Startup xây dựng thương hiệu như thế nào?

NGUYỄN BÃO QUỐC 10/06/2022 06:51

Làm thế nào để một doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) non trẻ có thể xây dựng thương hiệu trở thành biểu tượng? Tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm từ những trải nghiệm tư vấn cho nhiều dự án xây dựng thương hiệu tại thị trường Việt Nam.

Tác giả chia sẻ kỹ năng về xây dựng thương hiệu.
Tác giả chia sẻ kỹ năng về xây dựng thương hiệu.

Thứ nhất, thương hiệu phải bắt đầu từ sự uy tín.

Trong giai đoạn đầu của khởi nghiệp (thường khoảng 1 - 3 năm đầu), giá trị thương hiệu của bạn hoàn toàn phụ thuộc vào uy tín của bạn và công ty bạn, uy tín từ sản phẩm, dịch vụ bạn làm ra, uy tín từ việc xây dựng và định vị hình ảnh thương hiệu, uy tín trong việc phát triển thị trường, uy tín trong khâu chăm sóc sau bán hàng và xử lý khủng hoảng truyền thông (nếu có).

Thường trong giai đoạn này, có một số ngành nghề, sản phẩm sẽ gắn với thương hiệu cá nhân của người sáng lập, nên uy tín và phong cách sống của người/đội ngũ sáng lập cũng ảnh hưởng nhiều đến hình ảnh thương hiệu.

Thứ hai, chất lượng sản phẩm.

Là yếu tố quyết định rất lớn trong thành công của một thương hiệu, một sản phẩm không có chất lượng hoặc không đáp ứng các mong muốn của thị trường thì đừng nghĩ đến chuyện xây dựng thương hiệu. Định vị thương hiệu chỉ tồn tại trong tâm trí khách hàng chỉ khi họ nhớ đến nó và mua nó nhiều lần.

Trong các thông điệp quảng cáo, chiến lược tốt nhất là có được sản phẩm với chất lượng tốt nhất, nhưng sẽ tốt hơn nữa nếu đó là sản phẩm đầu tiên. Ai cũng nhớ sản phẩm đầu tiên, ít ai nhớ sản phẩm thứ 2, thứ 3...

Thứ ba, bao bì, nhãn mác.

Ông bà ngày xưa có câu “Tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, nhưng ngày nay chắc phải đổi lại thành “Vừa tốt gỗ và vừa tốt nước sơn” mới đúng. Với thị hiếu và nhu cầu hiện tại của khách hàng. Với xu hướng ngày càng yêu cái đẹp, thích sự độc đáo mới lạ, khách hàng thích những sản phẩm có hình thức bắt mắt, tinh xảo và mang hình ảnh tượng trưng…

Thứ tư, câu chuyện thương hiệu.

Khách hàng thích mua một sản phẩm có một câu chuyện gắn liền với nó, và nếu được, câu chuyện đó có liên quan tới cuộc đời họ.

Ví dụ về một câu chuyện tôi từng tư vấn cho một thương hiệu bột ngũ cốc: “Tôi là một bà mẹ bỉm sữa, nỗi đau của tôi khi nuôi con bằng sữa mẹ là tôi không đủ lượng sữa để cung cấp cho con mỗi ngày, tôi gần như bị stress vì điều này. Tôi đã dành rất nhiều thời gian nghiên cứu thực dưỡng và năng lượng từ hạt. Chính ngũ cốc đã giúp tôi có nguồn sữa dồi dào và không biết từ bao giờ, việc làm ra ngũ cốc lợi sữa là niềm đam mê và cũng là động lực để tôi hình thành dòng sản phẩm “Bột ngũ cốc cao cấp lợi sữa thương hiệu Mẹ Mít Hội An”.

Thứ năm, thời gian.

Cần có một khoảng thời gian nhất định thì thương hiệu của bạn mới được khách hàng biết đến. Nên đừng hy vọng làm ra một sản phẩm tốt là có thương hiệu liền, nó cần thời gian để khách hàng trải nghiệm sản phẩm.

Thứ sáu, nguồn lực tài chính doanh nghiệp.

Ngày nay, những người khởi nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều trong việc xây dựng thương hiệu bởi gần như miễn phí thông qua mạng xã hội. Nhưng để thương hiệu thực sự được định vị trong tâm trí khách hàng, bạn vẫn cần một nguồn tài chính đầu tư cho việc định vị thương hiệu thông qua các triết lý gắn với thương hiệu. Tôi lấy ví dụ, nếu thương hiệu bạn muốn định vị gắn với giá trị cộng đồng thì bạn cần truyền thông và PR nhiều hơn đến các hoạt động cộng đồng, bạn có thể tham gia đồng hành hoặc tài trợ cho các chương trình cộng đồng và gắn thương hiệu mình vào đó.

Thứ bảy, nhất quán.

Truyền thông đa kênh nhưng phải nhất quán về nội dung, như vậy khách hàng mới nhanh chóng biết bạn là ai, thương hiệu của bạn là gì.

Nhiều doanh nghiệp tôi thấy không đồng nhất thông điệp, nội dung truyền thông, hôm nay một kiểu, ngày mai lại một kiểu khác, làm cho khách hàng rất khó phân biệt, nhận dạng được những gì doanh nghiệp bạn muốn truyền thông. Đặc biệt với những doanh nghiệp có quá nhiều sản phẩm nhưng lại chưa biết đâu là sản phẩm dẫn và đâu là sản phẩm cốt lõi, mang lại doanh thu cho doanh nghiệp.

Thứ tám, khả năng nhận diện thương hiệu.

Bằng mọi cách bạn phải làm cho tên thương hiệu, hình ảnh sản phẩm của mình xuất hiện ở mọi lúc, mọi nơi trong thị trường mà bạn đang nhắm tới và trong tâm trí khách hàng. Nhận diện thương hiệu là một cuộc chiến khó khăn để dành lấy vài % trong tâm trí khách hàng về hình ảnh thương hiệu của bạn.

Để có khả năng nhận diện thương hiệu, bạn cần trả lời 3 vấn đề sau: Khách hàng nhận ra bạn bằng cách nào, làm sao để họ thấy bạn giữa muôn trùng các sản phẩm trên thị trường?

Làm sao để khách hàng cảm nhận được những giá trị bạn muốn truyền tải? Tên thương hiệu của bạn là gì, logo như thế nào, slogan nói lên điều gì, màu sắc đặc trưng ra sao, có điều gì liên tưởng ở khách hàng khi nhắc đến logo - slogan của bạn?

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Startup xây dựng thương hiệu như thế nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO