Khơi thông nút thắt

CÔNG TÚ 03/08/2016 10:11

Công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư (TĐC) trong 3 năm qua ở Điện Bàn đạt được những kết quả khả quan nhưng vẫn còn tồn tại những “nút thắt”. Trước thực trạng đó, chính quyền địa phương nỗ lực tìm giải pháp khơi thông.

Nỗ lực thực hiện

Đến Điện Bàn, ở đâu cũng bắt gặp công trình đã và đang được đầu tư xây dựng. Theo chúng tôi được biết, vùng kinh tế trọng điểm phía bắc tỉnh có hơn 50 dự án. Công trình hoàn thành đã tạo ra bộ mặt nông thôn mới tươi sáng, các khu - cụm công nghiệp đi vào sản xuất, khu đô thị mới Điện Nam -Điện Ngọc nhộn nhịp hẳn lên, hạ tầng giao thông chạy dọc ngang. Hình ảnh thị xã phát triển năng động, đa dạng đã thúc đẩy chuyển đổi nhanh cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm và nâng cao đời sống nhân dân. Nhưng để dự án được triển khai thực hiện, mặt bằng xây dựng cần phải giải phóng sạch nên Điện Bàn xem đây là nhiệm vụ trọng tâm cần khơi thông. Thống kê từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn thị xã có 88 phương án đền bù của 26 dự án được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tổng kinh phí bồi thường trực tiếp cho 5.751 hộ dân bị ảnh hưởng (thu hồi 333,39ha đất) là 508,58 tỷ đồng. Mỗi dự án đều có ban chỉ đạo do Phó Chủ tịch UBND thị xã làm Trưởng ban, thường trực là Trung tâm Phát triển quỹ đất, thành viên ban chỉ đạo gồm các phòng ban liên quan. Công trình nằm ở xã, phường nào thì chủ tịch UBND nơi đó làm thành viên ban chỉ đạo. Cạnh đó, Ban Tuyên truyền vận động do Thị ủy Điện Bàn thành lập luôn tích cực hỗ trợ về công tác vận động.

Tiến độ thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua Điện Bàn gặp khó khăn về mặt bằng, dù thị xã đã nỗ lực khơi thông. Ảnh: C.T
Tiến độ thi công đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua Điện Bàn gặp khó khăn về mặt bằng, dù thị xã đã nỗ lực khơi thông. Ảnh: C.T

Nằm ở vùng đông, Điện Ngọc có nhiều dự án đã, đang “thai nghén”. Chủ tịch UBND phường - ông Phan Văn Huyến cho rằng, trước hết cần làm tốt công tác quản lý hiện trạng. Theo đó, địa phương thành lập Tổ kiểm tra quy tắc đô thị gồm 6 thành viên, trong đó có 2 thành viên chuyên trách, ngoài thực thi nhiệm vụ, tổ còn phối hợp xử lý nhiều vi phạm liên quan đến đất đai, xây dựng. Điện Quang có dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đi qua dài 2,6km, ảnh hưởng trực tiếp 393 hộ dân. Chủ tịch UBND xã  - ông Lê Thành cho hay, khi có chủ trương thu hồi đất, địa phương thông báo ngay việc bàn giao đất nông nghiệp để nhân dân không tổ chức sản xuất, kịp thời thành lập hội đồng xác nhận nguồn gốc sử dụng đất rồi tiến hành theo quy định của pháp luật. Khâu GPMB rất khó khăn, nên địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền với phương châm “mưa dầm thấm lâu”. Cả hệ thống chính trị từ xã, đến thôn và tổ đoàn kết phối hợp các ngành liên quan của thị xã tăng cường xuống trực tiếp gặp hộ dân để vận động. Một lần không được thì đi nhiều lần, kiên trì đả thông tư tưởng đến khi người dân đồng thuận.

Tìm cách gỡ vướng

Sau 3 năm thực hiện GPMB, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Trần Úc cho rằng, bên cạnh những mặt làm được, công tác này qua triển khai thực hiện vẫn còn tồn tại nhiều “nút thắt”. Vướng mắc chủ yếu tập trung về cơ chế chính sách; quản lý đất đai và xác định nguồn gốc đất; xây dựng giá đất; TĐC; triển khai thực hiện dự án của các nhà đầu tư. Vướng mắc trong quy chế phối hợp giữa Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh, chi nhánh Trung tâm Phát triển quỹ đất Điện Bàn với Phòng TN&MT, UBND thị xã và các xã, phường cũng là vấn đề đáng lưu tâm. Để tháo gỡ tồn tại, thị xã sẽ tiếp tục kiện toàn, nâng cao chất lượng hiệu quả công tác GPMB mang tính chuyên nghiệp. Thực hiện nghiêm túc việc đảm bảo dân chủ, công khai cơ chế chính sách và lợi ích khi thực hiện dự án. Coi trọng tuyên truyền, vận động thuyết phục nhân dân chấp hành và ủng hộ chủ trương chung, có chính sách động viên, khen thưởng kịp thời; kiên quyết xử lý đối tượng vi phạm cố tình chống đối. Đồng thời xử lý nghiêm cán bộ lợi dụng chức vụ quyền hạn làm sai, gây thiệt hại cho Nhà nước và nhân dân. Làm tốt công tác TĐC, đảm bảo cho người dân có nơi ở tốt hơn chỗ cũ. UBND thị xã yêu cầu Đội kiểm tra quy tắc đô thị Điện Bàn tăng cường và hỗ trợ các địa phương lập lại kỷ cương về quản lý: đất đai, quy hoạch và xây dựng…

Thành viên của Ban Tuyên truyền vận động GPMB, ông Nguyễn Văn Sáu - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thị xã bày tỏ sự đồng tình trong việc vận dụng các cơ chế, chính sách đối với trường hợp cá biệt. Ông Sáu cũng lưu ý đơn vị chịu trách nhiệm bồi thường GPMB hạn chế thấp nhất chuyện phải tiến hành kiểm kê, đo đạc lại. Kiểm kê xong, biên bản lập phải gửi lại cho hộ dân một bản để họ xem có thiếu sót gì thì kiến nghị bổ sung. Còn phần móng nhà, do chôn lấp dưới đất nên cần thiết có biên bản kiểm kê riêng. Khâu xác định nguồn gốc đất phải đặc biệt coi trọng, vì đây là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khiếu nại, khiếu kiện. Góp ý về khâu xác định nguồn gốc đất, từ thực tiễn ở Điện Ngọc, ông Phan Văn Huyến cho biết, nếu đất nông nghiệp không nằm trong “sổ đỏ” thì Hội đồng xác định nguồn gốc đất của phường sẽ xuống hiện trạng kiểm tra, mời các nhân chứng đến để thẩm tra thực tế. Sau đó, địa phương về xét lại, rồi niêm yết công khai để người dân thấy không đúng thì khiếu nại. Đối với đất thổ cư có trong “sổ đỏ”, nhưng không xác định được thời gian sử dụng, phường cũng tiến hành nhiều bước cẩn trọng, đặc biệt phải thu thập cho được ý kiến của các nhân chứng và niêm yết công khai cho mọi người được biết.

CÔNG TÚ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khơi thông nút thắt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO