Chọn những khối đá làm điểm tựa khởi nghiệp, Hồ Minh Hường (SN 1993, trú khối 7A, phường Điện Nam Đông, thị xã Điện Bàn) thổi hồn vào đá bằng nghệ thuật điêu khắc. Không chỉ thế, chàng trai trẻ này còn thắp lửa đam mê, giúp em trai của mình khởi nghiệp, làm giàu trên mảnh đất quê hương.
|
Hồ Minh Hường (bên trái) hướng dẫn em trai Hồ Văn Cường cách nhận biết và xử lý các loại đá. Ảnh: NHƯ TRANG |
Ấp ủ ước mơ
Từ những ngày còn rất nhỏ, Hồ Minh Hường sớm thừa hưởng tính cần cù, chịu khó và tỉ mỉ trong công việc chạm khắc gỗ của cha. Ngày ấy, tuy chỉ là học sinh tiểu học nhưng Hường đã biết khắc tên với nét chữ rất đẹp trên thước gỗ để tặng bạn bè. Những năm học phổ thông, vì điều kiện gia đình khó khăn nên Hường tranh thủ thời gian rảnh ngoài giờ học ra nghĩa trang xin các chú thợ nề phụ quét sơn, trùng tu mồ mả. Lúc này, nhận thấy nhiều chủ thầu phải chờ đợi đá ốp bia mộ vận chuyển từ các tỉnh miền Bắc về làm, Hường nảy ra ý định tìm hiểu các tảng đá và ấp ủ ước mơ làm chủ một cơ sở sản xuất đá tại địa phương.
Học hết cấp ba, Hường xin phép ba mẹ theo các cơ sở sản xuất đá để học nghề. Công việc nặng nhọc vì phải khiêng vác các khối đá, đồng thời phải đo và cắt đá thật chính xác rồi mới trải qua các phân đoạn gia công, hoàn thiện. Vừa học nghề lại vừa làm việc từ 7 giờ sáng đến 6 giờ chiều, tiền thù lao không là bao nhưng với Hường đó chính là động lực, là khoản chi phí ban đầu cho bản thân có thể trang trải cuộc sống tự lập. Hai năm ròng rã theo học nghề giúp Hường biết về các loại đá; không chỉ thế chàng trai trẻ này còn biết gia công hoa văn từ đá, khắc tên trên bia mộ. Nhớ lại những tháng ngày “tầm sư” học nghề, Hường chia sẻ: “Có rất nhiều người trẻ như mình đi học nghề, nhưng nhiều bạn đều không chịu được việc khiêng vác đá nặng nhọc nên từ bỏ. Mình thì nghĩ làm việc gì cũng phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới gặt hái thành công. Nhất là nghề làm đá này, tảng đá to nặng mới thử lòng người có bền chí theo tiếp hay không”.
Năm 2012, như một cơ duyên, chủ cơ sở sản xuất đá Hường theo học có việc phải đi xa, nhận thấy anh có khả năng bám trụ với nghề nên người này có nhã ý sang nhượng cơ sở. Không đắn đo, Hường nắm bắt ngay cơ hội. Số tiền 20 triệu đồng Hường vay mượn từ gia đình, người thân chính là vốn khởi nghiệp. Nhắc đến việc huy động vốn mở cơ sở sản xuất đá, mẹ của Hường (bà Trần Thị Hằng) kể: “Số tiền đó rất lớn đối với hoàn cảnh gia đình tôi. Lúc đó thằng nhỏ chạy vạy đi vay mượn thêm, nhiều người cũng ngại không dám cho mượn. Ai cũng nói nó còn nhỏ quá, họ cho rằng nó nông nổi nhất thời. Cho nên mãi rất lâu Hường mới xoay xở đủ vốn rồi nhận lại cơ sở làm đá”.
Thổi hồn vào đá
Có xưởng sản xuất đá, Hồ Minh Hường lần theo những khách quen lúc mình còn đi học nghề rồi mời họ hợp tác, mua bán. Địa thế cơ sở của Hường ở gần nghĩa trang nên rất nhiều người trùng tu hay xây dựng bia mộ đều tìm đến đặt hàng. Khi cơ sở dần đi vào ổn định, Hường lại tiếp tục ra làng đá Ngũ Hành Sơn (TP.Đà Nẵng) tìm thầy học nâng bậc chạm hoa văn trên đá khối và đá tảng. Nắm bắt được nhu cầu thị trường cần nhiều sản phẩm đồ đá mỹ nghệ trang trí, Hường mang những gì mình học được về dạy lại cho nhân công trong xưởng. Bên cạnh đó, Hường còn ra Thanh Hóa nhập hơn 30 tấn đá tảng, đá khối và tìm tòi thêm mẫu đá để làm nên các sản phẩm mới lạ giới thiệu đến khách hàng.
Đến năm 2015, Hường mạnh dạn đầu tư để cơi nới cơ sở, bên cạnh đó mở thêm một xưởng gia công đá hoa cương và đá granite dạy cho em trai của mình là Hồ Văn Cường (SN 1996). Gặp chúng tôi, Hồ Văn Cường chia sẻ: “Khi đang học xong lớp 11 thì em bỏ học vì sa ngã vào những trò chơi tiêu cực. Lúc này, anh Hường động viên em theo chân anh học nghề điêu khắc đá. Nhờ thế em nhận ra niềm đam mê và phát triển nó cho đến tận bây giờ”. Hiện nay, Cường tu chí làm ăn cùng anh trai ở xưởng gia công đá. Ngoài ra, Cường còn vận động hàng chục thanh niên trẻ bỏ học giữa chừng về xưởng làm việc kiếm thu nhập. Bạn Phan Đức Anh (nhân viên trong xưởng đá gia công) hết lớp 9 thì nghỉ học và không có việc làm ổn định. Nhờ Hồ Văn Cường động viên, Anh đến xưởng phụ việc kiếm thêm thu nhập, từ đó định hướng tìm nghề thích hợp theo học rồi lập nghiệp lo cho tương lai.
Cơ sở sản xuất đá Hường - Cường thành lập nên chính là tâm huyết của cả hai anh em. Hằng năm vào tiết thanh minh, mọi nhà đều tập trung sửa chữa bia mộ, xưởng đá lại chộn rộn kẻ ra người vào. Khách hàng đông, xưởng lại có thêm nhiều đơn hàng, Hường và Cường làm việc không kể ngày đêm để tạo ra những sản phẩm từ đá. Nhìn thấy hai đứa con trai đồng lòng khởi nghiệp với niềm đam mê đá, ông Hồ Minh Hà (cha của Hường) tự hào: “Dù phía trước hai đứa còn khó khăn trăm bề, nhưng tôi rất vui khi thấy các con trưởng thành. Hiện nay do sức khỏe yếu, tôi cũng từ bỏ nghề mộc để dành thời gian phụ việc ở xưởng cho hai con. Tôi chỉ mong chúng nó có thời gian học nâng bậc và làm nên nhiều sản phẩm đẹp từ đá”.
NHƯ TRANG
--------------------------
Tác phẩm tham dự cuộc thi báo chí “NHỮNG TẤM GƯƠNG KHỞI NGHIỆP – SÁNG TẠO”