Khởi động dự án nghiên cứu chống xói lở Cửa Đại, Hội An: Tìm giải pháp tổng thể

VĨNH LỘC 11/07/2016 09:14

Phân tích nguyên nhân, đề ra giải pháp và cơ chế cho vấn đề chống xói lở bờ biển Cửa Đại là những nội dung thảo luận của các nhà quản lý, chuyên gia khoa học trong và ngoài nước tại hội thảo khởi động dự án “Nghiên cứu về quá trình xói lở bờ biển Hội An và đề xuất các giải pháp bảo vệ bờ biển một cách bền vững” diễn ra tại TP.Hội An cuối tuần qua. Hội thảo do UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp cùng Cơ quan Phát triển Pháp - AFD tổ chức.

  • Hội thảo quốc tế tìm giải pháp chống xói lở bờ biển Cửa Đại
Chính phủ luôn quan tâm đến vấn đề xói lở bờ biển Cửa Đại.
Chính phủ luôn quan tâm đến vấn đề xói lở bờ biển Cửa Đại.

Nghiên cứu tổng thể

Theo GS-TS. Nguyễn Kim Đan (Đại học Paris - Est Créteil, Pháp), người có 35 năm kinh nghiệm phát triển mô hình toán 2 - 3 chiều cho dòng chảy và vận chuyển bùn cát trong sông và ven biển, mục tiêu của dự án nhằm nhận định chính xác cơ chế gây ra tình trạng xói lở cũng như bồi lắng ở bờ biển Hội An, nhất nguyên nhân gây xói lở. Từ đó, đưa ra các giải pháp tổng hợp để bảo vệ bờ biển Hội An bền vững khỏi nguy cơ xói lở, đồng thời giữ được cảnh quan tự nhiên và đảm bảo sự tiếp cận của người dân đến bãi biển. Đặc biệt, xây dựng cơ sở khoa học vững chắc cho chương trình quản lý tổng hợp bờ biển Hội An (ICZM) sau này. Để phục vụ cho mục đích trên, nhóm dự án đã kết hợp sử dụng mô hình toán và thực nghiệm; kết hợp nghiên cứu giữa hiện trường và trong phòng thí nghiệm. Không gian nghiên cứu cũng được mở rộng từ biển Đà Nẵng đến Tam Kỳ và đến vùng nhỏ của Hội An theo phương pháp sử dụng các mô hình khác nhau như Telemac, Mike, Roms (những mô hình được ứng dụng phổ biến trong các tính toán thủy nhiệt động lực cho môi trường biển) để so sánh và khẳng định kết quả… nhằm tìm ra cơ chế gây xói lở cho bờ biển Cửa Đại.

GS-TS. Nguyễn Kim Đan cho rằng, thông qua dự án nghiên cứu này sẽ giúp hiểu được cơ chế của quá trình xói lở bờ biển Hội An. Từ đó có cơ sở đánh giá và kiến nghị các biện pháp mềm và cứng để bảo vệ bãi biển một cách bền vững, hướng đến có thể tái tạo phục hồi như trước đây. “Tác động của con người đến quá trình sạt lở bờ biển Cửa Đại là chính, biến đổi khí hậu chỉ là một yếu tố nên cần có giải pháp phù hợp. Các biện pháp được lựa chọn sẽ không ảnh hưởng xấu tới các vùng ven biển lân cận. Đồng thời thông qua giải pháp sẽ định ra thể chế cho việc thao tác vận hành các hồ chứa ở thượng lưu và khai thác cát trên sông Vu Gia, Thu Bồn cũng như các biện pháp công trình… Kết quả từ dự án cũng sẽ cung cấp kiến thức, tài liệu và công cụ cần thiết cho việc quản lý tổng hợp vùng ven bờ của tỉnh Quảng Nam” - GS-TS. Nguyễn Kim Đan phân tích.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Sẽ có được giải pháp phù hợp từ kết quả nghiên cứu của dự án

“Về mặt nguyên tắc, phải chờ kết quả nghiên cứu khoa học nên bây giờ chưa thể đưa ra được giải pháp nào là an toàn. Các khu du lịch trước đây cũng đưa ra giải pháp khác nhau như kè mỏ hàn, kè cứng làm mái dốc, mái đứng rồi mình cũng đưa ra các túi vải kỹ thuật làm chắn sóng…  nhưng mà hiệu quả đến mức độ nào và trong thời gian bao lâu, chúng ta vẫn chưa đánh giá hết, trong khi bờ biển Cửa Đại vẫn xói lở. Kể cả giải pháp đối với hệ thống thủy điện, quản lý khai thác cát trên sông Thu Bồn, trồng cây chắn gió ở khu vực ven biển để đảm bảo cho tính ổn định ở đường bờ… cũng phải chờ kết quả nghiên cứu của dự án. Từ trước đến nay chưa có một dự án nghiên cứu nào bài bản, toàn diện và kinh phí lớn như thế này cho nên chúng ta phải tin tưởng vào sự tham gia của nhóm tư vấn, đây là những chuyên gia hàng đầu thế giới về tất cả lĩnh vực có liên quan và trên thế giới người ta cũng đã xử lý nhiều công trình tương tự như thế này, nên chắc chắn chúng ta sẽ có được những khuyến cáo, đánh giá chính xác và đưa ra được những giải pháp phù hợp”.

PGS-TS. Nguyễn Trung Việt - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công nghệ, kinh tế và thủy lợi miền Trung chia sẻ, mặc dù dự án chỉ mới bắt đầu khởi động  nhưng trên thực tế gần một năm qua ông và các cộng sự đã tiến hành nhiều nghiên cứu liên quan như khảo sát dòng chảy dọc bờ; khảo sát địa hình đáy biển và trắc ngang bãi; khảo sát dòng chảy tổng cộng bằng phương pháp Largrange, áp dụng mô hình toán để đo trường vận tốc dòng chảy lớp mặt, lớp đáy cũng như trường tốc gây ra bởi gió. Nhất là khảo sát đường bờ thông qua hệ thống giám sát video - camera. “Đây là một dự án nghiên cứu, hỗ trợ kỹ thuật để tìm ra nguyên nhân là gì, cơ chế ra sao, giải pháp cụ thể như thế nào và tổng kinh phí thực hiện... Dễ hiểu nhất, đầu ra của dự án này sẽ là đầu vào cho một gói tư vấn, thiết kế và thi công tiếp theo. Nếu không có kết quả của dự án này, sẽ không có giải pháp hợp lý cho dự án tái tạo lại bờ biển Hội An” - PGS-TS. Nguyễn Trung Việt nói.

Giải pháp nào đối với Cửa Đại?

Ông Rémi Genevey - Giám đốc Cơ quan Phát triển Pháp nói, không nên đổ lỗi tình trạng xói lở bờ biển Cửa Đại hoàn toàn cho biến đổi khí hậu, mà phải xác định nguyên nhân phần lớn là con người tác động vào (khai thác cát trên sông, phá rừng, xây dựng các công trình bên bờ biển…). Việc triển khai dự án nghiên cứu cần đưa ra một giải pháp tổng thể không chỉ với Hội An mà còn có tác dụng với nhiều địa phương ven biển khác trên toàn quốc. Đến nay nhiều vùng vẫn chưa có quy hoạch tổng thể cho việc khai thác, phát triển tiềm năng và phòng chống thiên tai cho toàn hệ thống cửa sông, bờ biển. Nhiều giải pháp công trình đưa ra còn mang tính cục bộ và thử nghiệm chưa dựa trên kết quả của việc nghiên cứu đồng bộ. Do vậy, nhiều lúc việc phòng chống xói lở, bồi tụ ở khu vực này lại gây sạt lở ở các vùng khác hoặc bố trí và kết cấu công trình cũng tồn tại nhiều vấn đề bất cập.

Trong vòng 10 năm trở lại đây bờ biển Cửa Đại bị xói lở nghiêm trọng.
Trong vòng 10 năm trở lại đây bờ biển Cửa Đại bị xói lở nghiêm trọng.

PGS-TS. Nguyễn Trung Việt nhận định, nguyên nhân chính khiến bờ biển bị lở là suy giảm nguồn cát. Cụ thể là mất cân bằng nguồn cát trên lưu lượng sông Vu Gia, Thu Bồn do xây dựng thủy điện phía thượng lưu cộng khai thác cát dọc sông gây mất cân bằng. Bây giờ muốn khắc phục, phải giải quyết được nguyên nhân đó bằng cách nuôi bãi. Nhưng công nghệ nuôi thế nào, lấy bùn cát ở đâu, hàm lượng như thế nào, thành phần hạt ra sao thì phải tính toán rất kỹ lưỡng, và kết quả của dự án này sẽ trả lời cho câu hỏi đó.

Tham gia hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhìn nhận, trong 10 năm trở lại đây, hiện tượng xói lở đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến các cửa sông, bờ biển của Quảng Nam nhưng vẫn chưa có giải pháp tổng thể để phòng chống. Chính vì vậy, với sự tài trợ của Cơ quan Phát triển Pháp (300 nghìn euro) cùng nguồn vốn đối ứng tỉnh Quảng Nam (5 tỷ đồng) sẽ khởi động dự án nghiên cứu trong vòng 12 tháng (1.7.2016 - 30.6.2017). Mục tiêu dự án nhằm nghiên cứu đưa ra luận cứ khoa học một cách vững chắc về cơ chế xói lở và bồi tụ ở khu vực bờ biển Cửa Đại. Từ đó, có những đánh giá một cách khoa học và những giải pháp quan trọng mang tính bền vững cho việc phục hồi bãi biển Cửa Đại (về giải pháp kỹ thuật đảm bảo an toàn công trình và mỹ quan vì đây là bãi tắm phục vụ du lịch và người dân). Bên cạnh đó, trên cơ sở nghiên cứu của dự án cùng các khuyến cáo về giải pháp kỹ thuật tỉnh sẽ phối hợp với các bộ ngành trung ương và các nhà tài trợ tiếp tục tìm nguồn kinh phí phục vụ cho việc nghiên cứu khả thi, lập dự án đầu tư xây dựng trên bờ biển Cửa Đại trong thời gian tới.

VĨNH LỘC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khởi động dự án nghiên cứu chống xói lở Cửa Đại, Hội An: Tìm giải pháp tổng thể
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO