Khơi lòng nhân ái

CHÂU NỮ 21/03/2014 12:34

Nhiều thầy cô giáo đã khơi dậy lòng nhân ái cho học sinh, hướng các em đến các hoạt động xã hội, chia sẻ với cộng đồng bằng những việc làm cụ thể.

Học sinh lớp 9/3 Trường  THCS Lý Tự Trọng (Tam Kỳ) thăm Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Học sinh lớp 9/3 Trường THCS Lý Tự Trọng (Tam Kỳ) thăm Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin.

Hướng thiện cho học trò

Trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học 2013 - 2014, khi cô giáo chủ nhiệm lớp 9/3 Trường THCS Lý Tự Trọng (Tam Kỳ) - Lê Thị Thùy Trâm nêu ý kiến về việc tổ chức cho học sinh thăm các cơ sở xã hội, xem như hoạt động ngoài giờ lên lớp, ngay lập tức được phụ huynh đồng tình hưởng ứng và hứa sẽ tạo điều kiện. Khi tận mắt chứng kiến và tiếp xúc với những người bất hạnh, lòng nhân ái trong mỗi người, nhất là đối với các em ở lứa tuổi học trò, sẽ được khơi gợi mạnh mẽ. Cô Trâm bày tỏ, nếu không có sự hỗ trợ về phương tiện lẫn kinh phí, đặc biệt là ủng hộ về tinh thần của phụ huynh, cũng như sự tự nguyện hưởng ứng của học sinh, thì những chuyến đi đầy tính chất nhân văn như việc thăm Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin của lớp sẽ khó thực hiện được. Tiết kiệm từ tiền tiêu vặt, các em đã gom góp và nhờ phụ huynh chuẩn bị chu đáo quà tặng cho các bạn bị nhiễm chất độc da cam như bánh kẹo, sữa, khăn mặt, xà phòng... Em Lê Vũ Thanh Thao - học sinh lớp 9/3 cảm động nói: “Khi đến thăm các bạn ở Trung tâm Bảo trợ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, em thấy mình quá may mắn, thấy cuộc sống của mình ý nghĩa hơn và muốn sẻ chia nhiều hơn nữa với các bạn ấy. Dù bị biến dạng hình hài và thiểu năng trí tuệ, các bạn ấy vẫn mỉm cười hạnh phúc khi chúng em đến thăm; vẫn có niềm tin vào cuộc sống khiến em hết sức cảm phục...”. Sau lần đi thăm cùng tập thể lớp, em Thanh Thao còn nhiều lần cùng ba mẹ đến thăm những cơ sở xã hội ở Tam Kỳ, Phú Ninh. Nhiều phụ huynh khác cũng đưa con em mình đến Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi sơ sinh Quảng Nam, Làng Hòa Bình, Mái ấm Hướng Dương... và bày tỏ hài lòng khi thấy con em mình dần thay đổi nhận thức, chăm học hơn, sống tốt hơn, biết chia sẻ và yêu thương mọi người hơn.

Bài học ngoài trang sách

Trong khi đó, mấy năm nay, một số giáo viên các trường học ở Tam Kỳ thường tổ chức cho một nhóm nhỏ học sinh đi thăm các trung tâm xã hội. Quà của các em dành cho trẻ da cam bất hạnh không nhiều, có khi chỉ vài gói bánh kẹo, có khi chỉ là một vài bộ quần áo cũ được giặt ủi phẳng phiu; hoặc cũng có khi chỉ là những cuộc chuyện trò thân tình, những trò chơi của trẻ em. Nhưng hơn hết, đó là những tấm lòng biết chia sẻ với cộng đồng. Ban giám hiệu các trường học cũng khuyến khích giáo viên phối hợp phụ huynh tổ chức những chuyến thăm các trung tâm xã hội trên tinh thần tự nguyện, tự giác. Về phần mình, ban giám hiệu các trường thường tổ chức phát động cho học sinh ủng hộ bạn nghèo, giúp đỡ các trường hợp khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống. Nhiều trường học ở Hội An thường phát động phong trào mùa nhân ái để giúp bạn nghèo… Ghi nhận tại những buổi giao lưu giữa học sinh các trường THCS Lý Tự Trọng, Tiểu học Trần Quốc Toản (Tam Kỳ) với trẻ em ở Trung tâm Nghệ thuật tình thương Quảng Nam và trẻ em ở cơ sở Mái ấm Hướng Dương cho thấy, mọi khoảng cách đều được xóa bỏ, nhường chỗ cho tình yêu thương lên ngôi khi các em cùng hát ca, giao lưu với nhau. Khoản tiết kiệm từ tiền quà sáng, quà vặt cũng được các em “biến” thành những món quà tình nghĩa giúp đỡ các bạn kém may mắn hơn mình tại buổi giao lưu.

Trên thực tế, nhiều học sinh được sinh ra trong gia đình đủ điều kiện kinh tế nhưng chỉ biết nghĩ đến bản thân mình, ít quan tâm đến người khác. Cô Thùy Trâm cho biết, có học sinh cá biệt, sau khi được tận mắt chứng kiến cuộc sống và sinh hoạt, được trò chuyện, tâm tình với những bạn bị nhiễm chất độc da cam, các em đã có những thay đổi tích cực khi trở nên ngoan hiền hơn, ý thức và kết quả học tập, rèn luyện được cải thiện rõ rệt. Còn trong một lần đi thăm Làng Hòa Bình, một học sinh ở Trường THCS Quế Cường (Quế Sơn) bày tỏ: “Em đã quá sung sướng khi được sinh ra trong một gia đình hạnh phúc, vậy mà đã nhiều lúc em vòi vĩnh, giận hờn ba mẹ khi không được đáp ứng yêu cầu. Sau khi đến đây, em cảm thấy mình trân trọng cuộc sống hơn, trưởng thành hơn và biết yêu thương mọi người hơn”. Những chuyến thăm các cơ sở xã hội bao giờ cũng để lại nhiều tình cảm, gây xúc động trong lòng học sinh đang ở độ tuổi mới lớn. Ngoài dạy và học, việc tổ chức cho học sinh tham gia các hoạt động xã hội như vậy đã khơi gợi lòng nhân ái trong học sinh. Và, một khi lòng nhân ái được nhen lên, các em sống tốt hơn, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội hơn.

CHÂU NỮ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khơi lòng nhân ái
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO