Khởi sự cái gì cũng thường khó lúc ban đầu. Doanh nghiệp khởi sự công cuộc làm ăn mới đâu có đơn giản, trong khi ngay vạch xuất phát còn nhiều vật cản.
Ví như chuyện mà báo chí gần đây phản ánh rằng còn nhiều loại “giấy phép con” vô lý gây cản trở hoạt động doanh nghiệp nên Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo rà soát tháo gỡ. Tuy nhiên, dù Thủ tướng hay người đứng đầu một số bộ ngành, địa phương tỏ ra quyết liệt nhưng nếu thể chế chính sách còn bất cập và các cấp trung gian không triển khai tháo gỡ đồng bộ thì e vạn sự vẫn khó cho doanh nghiệp. Bên cạnh đó, có những vấn đề cố hữu chưa được giải quyết triệt để, như việc ưu đãi lãi suất vay vốn, nhân lực, chi phí không chính thức, tư duy “ăn xổi ở thì”... vẫn là rào cản gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, cũng như năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.
Năm rồi có nhiều tín hiệu phấn khởi khi lần đầu tiên có tới hơn 110 ngàn doanh nghiệp thành lập mới. Nhưng bước qua năm nay thì tình hình nhiều nơi vẫn chưa chuyển biến mạnh. Ở Quảng Nam, số lượng doanh nghiệp không tăng, đang có dấu hiệu chậm lại, chững lại, có mặt thụt lùi. Con số công bố tại cuộc họp báo thường kỳ cho biết trong tháng 2 đã cấp phép đăng ký kinh doanh cho 55 doanh nghiệp với tổng mức đầu tư gần 166 tỷ đồng; thu hồi 9 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, 5 doanh nghiệp bị giải thể và 11 doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động. Tính chung 2 tháng đầu năm đã có 125 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, thu hồi 32 giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giải thể 9 doanh nghiệp, 140 doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động. Như vậy, so với cùng kỳ năm 2016 giảm 20 doanh nghiệp thành lập mới, tăng 12 doanh nghiệp bị thu hồi giấy đăng ký kinh doanh, giảm 5 doanh nghiệp bị giải thể và tăng 45 doanh nghiệp gửi thông báo tạm ngừng hoạt động. Mục tiêu phấn đấu có 1 ngàn doanh nghiệp thành lập mới năm 2017 đã chạm ngay thử thách từ đầu năm.
Vì sao số doanh nghiệp thông báo ngừng hoạt động tăng lên là câu hỏi cần trả lời. Cái khó chung là ở thị trường biến động hay do năng lực đầu tư, tài chính bị co hẹp? Không hiếm trường hợp doanh nghiệp nợ bảo hiểm xã hội, nợ lương người lao động. Nhiều doanh nghiệp cũng bị nhà đầu tư nợ; công trình, dự án chưa quyết toán, chưa được giải ngân... Về doanh nghiệp thành lập mới, liệu có vướng mắc gì không trong thủ tục? Với Quảng Nam, việc đưa Trung tâm Hành chính công đi vào hoạt động đã giúp giải quyết nhanh hơn về thủ tục giấy tờ, nhưng sao số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới lại giảm? Cần phân tích sâu nguyên nhân để tìm ra câu trả lời xác đáng.
Gần đây, Quảng Nam đã cố tìm những phương án hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả. Một số giải pháp đã đưa ra như tập trung xây dựng phương án hỗ trợ khuyến khích hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi thành doanh nghiệp theo Nghị quyết 35 của Chính phủ. Đồng thời để tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp, UBND tỉnh đề xuất các đơn vị liên quan có kế hoạch thanh tra, kiểm tra kiểm toán tài chính, thuế đối với doanh nghiệp 1 lần/năm, không trùng lắp, chồng chéo và phải công khai trước cho doanh nghiệp biết (trừ trường hợp vi phạm pháp luật). UBND tỉnh cũng đã tổ chức các cuộc gặp gỡ tiếp xúc với doanh nghiệp trong lĩnh vực kinh tế nông nghiệp; làm việc với các doanh nghiệp để thúc đẩy đầu tư các dự án nông nghiệp sạch trên địa bàn tỉnh. Sau những cuộc tiếp xúc với doanh nghiệp ở các lĩnh vực may mặc, da giày, chăn nuôi, xây dựng, mới đây chương trình “cà phê doanh nhân” đã tổ chức gặp các doanh nghiệp lữ hành. Rồi một hội nghị lớn về xúc tiến đầu tư Quảng Nam và Phát triển đô thị du lịch miền Trung năm 2017 chuẩn bị được tổ chức trong tháng 3 này...
Vạn sự khởi đầu có khó khăn nhất định nhưng hy vọng một không khí khởi nghiệp đang dậy lên niềm tin. Nghị quyết 35 của Chính phủ đã đặt chỉ tiêu phấn đấu cả nước có hơn 1 triệu doanh nghiệp vào năm 2020. Do đó đòi hỏi mỗi ngành, mỗi địa phương cần phải xúc tiến mạnh mẽ việc hỗ trợ doanh nghiệp, tháo gỡ những vướng mắc ngay trên vạch xuất phát khởi sự làm ăn thời hội nhập sâu rộng.
NGUYỄN ĐIỆN NAM