Tăng trưởng tín dụng từ 13% đến 15%, khơi thông dòng tiền vào nền kinh tế là mục tiêu của hệ thống ngân hàng Quảng Nam năm 2015.
Huy động tiền gửi từ khu vực dân cư tăng khá mạnh. |
Tăng trưởng hợp lý
Ngày 3.2, Chi nhánh Ngân hàng nhà nước (NHNN) Quảng Nam công bố dòng vốn ngân hàng năm 2014 đã đổ vào nền kinh tế đúng hướng, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội Quảng Nam. Theo nhận định của cơ quan này, mức lãi suất không còn hấp dẫn với người gửi tiền khi liên tục giảm, nhưng hệ thống ngân hàng đã nhạy bén đưa ra nhiều hình thức huy động, tăng tiện ích, phù hợp tâm lý người dân, hướng vào những món tiết kiệm nhỏ lẻ, tăng nhiều kỳ hạn gửi và khuyến mại… đã thu hút được nguồn vốn nhàn rỗi từ dân cư. Tiền tiết kiệm từ dân cư vẫn là kênh huy động vốn chủ đạo của ngân hàng, chiếm trên 80,93%/tổng huy động, nhưng tiền gửi thanh toán của doanh nghiệp chỉ chiếm tỷ trọng thấp 18,94%/tổng huy động. Điều này cho thấy doanh nghiệp vẫn chưa thực sự vượt qua khó khăn trong hiện tại.
Một thống kê khác dẫn chứng cơ cấu huy động nguồn vốn đã dần có sự thay đổi theo hướng tăng dần tỷ trọng nguồn vốn dài hạn, giảm dần tỷ trọng nguồn vốn ngắn hạn. Tỷ trọng này giúp nguồn vốn ngân hàng có tính ổn định, chất lượng tín dụng thể hiện khá tốt. Lãi suất cho vay giảm tương ứng theo huy động, cùng với các chương trình kết nối, bơm nhiều gói tín dụng ưu đãi đã tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn vay và ngân hàng đạt kế hoạch tăng trưởng 11,99%. Tăng trưởng tín dụng với dư nợ 26.749 tỷ đồng chủ yếu rót vào các lĩnh vực ưu tiên. Nếu loại trừ dư nợ xuất khẩu giảm thì cho vay nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa đều tăng trên 11%. Nợ xấu thuộc loại cao khoảng 7% đã được xử lý, kiềm chế… đến cuối năm 2014 chỉ còn khoảng 0,94%/tổng dư nợ.
Bức tranh tín dụng đầy “màu sắc” này được cho là kết quả của nỗ lực triển khai một số chương trình cho vay ưu đãi, tinh giản thủ tục, đáp ứng đủ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp khi có phương án sản xuất kinh doanh khả thi. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Diện – Giám đốc Chi nhánh NHNN Quảng Nam thừa nhận tín dụng tăng trưởng chưa đồng đều qua các tháng. Dư nợ những tháng cuối năm tăng chủ yếu ở những món vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán, kéo theo dư nợ những tháng đầu năm sẽ giảm khi các món vay ngắn hạn đến kỳ thanh toán. Doanh nghiệp khó khăn, năng lực tài chính hạn chế, chủ yếu dựa vào vốn vay, thiếu các dự án, phương án kinh doanh nên tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng vẫn chưa đạt như kỳ vọng, dù đáp ứng kế hoạch tăng trưởng của NHNN Việt Nam. “Chính điều đó đã khiến không ít dư luận trái chiều về hoạt động ngân hàng, nhiều doanh nghiệp phản ánh khó khăn tiếp cận vốn ngân hàng. Việc xử lý tài sản đảm bảo còn gặp nhiều khó khăn cũng đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tín dụng” - ông Diện nói.
Cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế
Ông Diện cho hay, năm 2015, tăng trưởng tín dụng dự kiến sẽ tăng khoảng 13 -15% và được điều chỉnh phù hợp với thực tế địa phương. Hệ thống ngân hàng Quảng Nam đã sẵn sàng cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế phát triển, nhưng tín dụng có tăng hay không, phụ thuộc rất nhiều vào sức khỏe của nền kinh tế và sự phát triển của doanh nghiệp. Ông Trần Đình Tùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu ngân hàng cần tính toán để có thể mở rộng tín dụng, gỡ bỏ vòng luẩn quẩn kéo dài nhiều năm khi mặt bằng lãi suất giảm, ngân hàng dư tiền nhưng doanh nghiệp vẫn cứ khó tiếp cận vốn.
Tăng trưởng sản xuất của nền kinh tế với những dự án khả thi là động lực cho dòng vốn ngân hàng chu chuyển. Ảnh: PHƯƠNG THẢO |
Hầu hết lãnh đạo ngân hàng thương mại tại Quảng Nam đều cam kết mở rộng tín dụng để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đi đôi với sự an toàn và hiệu quả của đồng vốn. Sẽ có thêm nhiều chương trình kết nối, đối thoại giữa ngân hàng – doanh nghiệp được mở. Các ngân hàng sẽ áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của các khoản vay. Tiết kiệm chi phí, giảm thiểu tối đa các chi phí khác để có điều kiện giảm lãi suất vay, chia sẻ khó khăn với khách hàng, nhưng vẫn bảo đảm an toàn tài chính trong hoạt động của tổ chức tín dụng. Giới doanh nghiệp đón nhận thông tin này trong trạng thái vui vẻ. Ông Huỳnh Ngọc Châu – chủ cơ sở gia công, chế biến thép và xây dựng dân dụng ở Duy Xuyên nói, hy vọng sự mở rộng tín dụng của ngân hàng sẽ tạo thêm nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn ngân hàng dễ dàng hơn.
Theo thống kê mới đây, tiền gửi thanh toán đã tăng trưởng khá cao vào cuối tháng 1.2015 với hơn 21.000 tỷ đồng và tổng dư nợ cho vay gần 26.320 tỷ đồng, có chút suy giảm so với ngày đầu tháng 1.2015. Theo ông Nguyễn Văn Diện – Giám đốc Chi nhánh NHNN Quảng Nam, mối quan tâm hiện thời không phải ở phần trăm tăng trưởng tín dụng mà là năng lực quản lý rủi ro, tháo gỡ nút thắt cho nền kinh tế của giới ngân hàng. Nếu kinh doanh không thuận lợi, doanh nghiệp hoạt động cầm chừng thì không thể đòi hỏi ngân hàng cứ tiếp tục rót vốn cho doanh nghiệp để gia tăng tín dụng. Chất lượng tín dụng, dòng tiền chảy đúng hướng quan trọng hơn là con số tăng trưởng nhiều hay ít!
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính, tốc độ cung tiền khoảng 13% đến 15% là mức tăng trưởng tối ưu, giúp nền kinh tế địa phương đạt mức tăng trưởng khả quan. Giới ngân hàng chấp nhận tăng trưởng tín dụng chậm, nhưng chắc, thay vì chạy đua theo kiểu bùng nổ vài năm trước đây để tránh nợ xấu. Giới ngân hàng công bố ngân hàng không thiếu tiền nhưng lại thiếu những dự án kinh doanh hiệu quả để cho vay. Vì vậy, dòng vốn có được khơi thông hay không, không hoàn toàn do giới ngân hàng quyết định mà phụ thuộc rất lớn vào các định hướng vĩ mô, chiến lược cạnh tranh của nền kinh tế và sự phối hợp các chính sách tài khóa, hỗ trợ doanh nghiệp. Suy cho cùng sức hấp thụ vốn của nền kinh tế kém, tín dụng không chảy được, đòi hỏi có sự điều tiết của ngân sách. Doanh nghiệp lớn có những cách tiếp cận vốn dễ dàng, còn để duy trì sức mua của nhóm thu nhập thấp, trung bình và sự lạc quan vào triển vọng kinh tế, cần phải tạo ra động lực cho các ngân hàng tăng cường cho khu vực này vay với lãi suất thấp. Có thể thấy khả năng tiếp cận vốn đang phụ thuộc vào chính bản thân doanh nghiệp vừa và nhỏ, bởi ngân hàng cũng là một định chế tài chính và người chịu trách nhiệm cuối cùng đối với các khoản vay là cán bộ tín dụng, kể cả luật pháp. “Sự thận trọng của ngân hàng là không thừa khi dè dặt đẩy vốn vay không tài sản bảo đảm, nhất là khi nợ xấu chưa được giải quyết cụ thể. Nếu doanh nghiệp tạo được niềm tin với ngân hàng thì sẽ không khó để với tay đến được những gói tín dụng giá rẻ, kể cả tín chấp!” - ông Diện nói.
TRỊNH DŨNG