Sự cố bồi lấp tuyến luồng Cửa Đại (Hội An) đã khiến hàng loạt phương tiện khai thác hải sản nằm bờ dài ngày, gây khó khăn cho đời sống người dân. Giải pháp cấp bách của tỉnh là bằng mọi giá phải khơi thông, đảm bảo cho tàu thuyền lưu thông sớm nhất.
Đợi từng ngày…
Sự bồi lắng cát ở Cửa Đại với phạm vi rộng sau đợt lũ vừa qua đã vượt ngoài dự báo của nhiều người. Không ít vị trí luồng biển cạn đến mức nước chỉ còn xăm xắp ngang đầu gối, chiều dày bồi lấp trung bình 2 - 2,5m, kéo dài gần 2km. Phần lớn các phương tiện có công suất 30CV trở lên đều không thể ra vào Cửa Đại. Ông Lê Văn Giảng – Chủ tịch UBND TP.Hội An nhìn nhận, những dâu bể, đổi thay của tự nhiên là chuyện bình thường; nhưng cơn lũ vừa qua là sự thức tỉnh, cho thấy biến đổi khí hậu đã diễn biến khó lường. Ông cũng cho biết, những ngày qua người dân vùng ven biển đứng ngồi không yên, dù là mùa đông nhưng lại là mùa dễ kiếm tiền của ngư dân do nguồn tôm, cá được giá. Việc “hàn” Cửa Đại đã làm “đứng bánh” tàu lớn vươn khơi đánh bắt và phần nào chia cắt con đường vận chuyển hải sản từ vùng biển Cù Lao Chàm vào đất liền.
Tuyến luồng Cửa Đại bị cát bồi lấp, chỉ có các phương tiện ghe chèo nhỏ mới có thể lưu thông. Ảnh: H.P |
Hơn tuần qua, người dân làng chài các phường Cửa Đại, Cẩm Châu, xã đảo Tân Hiệp (TP.Hội An), các xã Duy Nghĩa, Duy Hải (Duy Xuyên) bất lực nhìn tàu thuyền của mình “mắc cạn”. Các thuyền máy công suất nhỏ thì loay hoay dò biển, tìm luồng lạch sâu hơn để có thể ra vào khai thác gần bờ. Phó Chủ tịch UBND phường Cửa Đại – ông Lê Công Sỹ thở dài: “Người dân không ra khơi được thì nóng ruột, còn chính quyền địa phương thì không có khả năng khắc phục hậu quả cát bồi lấp. Tất cả chỉ trông chờ vào sự vào cuộc khẩn trương của ngành chức năng”.
Khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm hải sản là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn của phường Cửa Đại. Thế nhưng, khi luồng bồi lấp cát, hơn 60 phương tiện có công suất 30CV trở lên của địa phương này bất đắc dĩ neo đậu dài ngày. Nghề rổi (buôn bán, trung chuyển hải sản) vào đất liền gặp khó khăn, kéo theo hàng trăm lao động lâm vào cảnh nhàn rỗi. Trong khi đó, Chủ tịch UBND xã Tân Hiệp (TP. Hội An) – ông Nguyễn Văn An cho biết, các phương tiện tham gia đánh bắt cá, vận chuyển hàng hóa ra đảo và ngược lại từ đảo vào đất liền trong những ngày qua rất hạn chế. Do bồi lấp, luồng cạn nên sóng đánh rất cao, các phương tiện chuyên chở hàng hóa không còn cách nào khác phải giảm đáng kể tải trọng.
Giải pháp tình thế
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu giao Sở GTVT chọn đơn vị tư vấn, nhà thầu chuyên ngành, giám sát chặt chẽ khối lượng thi công. Tạm thời, việc nạo vét phải tuân thủ theo tuyến đường thủy nội địa cũ, phấn đấu đến ngày 10.12 các tàu thuyền phải lưu thông trở lại. Về lâu dài, ngành chuyên môn phải đánh giá một cách khoa học nguyên nhân của hiện tượng bồi lắng để có giải pháp khắc phục, đầu tư hiệu quả. |
Trước búc xúc của người dân, các ngành chức năng của tỉnh khẩn trương vào cuộc khảo sát, kiểm tra, khoanh vùng hiện trạng khu vực bồi lắng. Trước đó, các bộ phận hữu quan của TP.Hội An tiến hành bỏ phao định vị và hướng dẫn luồng. Ông Phạm Văn Sơn – Giám đốc Đoạn Quản lý đường thủy nội địa (thuộc Sở GTVT) đề xuất, trong khi chờ đợi sự hỗ trợ của Bộ GTVT; trong thẩm quyền và khả năng của tỉnh nên triển khai nạo vét cấp thời, sử dụng tàu hút bụng là hiệu quả nhất, không nên đưa sà lan, cần cạp vào rất nguy hiểm trong điều kiện gió cấp 5 trở lên. Theo ông Trương Văn Cận - Giám đốc Sở GTVT, trong tình huống khẩn cấp như thế này, không thể kêu gọi các tàu hút chuyên dụng từ Hải Phòng hoặc TP.Hồ Chí Minh đến. Do vậy, biện pháp tức thời là hút cát với chiều rộng 30m, độ sâu nước 4m, có thể giải quyết ngay cho phương tiện di chuyển ra vào được. Còn về lâu dài thì nghiên cứu, tính toán, đầu tư quy mô ra sao sẽ cân nhắc lại. “Theo tôi, không chọn giải pháp tận thu cát đổ lên bờ vì vừa tốn thời gian, công sức, trong khi phương tiện, máy móc hiện tại chưa thể cho phép. Thế nên, chọn biện pháp hút cát xong rồi đổ xuống biển ở khu vực phía nam cách xa 3km là tốt nhất. Cơ sở chọn nhà thầu phải đảm bảo thiết bị đáp ứng được gió cấp 5 trở lên, thực hiện giám sát công khai” – ông Cận đề nghị.
Đại diện Ban Chỉ huy phòng chống bão lụt tỉnh góp ý, đơn vị thi công phải căn cứ vào lịch triều để nạo vét phù hợp; đồng thời yêu cầu đơn vị tư vấn phải cam kết dự lường khả năng tái bồi lấp trở lại sau khi nạo vét luồng. Về kinh phí cho nạo vét khẩn cấp, lãnh đạo Sở Tài chính cho rằng tỉnh sẽ ưu tiên bố trí vốn phòng chống thiên tai năm 2013 của Chính phủ phân bổ về. Góp ý cho khơi thông nhanh nhất tuyến luồng Cửa Đại, đa số các ý kiến đều thống nhất phương án nạo vét cát dưới biển bám theo hiện trạng cũ, trong phạm vi thẩm quyền quản lý đường thủy nội địa của tỉnh. Ngành giao thông chỉ đạo giăng phao định vị, hướng dẫn cho người dân “vùng cấm” lưu thông. Sau khi hoàn thành việc xử lý, đơn vị phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức đặt biển báo, tạo điều kiện để người dân ra khơi đánh bắt.
HỮU PHÚC