Không tiền mặt

L.T.T 17/06/2019 10:21

Báo Tuổi trẻ và Ngân hàng Nhà nước đang vận động một phong trào thanh toán “không tiền mặt”, chọn ngày 16.6 với kỳ vọng tạo nên một ngày “lịch sử” thay đổi thói quen giao dịch mua bán của quốc dân.

Kể ra những năm gần đây, các loại giao dịch “quẹt thẻ” hay “thanh toán qua mạng” đã ngày càng phổ biến. Mua hàng siêu thị, đi taxi, đặt phòng khách sạn, mua bán online, trả tiền điện nước vv… Các tiện ích thanh toán đã mang lại nhiều trải nghiệm dễ chịu cho người tiêu dùng.

Nhưng để nâng lên tầm một nền kinh tế vận hành “không tiền mặt” ưu việt, có lẽ còn nhiều việc phải hoàn thiện cả về khía cạnh kỹ thuật lẫn văn hóa.

Không chỉ là việc đồng bộ hệ thống hạ tầng phục vụ giao dịch. Không chỉ là việc thiết lập một cơ sở dữ liệu tài chính của công dân. Điều khó khăn nhất là giúp những con người bước đầu tiếp cận phương thức thanh toán mới này xây dựng một “tập quán tiêu dùng” an toàn, lành mạnh. Đó thực sự là sự thay đổi lối sống của cả xã hội, đòi hỏi nhiều kỹ năng mang tính văn hóa chứ không chỉ là những phép tính cộng trừ số dư tài khoản.

“Xã hội tiêu thụ”, “văn hóa tiêu dùng”… là những cụm từ quen thuộc khi mô tả một giai đoạn phát triển ở các quốc gia công nghiệp phương Tây, với hàm ý cảnh giác hơn là tán dương. Người ta vẫn hình dung một thế chân vạc đang đỡ lấy các nền kinh tế phát triển: sản xuất hàng hóa – tín dụng tiêu dùng – xã hội tiêu thụ.

Lối giao dịch “tín dụng” (là cốt lõi của một nền kinh tế “không tiền mặt”), một mặt mang cho nền kinh tế sự linh hoạt, khả năng tập trung dòng tiền vào các dự án đầu tư lớn, là đòn bẩy kích thích phát triển sản xuất mạnh. Nhưng ở góc độ tiêu thụ, nó dễ mang lại tâm lý “xả láng”, đặt người tiêu dùng vào thế rượt đuổi tiêu dùng – kiếm tiền – trả nợ.

Sự thái quá của tiêu dùng khiến sản xuất phát triển cũng đến độ thái quá, vượt qua mức cần thiết của nhu cầu xã hội. Hậu quả là sự thoái hóa của môi trường, tài nguyên thiên nhiên ngày càng trầm trọng. Và dù muốn dù không, ngày nay thế giới đang phải đối diện với nguy cơ lớn chưa từng thấy sự sụp đổ của môi trường (đã bị khai thác cạn kiệt và không có cơ hội phục hồi).

“Không tiền mặt” trong bối cảnh thế giới và môi trường hôm nay không còn mang ý nghĩa như trước nữa. Tiện dụng: có. Thanh khoản linh hoạt: có. Tập trung tiền tệ: có. Nhưng với một “đầu ra” đúng mực và có cân nhắc của từng cá nhân trong xã hội, có lẽ phải đặt một tiêu chuẩn ít tham vọng hơn cho tỷ lệ tăng trưởng nhờ vào sự thay đổi này.

Tất nhiên không phải lấy những hệ lụy của kinh tế tiêu dùng để phủ nhận một xu thế không thể trì hoãn. Nêu chuyện ra để bên cạnh cái háo hức với tiện nghi, chúng ta còn ghi nhận một khoảng lùi kinh nghiệm, một “điều răn” để xây dựng nên văn hóa sinh hoạt mới, hợp với thời đại và có trách nhiệm hơn với tương lai.

Trước mắt, có lý do khiến chúng ta nên hoan nghênh sự thay đổi mang tính “cách mạng” này: nền kinh tế không tiền mặt sẽ tăng cường tính minh bạch, như một đòn “không đánh mà tan” nhắm vào căn bệnh tham nhũng được xem là quốc nạn bấy lâu nay.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không tiền mặt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO