Khu tái định cư Gò Hiu: Cấp thiết giải quyết tồn đọng

TRIÊU NHAN - NGUYỄN THẢO 07/07/2017 14:49

(QNO) - Sau 1 năm vào tái định cư (TĐC), những tưởng cuộc sống ở nơi mới sẽ khá hơn, song cả chục hộ dân đã lần lượt tháo chạy trở về làng cũ, số còn bám trụ lại cũng khốn khổ trăm bề khi đối diện với nạn sạt lở núi, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt. Đó là thực tế xảy ra ở khu TĐC Gò Hiu, xã Đại Lãnh, Đại Lộc.

Một căn nhà vùng TĐC bị ảnh hưởng do sạt lở núi năm ngoái. Ảnh: TRIÊU NHAN
Một căn nhà vùng TĐC bị ảnh hưởng do sạt lở núi năm ngoái. Ảnh: TRIÊU NHAN

Khốn khổ trăm bề

Nằm cách trung tâm xã Đại Lãnh tầm 3 cây số, khu TĐC Gò Hiu tọa lạc trên một thửa đất nhô cao với dãy nhà trải dài tựa lưng vào vách núi. Khu TĐC này được hình thành từ nguồn vốn của trung ương do tỉnh phân bổ, hỗ trợ di dời đối với những hộ thuộc diện sạt lở nặng, do Chi cục Định canh định cư tỉnh làm chủ đầu tư, là nơi ở của gần 30 hộ dân thôn Hà Dục Đông của xã Đại Lãnh, vốn thuộc vùng ảnh hưởng nặng nề bởi tình trạng sạt lở ven sông Vu Gia. Song, đúng như câu nói dân gian “tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa”, mấy chục hộ di cư để tránh nạn sạt lở sông nay lại đối diện với nạn sạt lở núi do vách núi cao lanh phía sau có thể đổ ập vào nhà dân bất cứ lúc nào.

Ông Trương Văn Đông, một hộ TĐC vẫn chưa hết bàng hoàng khi kể lại sự cố sạt lở vào năm ngoái. “Nửa đêm, khi vợ chồng tôi đang ngủ say thì nghe tiếng động rất lớn, căn nhà rung chuyển. Giật mình chúng tôi lấy hết sức bình sinh chạy ra khỏi nhà. Toàn bộ nhà sau đã bị vùi dưới đất đá, rất may chưa tràn đến chỗ chúng tôi ngủ” - ông Đông kể. 

Nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm do nằm trên khu vực đất cao lanh là nỗi khổ của người dân Gò Hiu. Ảnh: NGUYỄN THẢO
Nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm do nằm trên khu vực đất cao lanh là nỗi khổ của người dân Gò Hiu. Ảnh: NGUYỄN THẢO

Cũng như bao hộ dân khác, đầu năm 2016, ông Trương Văn Tàu, hộ dân sống trong vùng sạt lở sông đã quyết định đập bỏ nhà cửa, chuyển đến khu TĐC Gò Hiu này. Cầm trên tay số tiền 20 triệu đồng tỉnh hỗ trợ và nhận lô đất 200m2 do chính quyền địa phương cấp, ông hồ hởi vay, mượn cất nhà ở đất mới. Những tưởng ở nơi mới tốt đẹp hơn, không còn cảnh nơm nớp lo sợ bờ sông Vu Gia có thể “nuốt chửng” nhà cửa, tính mạng con người bất cứ lúc nào, thì ai ngờ, cuộc sống ở đất mới còn khổ sở hơn trước nhiều. 

“Ở đây, cứ mưa to dài ngày là đất nhão ra, trút từ trên núi xuống xối xả, ai nấy bất an tháo chạy ra khỏi nhà là thường” - ông Tàu nói. Ông Tàu ngao ngán: “Gọi là TĐC nhưng thực ra là chúng tôi bị chuyển từ nạn sạt lở sông sang sạt lở núi. Cái nào cũng nguy hiểm, cũng đe dọa đến mạng sống, khi mỗi mùa mưa tới. Lúc trước dưới đó còn có chỗ chăn thả, trồng cây rau, nuôi con heo, con gà, bây giờ lên đây không chỗ trồng trọt, không chăn nuôi, biết lấy gì mà ăn”…

Ghi nhận thực tế, tình trạng sạt lở núi đang diễn tiến ngày một nghiêm trọng. Đến thời điểm hiện tại, lớp đất đá đã tràn sát vách nhà dân khiến ai nấy hoang mang tột độ. Lo sợ nạn sạt lở đe dọa, gần 20 hộ dân đã tháo chạy khỏi khu TĐC, trôi dạt về làng cũ hoặc tứ tán đó đây. Số còn bám trụ chỉ tầm 8-9 hộ cũng lay lắt sống qua ngày. Cả khu TĐC này, ngoài những căn nhà vẫn hiện diện sự sống thì không ít căn nhà khác không cổng ngõ, trống hoác như thể bỏ hoang lâu ngày, nằm xiêu vẹo dưới cái nắng đổ lửa.

