Không đẩy nợ về tương lai

TRỊNH DŨNG 12/12/2014 08:30

UBND tỉnh cam kết sẽ thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và tìm hướng xử lý nợ đọng thuế của hai công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu, không đẩy nợ về tương lai. Đây cũng là hai vấn đề được quan tâm trong phiên chất vấn tại Kỳ họp thứ 12, HĐND tỉnh khóa VIII.

Kiểm soát đầu tư công

Không nhiều ý kiến chất vấn, nhưng không khí nghị trường “nóng” bất ngờ từ chuyện áp lực nợ đọng đầu tư công và doanh nghiệp nợ thuế nhiều năm vẫn không được giải quyết. Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Văn Tri đăng đàn đầu tiên trả lời câu hỏi tại sao đã có cơ chế, nguyên tắc phân bổ vốn đầu tư xây dựng cơ bản theo hướng tập trung thanh toán nợ, nhưng nợ đọng vẫn có chiều hướng gia tăng (khoảng 3.773 tỷ đồng, tăng 55% so đầu năm 2014). Ông Tri lý giải, nợ chủ yếu là do việc quá bức xúc đầu tư khi nhu cầu đầu tư phát triển quá lớn, hiện có nhiều dự án Trung ương cần phải ứng vốn cấp bách và nhu cầu ngày càng gia tăng. Cơ quan quản lý đã làm đúng nguyên tắc phân bổ vốn theo đúng tiêu chí phân nhóm, nhưng thực tế, các chủ đầu tư đã nóng lòng, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ lẫn việc thực hiện các quy trình, công tác chuẩn bị đầu tư không chặt chẽ nên đã dẫn đến nợ tăng…

Cầu Cửa Đại và đường cứu hộ, cứu nạn là vài trong số nhiều dự án đang bị nợ khối lượng xây dựng cơ bản. Ảnh: T.D
Cầu Cửa Đại và đường cứu hộ, cứu nạn là vài trong số nhiều dự án đang bị nợ khối lượng xây dựng cơ bản. Ảnh: T.D

Câu trả lời của đại diện Sở KH&ĐT chưa làm hài lòng các đại biểu. Ông Nguyễn Hùng – Trưởng ban Pháp chế HĐND tỉnh nói, nếu nguyên nhân phát sinh nợ do nhu cầu bức xúc mà vượt khỏi cơ chế thì tại sao không báo cáo tại các kỳ họp HĐND sớm nhất để thảo luận, quyết định có cho phát sinh hay không về chuyện đầu tư này? Ông Hùng chưa đồng tình với cách giải quyết nợ của tỉnh mà không đề cập gì đến chuyện xử lý nợ của các huyện. Không thể tách rời quản lý được. Nợ nhiều mà cách giải quyết thế nào hợp lý mới là vấn đề đáng để quan tâm. Giải pháp để trả nợ có khá nhiều lý do chưa được rõ. Thực tế nguồn trả nợ lệ thuộc vào kế hoạch. Như vậy chắc chắn khó. “Làm sao kiểm soát được nợ, nếu không dẫn đến nguy cơ mất khả năng thanh toán là điều có thể xảy ra. Không thể cứ đầu tư bằng mọi giá để nhiệm kỳ sau trả nợ” - ông Hùng nói.

Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Kim Hùng phân tích tại sao mọi cơ chế đầu tư đều không được giải quyết trên thực tế. Nhiều dự án và công trình không thể kiểm soát khi cho ứng vốn quá nhiều, vượt trên 50%, trong khi theo quy định cao nhất như dự án nhóm C chỉ có thể tối đa 30 - 35%. Công trình mới càng nhiều và nợ càng tăng. Cho dù cơ quan quản lý công bố năm 2015 sẽ dành 84% vốn cho công trình chuyển tiếp, trả nợ và 16% bố trí công trình mới, nhưng một giải pháp cụ thể và cơ chế phân cấp sẽ được tiến hành như thế nào trong năm tới? Ông Nguyễn Bằng - Bí thư Huyện ủy Đông Giang cho rằng, các cơ chế đều nói tới việc kiểm soát vốn. Năm nào cũng vượt thu thì sao không phân loại và không thể xác định được nguồn vốn để trả nợ kéo dài?

Ông Trần Văn Tri một lần nữa xác nhận rằng, cơ chế điều hành này thực hiện theo vốn ngân sách. Trung ương kiểm soát từ Chỉ thị 1792 là kiểm soát đầu tư công. Quảng Nam quản lý, kiểm soát đã không để phát sinh nợ. Tại sao nợ các địa phương lại đổ lên Sở KH&ĐT trong khi sở không có thẩm quyền để chế tài mà chỉ thực hiện việc tổng hợp, báo cáo. Nếu địa phương sai thì chỉ có UBND tỉnh mới đủ thẩm quyền để chế tài. Tuy nhiên, ông Tri cho rằng, đã nợ thì không thể không trả, nhưng thời hạn có đảm bảo hay không phụ thuộc vào khả năng ngân sách. Hiện số nợ đọng vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát vì chủ yếu là nợ ứng ngân sách, còn nợ khối lượng đến cuối năm này sẽ chỉ vào khoảng 99,6 tỷ đồng. Chính quyền đã cam kết với các chủ đầu tư là sẽ trả nợ dần. Còn việc phân bổ vốn cho dự án, cơ chế phân cấp Sở KH&ĐT không thể làm được bởi cơ chế điều hành là quyền của Chủ tịch UBND tỉnh.

Xử lý nợ xây dựng cơ bản và nợ thuế

Có lẽ những chất vấn của các đại biểu đã vượt quá thẩm quyền trả lời của các cơ quan quản lý nên Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh đã trực tiếp giải thích, làm rõ hơn. Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, tất cả dự án đầu tư công đều đã thực hiện theo đúng nghị quyết của HĐND. Các quy trình, thủ tục, phân bổ vốn đầu tư đều kiểm soát chặt chẽ, tập trung dứt điểm các công trình dở dang và không hiệu quả. Sự tăng nợ hay công trình bởi trên thực tế có rất nhiều dự án, công trình cần vốn đối ứng. Theo quy định của Chỉ thị 1792 cần kiểm soát đầu tư công, toàn bộ dự án đều phải có ý kiến của Bộ KH&ĐT, kể cả những dự án có số vốn rất nhỏ. Quảng Nam rất cần các dự án đầu tư phát triển nên nếu không có vốn đối ứng thì không thể có thêm công trình. Cụ thể, nếu không tìm được nguồn vốn thì cầu Cửa Đại sao có thể hoàn thành. Dự án này, ngân sách địa phương bỏ ra chỉ khoảng 100 tỷ đồng, còn lại là của Trung ương. Hy vọng khi Luật Đầu tư công có hiệu lực từ ngày 1.1.2015 thì việc quản lý đầu tư sẽ chặt chẽ hơn. Công trình nào có trong danh mục và dự toán từ đầu năm sẽ tiến hành đầu tư còn không thì không triển khai, trừ các công trình khắc phục bão lụt và giải phóng mặt bằng. Riêng vấn đề thanh toán nợ xây dựng cơ bản thì nợ chỉ còn chưa tới 100 tỷ đồng. Số nợ này sẽ lấy tiền vượt thu để trả. Năm 2015 sẽ xử lý thanh toán dứt điểm. Nhưng chắc chắn một điều rằng muốn đầu tư như kiên cố hóa kênh mương, giao thông nông thôn thì không thể không vay. Ngay như mở rộng quốc lộ 1 đã xin được mở nhưng không có vốn đối ứng thì làm sao có đường? Trung ương đồng ý cho nhưng không đưa tiền thì làm sao không nợ? Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh khẳng định hết nhiệm kỳ này sẽ trả xong nợ, không có lý do gì đẩy nợ về tương lai.

Nợ thuế của hai công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu lần nữa được đặt lên bàn nghị sự. Ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế cho rằng, năm 2016 nếu không dừng hoạt động thì họ cũng phải dừng vì giấy phép hết hiệu lực. Cục Thuế đã làm hết trách nhiệm khi áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, cưỡng chế hóa đơn. Vì vậy cần sự chỉ đạo xử lý của các cấp có thẩm quyền. Ông Nguyễn Cảnh – Bí thư Huyện ủy Phú Ninh nói, vì sao không cưỡng chế nợ thuế của hai công ty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu, trong khi công ty vàng vẫn sản xuất từ tháng 10.2014 đến nay? Chính quyền địa phương không thể làm gì được, ngay cả việc kiểm tra cũng không thực hiện được. Không thể cứ tiếp tục để doanh nghiệp ung dung sản xuất mà không đóng thuế. Không thể để tài nguyên mất đi mà không ai chịu trách nhiệm. Ông Phạm Thế Quyền - Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn đặt vấn đề sâu hơn khi cho rằng việc thiếu kiên quyết và mất công bằng giữa các doanh nghiệp FDI và nội địa sẽ tác động dây chuyền nợ thuế đến doanh nghiệp khác làm sao kiểm soát nổi? Tại sao vẫn không có cơ quan nào kiểm soát được sản lượng vàng khai thác. Đó là chưa kể đến lo ngại của dân Phước Sơn khi có khả năng sự cố vỡ hồ chứa chất thải đầy cyanua của công ty này. Ông Đoàn Văn Viên – Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy nói, không thể để sự tùy tiện này kéo dài mãi được. Phải bắt doanh nghiệp tuân thủ theo pháp luật. Nếu không thì đóng cửa nhà máy, giữ lại tài nguyên cho quốc gia. Không thể để rút ruột tài nguyên quốc gia mà không chịu trách nhiệm gì với địa phương.

Riêng chuyện nợ thuế của hai công ty vàng, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh thừa nhận là chính quyền vẫn đang lúng túng chưa biết cách gì xử lý. Chính sách thuế thay đổi nhưng doanh nghiệp bám vào quyết định đầu tư ngày trước có cam kết dù chính sách thay đổi thì vẫn không thay đổi quyết định này nên họ vin vào đó để kiện và trì hoãn việc đóng thuế. Khi doanh nghiệp thực hiện đúng Luật Đầu tư thì ngay cả chính quyền, cơ quan thuế cũng không thể nào tiến hành kiểm tra được. Quan điểm của chính quyền là buộc phải thu hồi nợ đọng thuế nhưng trước tình hình này thì vẫn chưa thể tìm ra được phương thức hữu hiệu. Hiện chính quyền đang chờ sự xem xét giải quyết của Chính phủ.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không đẩy nợ về tương lai
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO