(Xuân Đinh Dậu) - Người Quảng Nam và người Nhật đã tiếp xúc, giao lưu, tạo nên mối quan hệ Việt - Nhật từ 400 năm trước. Mối quan hệ này diễn ra theo dòng chảy lịch sử của hai dân tộc, trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, hôn nhân, văn hóa, giáo dục.
Với chính sách Châu ấn thuyền đầu thế kỷ XVII, người Nhật đến buôn bán ở Hội An và lập phố người Nhật tại đây. Sách Hải ngoại kỷ sự của Thích Đại Sán hay An Nam cung dịch kỷ sự của Chu Thuấn Thủy đã đề cập vấn đề này. Ca dao ở vùng Hội An cũng nhắc: “Hàng bông hàng hoa là hàng Nhật Bổn”. Tấm bia Phổ Đà sơn linh trung Phật (1640) cho biết một số người Nhật đã lấy vợ Việt và sống tại Hội An như Heizaburo - Nguyễn Thị Chức, Shunmon - Đỗ Thị Mượn, Achiko - Ngô Thị Chủng, Shichiro Bei - Nguyễn Thị Nụ, Heizaemon - Nguyễn Thị Nở. Tác phẩm Kanhou Niki đã ghi lại việc 5 người dân của Hội An bị trôi dạt đến Yakushima vào 13.8.1815 (Bunka thứ 12), họ lập tức được dẫn về Nagasaki. Tuy nhiên, những việc tiếp xúc này mang tính thụ động từ người Quảng Nam.
Nam phiêu An Nam ký sự - kỷ niệm tiếp xúc với Nhật của Nguyễn Thuật (lưu trữ tại Đại học Waseda - Nhật Bản). |
Trong bối cảnh các nước phương Đông bị phương Tây xâm lược từ nửa cuối thế kỷ 20, thì tin hải quân Nhật Bản đánh tan hạm đội Nga trên eo biển Tsoushima (Đối Mã) vào năm 1905 như một tiếng sấm làm bừng tỉnh và nức lòng đối với sĩ phu Việt Nam. Trần Cao Vân đã thốt lên với vua Duy Tân: “Kìa Nhựt Bổn có vua Minh Trị phất cờ đánh bại quân Nga”. Phong trào Đông du rầm rộ khắp cả nước. Phan Bội Châu đã viết Lưu Cầu huyết lệ. Các nhân sĩ Quảng Nam đều cổ vũ, ủng hộ và kinh tài cho phong trào Đông du: Trần Quý Cáp, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Thái Phiên, Nguyễn Thành, Phan Thúc Duyện, Đỗ Đăng Tuyển, Lê Bá Trinh, Lê Vĩnh Huy… Trần Quý Cáp có nhiều “duy tân tôn chỉ” nên nhà nghiên cứu Nguyễn Sinh Duy ví ông với Bản Viên Thoái Trợ (Itagaki Taisuke 1868 - 1912) - lãnh tụ phái chủ trương “duy tân cấp tiến” hay “cấp tiến lập hiến” của Nhật. Lê Vĩnh Huy bỏ tiền bán quế của ông để cho con là Lê Duyên và cháu là Lê Tiện qua Nhật Bản học.
Năm 1905, Trần Quý Cáp cùng Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Huỳnh Thượng Trung, cải trang khách buôn đến Nha Trang, tìm đường sang Nhật Bản để tìm hiểu tận nơi công cuộc duy tân. Trong việc tìm đường sang Nhật, Trần Quý Cáp có nhờ đến một người Nhật sinh sống làm ăn tại Đà Nẵng. Sau đó, Phan Châu Trinh đã bí mật qua Nhật Bản để gặp Phan Bội Châu và ở lại 10 tháng. Trước lúc về nước, ông đã nói với Phan Bội Châu: “Cả nước ngủ mê, tiếng thở như sấm, mà bác đứng ngoài muôn dặm kêu gào hò thét, có được công hiệu bao nhiêu. Nay tôi về trong nước đóng vai Mã Chi Ni, còn bác ở ngoài làm Gia Ly Ba Địch, chia làm hai đường mà đều đi tới. Chúng ta lấy cái chết mà thề cùng nhau cho có thủy có chung”. Phan Châu Trinh đã dịch Kajin no kigu (Giai nhơn kỳ ngộ) của nhà văn Nhật Bản Shiba Shiro (Sài Tứ Lang) thành Giai nhơn kỳ ngộ diễn ca, vài câu ví dụ: “Ngẫm trong sống chết nhiều đường/ Dẫu mà sống đục cũng phường cỏ cây/ Sao cho dân nước sum vầy/ Một lần trôi máu, phơi thây cũng đành”.
Sự chủ động tiếp xúc “gián tiếp” với Nhật Bản của các nhân sĩ Quảng Nam thông qua phong trào Đông du hay trực tiếp như Phan Châu Trinh và mấy vị du học Lê Duyên, Lê Tiện đều không thấy sách vở ghi chép nhiều. Song, trước đó mấy chục năm, Hà Đình Nguyễn Thuật, danh nhân của Quảng Nam, một vị đại thần triều Nguyễn, đã có sự tiếp xúc với người Nhật một cách bài bản về vấn đề văn hóa học thuật.
Nguyễn Thuật, trong thời gian 1880 - 1883, được triều đình giao trọng trách 2 lần đi sứ Trung Quốc để tranh thủ sự giúp đỡ của nhà Thanh và tìm cách liên kết với nhà Thanh chống lại Pháp. Trên đường đi, ông đã gặp gỡ giao lưu nhiều lần với Thái phó Hải quân Nhật Bản Tăng Căn Tiêu Vân (Shoun Sone). Người Nhật này tặng ông hai bản Hán văn là Nam phiêu An Nam ký sự và Pháp Việt giao binh kỷ lược.
Cuốn Nam phiêu An Nam ký sự (tác giả Nguyên Tam Lang (Genzaburo), Tăng Căn Tiêu Vân dịch vào năm Minh Trị thứ 16 - 1883) còn có bút phê màu đỏ có lẽ của Nguyễn Thuật (?). Về cuốn sách này, Vãng Tân nhật ký của Nguyễn Thuật đã nhắc: “Ngày 6.12.1883, Tăng Căn Tiêu Vân đến thăm, tôi và ông ấy ngồi ở đình Vọng Sơn, trò chuyện hồi lâu. Tiêu Vân có lấy ra hai cuốn sách cho tôi xem, một cuốn là Nam phiêu ký sự trong sách đề năm Khoan Chính thứ 6 (1974), chủ thuyền là Thanh Tàng, Nguyên Tam Lang bị bão thổi đến vùng biển nước ta, nhờ có quốc vương nước ta thương tình, ra lệnh cho thuyền đưa họ trở về, nên họ vô cùng cảm kích ân tình của quốc vương, lời văn trong sách đơn giản nhưng có quy củ, đưa ta ngược trở về đầu thời Trung hưng của Thế tổ triều ta” (Nguyễn Mạnh Sơn dịch). Theo Phan Ngọc Huyền, cuốn Pháp - Việt giao binh kỷ lược kể về diễn biến tình hình chiến tranh giữa Pháp và Việt Nam, Nguyễn Thuật cho rằng đó chỉ là bản thảo ghi lại các báo cáo, hầu hết đều là “truyền văn chi từ” nên đã giúp Tăng Căn Tiêu Vân tu sửa văn ngôn.
Trong thời gian đi sứ này, Nguyễn Thuật còn gặp 3 nhà sư Nhật Bản và tiến hành bút đàm, cùng tìm kiếm thi văn và tìm hiểu tình hình Phật giáo của Việt Nam. Theo Tôn Hoành Niên, Nguyễn Thuật nhận thấy giữa các nhà sư Nhật Bản và Việt Nam có sự tương đồng, vì vậy cho rằng Nhật Bản và Việt Nam là “đồng văn” mà sau này Trần Quý Cáp cũng cùng nhận định: “Thế giới mở mang, trời đã khai Tam Đảo (tức Nhật Bản - NV), nỡ quên một giống một nòi”. Ông đã để lại ấn tượng tốt đẹp cho giới nhân sĩ, trí thức của Nhật Bản.
NGUYỄN HOÀNG THÂN