Không chỉ đối diện với nạn sạt lở, mấy chục hộ nơi đây còn đối diện với tình trạng thiếu nước sinh hoạt trầm trọng, thiếu đất canh tác, không được hưởng quyền lợi công dân như sinh hoạt hội, đoàn thể, bầu cử… Nguồn nước sinh hoạt ở các nhà bơm lên đều có màu trắng đục, đóng phèn, không sử dụng được, chưa kể nắng hạn quá thì nhiều giếng bị cạn nước, không đủ để tưới cây. Hầu hết các nhà đều phải bỏ tiền ra mua nước thùng về uống và nấu ăn. “Do mạch nước sinh hoạt, nước uống nằm ngay vị trí đất cao lanh, không tài nào sử dụng được. Nhiều nhà đã cố gắng khoan giếng sâu tới 20m nhưng nguồn nước ngầm vẫn đục ngầu và bà con đành ngậm ngùi mua nước bình về sử dụng, lại thêm một khoản khó với nhà nông” - ông Đông nói. Ngoài ra, khó khăn về đất sản xuất, canh tác cũng là nỗi trăn trở của người dân ở nơi đây…

Giải pháp cấp thiết

Theo nhiều hộ dân sống ở vùng Gò Hiu, họ đã gửi đơn kiến nghị lên chính quyền nhiều lần, mong được giải quyết, khắc phục những khó khăn trên để yên tâm sinh sống, song đến nay vẫn chưa có giải pháp rốt ráo. Ông Ngô Xuân Yến - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh xác nhận, những khó khăn, vướng mắc tồn tại ở khu TĐC Gò Hiu như bà con phản ảnh là có, chính quyền địa phương đã báo cáo lên cấp trên và đang chờ phê duyệt phương án giải quyết. Về nguồn nước cao lanh ô nhiễm, ông Yến cho rằng, xã đã lấy mẫu đi kiểm định, các chỉ số đều đạt, riêng chỉ số về độ đục là không đạt. Huyện cũng dự kiến xây dựng bể lọc nước trên vùng này, đảm bảo cho nhân dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. Còn về vấn đề dân sinh, ông Yến cho hay, sau khi ổn định dân cư, sẽ sáp nhập khu vực này vào thôn Hà Dục Tây, sẽ có đơn vị hành chính mới.

Khu TĐC Gò Hiu nằm sát núi đất cao lanh, đối diện với nguy cơ sạt lở cao. Ảnh: NGUYỄN THẢO
Khu TĐC Gò Hiu nằm sát núi đất cao lanh, đối diện với nguy cơ sạt lở cao. Ảnh: NGUYỄN THẢO

Trao đổi với báo giới, ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Đại Lộc cho biết, huyện đã nhận được phản ánh của người dân khu TĐC và báo cáo của địa phương, bước đầu sẽ có những hỗ trợ nhất định cho người dân ổn định cuộc sống. Trước mắt, huyện kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí xây dựng bể lọc nước ở Gò Hiu, chứa nước sạch cung cấp cho người dân sử dụng. Tuy nhiên, để triển khai được việc này, hết thảy các hộ dân phải lên khu đất đã cấp ở khu TĐC để sinh sống. Còn về thực trạng sạt lở núi, huyện đã kiến nghị tỉnh đề xuất phương án san bằng đồi núi phía sau khu dân cư Gò Hiu để chấm dứt nỗi lo của bà con. Từ đó, tận dụng quỹ đất từ việc san bằng để tiếp tục mở rộng khu TĐC và dự kiến bố trí thêm dân vào đây. Trước mắt, huyện sẽ cho nạo vét toàn bộ khối đất đá tràn xuống nhà dân trong khi chờ chỉ đạo của tỉnh.

TRIÊU NHAN - NGUYỄN THẢO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khu tái định cư Gò Hiu: Cấp thiết giải quyết tồn đọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO