Không vội vã ở Phủm Xoài

Ký sự của TRUNG VIỆT 05/12/2015 08:35

Bà Hop Sa Roh  niềm  nở chào khách. Tôi ngồi bệt xuống sàn, ngó người đàn bà tóc như sương ngồi mé trong. Bà đang thêu thùa. Mắt người già không mang kính lão mà tay thoăn thoắt, khoan thai.

Thánh đường của người chăm ở  Châu Phong. Ảnh: TRUNG VIỆT
Thánh đường của người chăm ở Châu Phong. Ảnh: TRUNG VIỆT

1. Những lời nói chậm, đi chậm, rót nước cũng chậm. Ai đó nói sống chậm là giữ nhịp thở và hành xử, giao đãi. Tôi ngó bà chủ nhà trải chiếu khẽ khàng, rồi khẽ nói rằng nắng quá, đừng đi đâu mà vội, hãy ngồi xuống mà nghỉ, thì mồ hôi trên tóc tôi như ngừng tuôn. Đối diện tôi là những người đàn bà Chăm. Tôi đọc trên mạng, nói  ấp Phủm Xoài, xã Châu Phong huyện Tân Châu tỉnh An Giang,  là nơi người Chăm Hồi giáo Islam sinh sống.  Khởi nguyên,  họ,  người Chăm Châu Ðốc là hậu duệ của các nhóm quan quân và thần dân của Vương quốc Champa tức Chiêm Thành  với vị vua cuối cùng là Pô Chơn đã lánh nạn sang đất Campuchia. Nội bộ họ xảy ra bất hòa, nên họ chạy nạn xuống đến vùng đất Châu Ðốc, xoay xở được sung vào hàng ngũ quan quân triều đình nhà Nguyễn và được phép định cư tại đây. Một nghiên cứu cho hay, người Chăm Châu Ðốc, như người Hồi giáo Trung Đông,  tôn thờ một Thượng đế Allah Toàn tri Toàn năng. Nhưng họ không phải là người Ả Rập. Họ sống ở vùng sông nước Cửu Long, lịch sử khác, ngôn ngữ khác, cũng chẳng phải là vùng sa mạc, nên văn hóa truyền thống của họ khác.

Tôi cố về đó, bởi hai điều, muốn gặp những người theo đạo Hồi mà chưa được một lần thấy, và điều thứ hai, mà có lẽ là quan trọng nhất, là tôi bị ám bởi sự  khoan thai của họ. Những người đàn bà Chăm tôi đã gặp ở Mỹ Sơn quê tôi khi họ hành hương; những người đàn bà Chăm mặc nắng mưa đội trên đầu thúng thuốc đi bán. Những người đàn bà Chăm tình cờ gặp. Ngay cả những người đàn ông Chăm, hình như cũng không vội vã. Mắt họ nhìn, giọng nói họ, cả kiểu họ ngồi, rồi nụ cười họ, phảng phất sự chậm rãi đến u buồn. Ít nhất điều đó tôi đã thấy ở một nhà nghiên cứu Chăm nổi tiếng tranh luận và biện giải là nhà thơ Inrasara. Tôi nhớ lần đó chở anh vào quán nhậu trong hẻm nghèo tại Tam Kỳ,  khi anh đang lang thang từ bắc về, rượu vào vài ly, thế là dân Quảng Nam xúm lại cãi về Chămpa, còn anh im lặng, thỉnh thoảng tỏ quan điểm bằng giọng như giọt rượu vô tình sánh ra ngoài. Tỉnh ra, tôi giật mình, rằng mình múa gậy lung tung, khi người ta vác đại đao đứng nhìn. “Ừ - bà Hop Sa Roh như đọc được ý khách - quen rồi, không nói to, ngay cả giận, đàn ông cũng thế”. Tôi có ý nói bà choàng khăn, đứa con trai là Y Sa mặc váy vào để tôi chụp ảnh, cả hai không nói, lặng lẽ đáp ứng yêu cầu, như an nhiên, như chưa từng có khách. Bà nói về chiếc khăn choàng của phụ nữ Chăm, về áo dài kín đáo,  về cách ăn mặc khi ra đường của đàn ông Chăm xứ này là mặc váy, bằng sự tôn kính, thậm chí rộn rã, hân hoan và không thiếu kiêu hãnh. Như đàn ông Chăm, sinh ra đã mặc váy, đi lễ, đám tiệc, cưới xin, thăm viếng, đó là bắt buộc, nếu có phải đi xa, lên thành phố làm ăn, thì họ vẫn quyến luyến, dù có bất tiện chút.

Mẹ con bà Hop Sa Roh.
Mẹ con bà Hop Sa Roh.

2. Ngày xưa, nguyên cả xóm này làm nghề dệt, thêu thùa, may vá, bánh trái. Đó là việc của đàn bà. Còn đàn ông thì lo chuyện đánh cá, làm ruộng, mua bán. Bạn tôi là nhà văn xứ này, nói thêm rằng, xóm đạo Hồi này có mấy trăm hộ, được coi là nơi cố thủ kín kẽ nhất về bản sắc người Chăm Islam. Bao nhiêu va đập về hành xử, trang phục làm cho bao tộc người không còn giữ được, nhưng ở đây thì không. Họ đề cao tín ngưỡng, rất cao, trong đó có việc cấm hôn nhân ngoại giới. Năm tháng qua đi, lớp trẻ có khác, trái tim trao gửi cũng đã khác, nên gia đình bà Hop Sa Roh  có cô gái yêu một anh người Kinh. Gia đình từ mặt. Nhà thờ gạch tên. Cô gái không buông bạn tình, cưới và làm vợ, nhưng cô không bỏ đạo, vẫn một lòng tôn thờ, không ăn thịt heo, làm gà thì cắt cổ phải cầu nguyện, dần dà mẹ cô thấy con gái vậy, cũng mở lòng. Nhưng hôn nhân ngoài cộng đồng ít lắm. “Không bỏ đâu, mãi mãi như thế - bà chậm rãi - sinh ra phải học tiếng Chăm, nói tiếng Chăm”. Họ không thờ gì hết. Khi cúng thì quay về hướng mặt trời và cầu thánh Allah. Bà giảng giải tiếp: “Đạo Hồi rất sòng phẳng, mua 10 bán 11, không nói hơn. Ly hôn là chuyện không bao giờ có và bị cấm. Ai phạm phải thì dòng họ không chấp nhận”. “Vậy, nếu không ly hôn, thì sao, khi phụ nữ bị ngược đãi, coi thường?” - tôi hỏi. “Phụ nữ ở đây được đàn ông quý chiều, không bao giờ làm bậy, đàn ông giữ đạo, chăm sóc gia đình, tình cảm với vợ con. Con sinh ra theo họ mẹ”. “Không lẽ người Chăm đứng ngoài những lộn xộn,  ma mãnh của xã hội càng ngày càng lớn, ví dụ như chuyện giả dối?”. “Không nói dối - vẫn giọng khoan thai,  bà nhìn vào mắt tôi, như xác quyết - dối là có tội. Vùng này không có ai ở tù”. Bạn tôi nói thêm: “Họ không tước đoạt của người khác. Buôn bán với họ là phục vụ cuộc sống, cũng là để tu hành, chứ không phải để làm giàu. Họ giữ giới nghiêm khắc vô cùng. Đám cưới không có rượu”.

Bà  lấy chiếc khăn choàng qua đầu và cười nói: “Chưa đúng trang phục đâu, phải áo dài tay”. Dậy lên trong tôi mơ ước một ngày xem họ lễ hội, hẳn sẽ lấp lánh xiêm áo, một thứ xiêm áo đời thường và sang quý, được khoác bởi những người đàn bà đi trong mưa nắng mà như bộ hành giữa sa mạc, lặng lẽ, cẩn nghiêm mà dung dị,  không vội vã, chân bám đất, mắt nhìn thẳng, như nơi xa kia, tiếng chuông nhà thờ đang gọi họ. Họ gần gũi mà tách biệt. Tôi vào thánh đường gần đó, uy nghiêm,  sang trọng. Góc phải nhà thờ là nghĩa địa. Bạn nói, khi họ chết, sẽ ép xác cho sạch nội tạng. Chôn không ngửa mặt lên trời, không úp mặt xuống đất, bởi vì như thế là coi thường trời đất, mà chôn nghiêng, mặt quay về hướng thánh địa La Mecca. “Đó, ông thấy tín ngưỡng họ dữ dằn không?” - bạn tôi nói. Tôi bật: “Nhưng họ giết người không ghê tay”. “Không phải, hãy xét nhiều thứ, vì sao như thế và có một điều cần ghi nhớ:  Người Hồi giáo không đánh người, không làm tổn thương ông, nếu ông đụng đến họ, bởi họ nói ông sẽ chịu tội với thượng đế, nhưng nếu ông chạm đến thánh Allah, thì họ quyết sống mái”.
3. Khi tôi chào về, qua bên TP.Châu Đốc, bạn nói bà vừa điện thoại mời cơm. Tôi nhớ những ngôi nhà sàn dựng sát con kênh lớn, bà con nói năm nay nước nổi là tệ nhất, không đụng đến sàn, con cá cũng ít đi, làm ăn khốn khó. Tôi nhớ bà Say Man, chủ khung dệt gần đó, với những khung cửi cổ truyền làm ra những tấm chăn mặc cho đàn ông gọi là xà rong, chăn mặc cho phụ nữ gọi là khanh kăk, khanh ranưng, khanh jih,… những chiếc khăn choàng tắm, khăn đội đầu khanh ma-om,… cung ứng cho nhu cầu nội bộ hoặc bán ra ngoài thị trường, nhưng bà nói rẻ lắm, một khăn rằn lời 2 - 3 ngàn, một tấm chăn lời 10 ngàn, cũng chỉ là giữ nghề. Tôi nhìn những váy áo, nhớ những mảnh đất sỏi đá một đời họ lưu lạc, lang thang như dân Di-gan bởi lịch sử thăng trầm, có lần giở những đau thương khao khát, thì cũng như tản mạn trước đèn. Cơm áo, phận dân, đời người, chẳng mấy khi người dân nhắc lại để mà sân hận. Họ giữ một chữ Hòa mà sống, với niềm tin kín đáo mà kiêu hãnh. Gần gũi và tách biệt. Không thể không nói rằng, bản sắc đi liền với đức tin, hoặc nếu không có tôn giáo, thì phải vun đắp tự tôn cá nhân bằng tình thương và trách nhiệm, mà ở đó không có đất dung dưỡng cho thói ngạo ngược, giả hình lừa bóng, hô khẩu hiệu, nói đường làm nẻo, mà bằng những ràng buộc, mà nếu ai phá rào, họ sẽ bị lên án, truất phế. Làm sao có một ràng buộc đáng sợ và kiêu hãnh?

Ký sự của TRUNG VIỆT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Không vội vã ở Phủm Xoài
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO