỗ trợ, giúp người dân vượt qua khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh sau khi chịu thiệt hại nặng về người và tài sản trong đợt bão lũ vừa qua.
Nông dân Quảng Nam chịu thiệt hại nặng nề trong đợt bão lũ vừa qua. Ảnh: Q.VIỆT |
Tổn thất nặng nề
Hơn 2ha ớt của Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Tứ Sơn Life (thôn Tứ Sơn, xã Bình Trung, Thăng Bình) đã bị hư hỏng hoàn toàn. “Gió quất quá mạnh cộng thêm mưa, lũ dồn dập khiến cho diện tích ớt của chúng tôi bị thiệt hại hoàn toàn. Chừ bắt đầu khôi phục lại sản xuất mà nhìn đâu cũng thấy khó khi nguồn vốn rất bị động” - anh Nguyễn Trung Phương - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Tứ Sơn Life chia sẻ. Anh Phương kể, nguồn vốn vay 100 triệu đồng từ Quỹ hỗ trợ HTX Quảng Nam để đầu tư trồng ớt đã... chảy theo lũ. Ý nguyện của anh Phương là mong Quỹ hỗ trợ HTX Quảng Nam khoanh nợ cũ và tiếp tục cho vay vốn để tái sản xuất. “Hơn 5ha đất mà chúng tôi thuê của Nhà nước đều là đất cát. Bình Trung lại không có công trình thủy lợi, thiếu nước tưới nghiêm trọng nên chúng tôi chỉ xoay xở trồng trọt được vào mùa mưa. Vụ chính đang ở trước mắt nên phải huy động mọi nguồn lực. Điều cần nhất là sự trợ giúp đắc lực của Nhà nước qua khoanh nợ và cho vay mới thì chúng tôi mới có cơ may vượt khó” - anh Phương nói.
Chúng tôi ngược lên vùng “rốn lũ” huyện Đại Lộc. Cả một vùng chuyên canh rau sạch trù phú Bàu Tròn ven sông Quảng Huế (xã Đại An) hoang tàn sau lũ. Ông Lê Trọng Quốc - Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Nông nghiệp Đại An cho biết, 16ha đu đủ và 28ha khổ qua, đậu cove, bí đao, mướp, cà tím và rau xà lách, hành, ngò đều hư hại hoàn toàn do lũ dâng lên. “Đang vụ chính mà đã thiệt hại quá nặng nề rồi. Chừ các nông hộ phải khẩn trương khôi phục sản xuất sau lũ. Cái khó nằm ở chỗ vốn đầu tư được vay thông qua các đoàn thể như nông dân, phụ nữ đã bị mất trắng rồi. Cứ 1ha trồng hoa màu tốn hơn 40 triệu đồng, các nông hộ rất khó huy động vốn. Vay nóng để sản xuất thì trả lãi đã khó rồi huống chi là lời. Chỉ mong Nhà nước khoanh nợ và cho các nông hộ tiếp tục vay vốn để trở lại canh tác nông nghiệp” - ông Quốc nói. Ông Đỗ Văn Hòa - Chủ tịch UBND xã Đại An cho biết, tổn thất trong bão lũ của người nông dân Đại An là rất lớn, hàng trăm triệu đồng đã mất trắng. Bí đao, chuối, rau màu đến kỳ thu hoạch thì bị bão lũ tàn phá trên tổng diện tích hơn 100ha.
Tiếp sức người dân
Trên địa bàn huyện Đại Lộc có một hộ nghèo vay 50 triệu đồng của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách - xã hội CSXH) Đại Lộc để làm nhà ở là bà Phan Thị Chín (khu Hòa An, thị trấn Ái Nghĩa). Trong đợt lũ vừa qua, khi dọn dẹp nhà cửa, bà Chín qua đời do bị lũ cuốn trôi. Bà Chín không có con cái nên khoản vay sẽ không có người trả nợ. Ông Lê Tấn Hùng - Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Đại Lộc cho biết, sẽ đề xuất với tỉnh, trung ương xóa nợ. Ông Trần Xuân Hiền - Phó Giám đốc Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Nam cho biết, đó là cách xử lý không thể nào khác và phù hợp với quy định. “Đối với các hộ vay vốn sản xuất nếu không may bị thiệt hại 40 - 80%, chúng tôi sẽ tham mưu cấp trên khoanh nợ trong 3 năm. Thời gian này, hộ vay vốn không phải trả vốn lẫn lãi. Nếu hộ vay bị thiệt hại 80 - 100%, thời gian khoanh nợ sẽ nâng lên 5 năm. Hộ vay vốn cũng không chịu trách nhiệm trả nợ trong thời gian khoanh nợ. Chúng tôi cũng xem xét, tạo điều kiện cho các hộ bị thiệt hại có thể vay vốn để khôi phục sản xuất” - ông Trần Xuân Hiền nói.
Theo thống kê sơ bộ của Agribank chi nhánh Quảng Nam, tổng thiệt hại của các hộ vay vốn trong đợt bão lũ vừa qua là rất lớn, trong đó thiệt hại của người chăn nuôi trâu, bò là gần 2 tỷ đồng. Ông Hà Thạch - Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Nam đã yêu cầu 46 chi nhánh và phòng giao dịch phối hợp với các ngành, các địa phương rà soát, đánh giá thiệt hại đối với các khoản vay của khách hàng; xem xét miễn giảm lãi vay, lãi quá hạn nhằm giúp khách hàng khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất. Cùng với đó là cơ cấu lại thời gian trả nợ, xử lý nợ đối với khách hàng vay vốn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP của Chính phủ cũng như xem xét cho các hộ vay vốn bị thiệt hại nặng nề do bão lũ được tiếp cận nguồn vốn vay mới để tái sản xuất. Ông Trần Quang Hổ - Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho rằng, thiệt hại đối với người vay vốn đầu tư sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh là rất nặng nề. Bởi vậy, hỗ trợ người vay vốn khắc phục thiệt hại, tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh là rất cấp thiết. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam yêu cầu các chi nhánh tổ chức tín dụng khẩn trương thực hiện việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay theo thẩm quyền và khả năng tài chính của các chi nhánh tổ chức tín dụng trên cơ sở số liệu thiệt hại đã được xác định.
Về khoanh nợ, các chi nhánh tổ chức tín dụng cần chỉ đạo các chi nhánh, phòng giao dịch khẩn trương hướng dẫn, phối hợp với khách hàng hoàn thiện hồ sơ đề nghị khoanh nợ và tổng hợp số liệu báo cáo Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh để khoanh nợ theo quy định. Ngoài ra, các chi nhánh tổ chức tín dụng căn cứ vào khả năng phục hồi sản xuất của khách hàng tiếp tục cho vay để khách hàng thực hiện phương án, dự án sản xuất kinh doanh theo quy định; chủ động huy động, điều hòa vốn, đảm bảo nguồn vốn đáp ứng các nhu cầu vay khôi phục sản xuất của khách hàng.
NGUYỄN QUANG VIỆT