Khởi nghiệp du lịch: Khai mở và tiếp biến giá trị bản địa

THÀNH CÔNG - VINH ANH 25/03/2021 08:54

“Không nhất thiết phải bắt đầu từ những điều lớn lao, mà phải là sự sáng tạo từ chính những điều giản dị, từ trầm tích văn hóa và cả những giá trị vốn thuộc về con người, nếp sống lâu đời của xứ Quảng cũng chính là tài nguyên lớn cho khởi nghiệp từ du lịch”. Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân tại hội thảo “Khởi nghiệp du lịch sáng tạo dựa trên nền tảng giá trị bản địa” trong khuôn khổ Techfest Quảng Nam năm nay.

Giá trị bản địa đang là tiềm năng rất lớn cho khởi nghiệp du lịch trong thời điểm hiện tại. TRONG ẢNH: Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang. Ảnh: CÔNG ANH
Giá trị bản địa đang là tiềm năng rất lớn cho khởi nghiệp du lịch trong thời điểm hiện tại. TRONG ẢNH: Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Cơ Tu ở huyện Tây Giang. Ảnh: CÔNG ANH

Nhìn thấy cơ hội

Chọn chủ đề “Khởi nghiệp từ những dòng sông”, ông Phan Xuân Anh - Chủ tịch HĐTV Công ty Du Ngoạn Việt và Công ty Thuyền Sài Gòn đề cập ngay đến những giá trị từ các dòng sông xứ Quảng, nơi có thể tìm được rất nhiều hướng khai thác cho các sản phẩm du lịch.

“Việc khai thác giá trị của các dòng sông cho du lịch chưa nhiều, chỉ gom tụ tại sông Hoài và vài nơi không trọng yếu du lịch khác, còn lại đều ở dạng tiềm năng. Tài nguyên vẫn đang ngủ yên trên những dòng sông, rất cần các doanh nghiệp khởi nghiệp du lịch khơi dậy, sáng tạo mô hình mới, từ con tàu, bến thuyền và các hoạt động trên thuyền, dưới sông, ven sông… đến quản lý và liên kết. Khai thác dòng sông ở nhiều góc độ. Việc này đòi hỏi suy nghĩ sáng tạo, đổi mới và quyết tâm” - ông Phan Xuân Anh chia sẻ.

Nhấn mạnh về việc sản phẩm mới trong du lịch có nhiều khác biệt so với các lĩnh vực còn lại, ông Phan Xuân Anh cho rằng, khởi nghiệp du lịch không thể “bắt chước” dù không có yếu tố pháp lý nào cản trở. Sản phẩm khởi nghiệp du lịch đòi hỏi phải cải tiến, mang lại hiệu quả cao hơn, phục vụ được phân khúc thị phần bị sản phẩm cũ bỏ quên hoặc không hiệu quả. Ngoài ra, cần sáng tạo những sản phẩm hoàn toàn mới, chưa ai có, chưa ai làm trên thị trường.

Ông Anh đề xuất nhiều gợi ý về sản phẩm sông nước Quảng Nam như khai thác du lịch tại các bãi cát trắng ven sông Vu Gia, du lịch lặn và khai thác nhuyễn thể theo mùa trên sông Thu Bồn, hoạt động văn hóa đêm trên sông. Bến sông Hoài vẫn có thể phát triển thêm du lịch với thuyền Tokugawa, ngoạn cảnh trên ghe bầu, phiên bản mới của rượu hồng đào trên du thuyền…

Những dấu hiệu phục hồi của du lịch sau đại dịch Covid-19 được nhận định sẽ là cơ hội lớn cho bạn trẻ khởi nghiệp. Ảnh: C.V
Những dấu hiệu phục hồi của du lịch sau đại dịch Covid-19 được nhận định sẽ là cơ hội lớn cho bạn trẻ khởi nghiệp. Ảnh: C.V

Đề cập đến một mảng khác đang còn nhiều dư địa để khởi nghiệp du lịch là farmstay, KTS.Phạm Thanh Tùng - chuyên gia tư vấn farmstay cho rằng mô hình này nếu được nhân rộng, phát triển trên địa bàn tỉnh, sẽ có nhiều trang trại, nông hộ có thêm nguồn thu từ du lịch bên ngoài nguồn thu truyền thống từ nông sản. Giá trị nông sản được nâng lên một tầm cao mới, được “xuất khẩu tại chỗ” cho du khách thay vì trải qua nhiều khâu vận chuyển và chịu hàng rào thuế quan, trong khi lợi ích dễ thấy nhất là có thể ổn định, phát triển kinh tế địa phương và góp phần bảo vệ, duy trì phát triển hệ sinh thái địa phương.

“Rất nhiều tài nguyên để có thể phát triển farmstay, tuy nhiên Quảng Nam chưa có chiến lược cụ thể, hành động đồng bộ, dễ quay về tình trạng manh mún, mạnh ai nấy làm. Phương hướng cho Quảng Nam là phải công nhận đây là mô hình du lịch đa dạng nguồn thu, có nhiều cơ chế hỗ trợ phát triển theo hướng đầu tư, xây dựng trang trại, nâng cao hiểu biết của người làm nông nghiệp - du lịch. Khi farmstay phát triển rộng rãi, có thể phát triển theo hướng du lịch cộng đồng farmstay giúp mang lại thu nhập đồng đều, bền vững và trực tiếp cho các hộ khởi nghiệp. Những hành động cụ thể như đào tạo cách làm farmstay đúng, truyền thông, thí điểm định vị thương hiệu vùng đất, nghiên cứu để phù hợp với từng địa phương…” - KTS.Phạm Thanh Tùng đề xuất.

Phải khát khao đánh thức

Cơ hội cho khởi nghiệp du lịch

Trong bối cảnh ngành du lịch Quảng Nam thiệt hại khoảng 6.000 tỷ đồng vì dịch Covid-19, hàng nghìn lao động mất việc, những dấu hiệu phục hồi từ đầu năm 2021 được nhiều đại biểu đánh giá là động lực quan trọng cho khởi nghiệp du lịch có thêm niềm tin. Tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, lượng khách dần phục hồi, là cơ hội quan trọng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để thúc đẩy, phục hồi phát triển du lịch trong tình hình mới. “Truyền thống của người Quảng Nam là vượt khó, sáng tạo, đây là lúc cần những con người có tư duy đổi mới, dám nghĩ dám làm, không ngại khó, từ đó khai thác, phát huy được giá trị bản địa trong phát triển du lịch” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nói.

Theo ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam, hiện nay nhu cầu du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng núi, khám phá thiên nhiên tăng mạnh. Xu hướng du lịch nội địa theo nhóm nhỏ đang khá phổ biến, với nhu cầu cao về khám phá và thưởng thức ẩm thực. Đây là phân khúc khách có trách nhiệm hơn, du khách hướng đến chăm sóc sức khỏe, là điều kiện quan trọng cho sản phẩm du lịch khám phá thiên nhiên, văn hóa bản địa. Trong khi đó, tiềm năng để khai thác du lịch từ giá trị bản địa đang rất lớn, từ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, những di sản văn hóa, các giá trị thiên nhiên.

“Những gợi ý để du lịch văn hóa bản địa vươn ra thế giới như quà tặng rong biển và sản vật từ biển Cù Lao Chàm; phát triển du lịch khám phá động Nàng Tiên - Hang Dơi (Tiên Phước); chợ thuyền trên sông, di sản văn hóa Cơ Tu trên đỉnh Trường Sơn...” - ông Thanh nói.

Minh chứng sinh động cho việc phát huy giá trị bản địa trong phát triển du lịch được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân nhắc đến tại hội thảo là cách Quảng Nam biến Hội An thành di sản văn hóa thế giới sống động, điểm đến của nhiều du khách quốc tế. Ngoài ra, còn có nhiều sản phẩm du lịch mang yếu tố sáng tạo qua các sản phẩm du lịch trải nghiệm như “một ngày làm cư dân phố cổ”, “đêm rằm phố cổ”, vở diễn thực cảnh “Ký ức Hội An”… Tuy nhiên, kết quả khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên lĩnh vực du lịch chưa nhiều, chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế và dư địa phát triển du lịch của Quảng Nam.

“Tôi đánh giá cao sáng kiến của nhiều bạn trẻ, có những ý tưởng du lịch xuất phát từ hoạt động đời sống hàng ngày như chăn trâu, làm đồng, khởi nghiệp từ một lò gạch cũ biến thành quán cà phê thú vị trên cánh đồng… Thời gian tới, Quảng Nam sẽ đẩy mạnh công tác xây dựng và hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, ưu tiên khởi nghiệp du lịch sáng tạo trên nền tảng giá trị bản địa. UBND tỉnh cam kết sẽ luôn quan tâm, đồng hành cùng khởi nghiệp, trong đó khởi nghiệp du lịch là một trong lĩnh vực ưu tiên, tạo thuận lợi cho việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, sáng kiến, ý tưởng khởi nghiệp. Cộng đồng khởi nghiệp phải tự tin, có khát vọng và luôn duy trì ngọn lửa đam mê, hoài bão cho đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực du lịch nói riêng, khởi nghiệp nói chung, góp phần phục hồi phát triển du lịch, hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân chia sẻ.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khởi nghiệp du lịch: Khai mở và tiếp biến giá trị bản địa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO