Phim ca nhạc “Khúc hành hương Mỹ Sơn” mà Đài Phát thanh - truyền hình Quảng Nam phối hợp với Ban Quản lý Khu di tích Mỹ Sơn thực hiện vào đầu năm 2018 được khởi đi từ ý tưởng muốn có một sản phẩm văn hóa - nghệ thuật đặc sắc và riêng biệt của Mỹ Sơn làm quà tặng cho du khách trong và ngoài nước khi đến thăm khu đền tháp này.
Một cảnh dàn dựng để quay phim Khúc hành hương Mỹ Sơn. Ảnh: N.K |
Sản phẩm đó hoàn toàn dựa trên nội lực sẵn có ở Ban quản lý Khu di tích Mỹ Sơn mà hạt nhân là Phòng Văn hóa - văn nghệ dân gian Chăm. Thực ra, từ rất lâu rồi, anh chị em nghệ nhân, diễn viên ở đây mỗi ngày đều thực hiện những chương trình biểu diễn nghệ thuật trong khu đền tháp. Tuy nhiên, nói như lãnh đạo ban quản lý: “Chúng tôi muốn du khách có cái để mang về nhà, để luôn luôn nhớ Mỹ Sơn…”.
Và, phim ca nhạc “Khúc hành hương Mỹ Sơn” dựa vào câu chuyện về “con đường Phật” với nhiều tượng bằng sa thạch đứng chầu hai bên nối từ bến sông Thu Bồn, đi qua lăng bà Thu Bồn - Bô Bô phu nhân, đến ngày nay chỉ còn lại những phiến đá lát đường không nguyên vẹn. Đây được xem là con đường hành lễ mà ngày xưa bất cứ cư dân Chăm nào muốn vào thánh địa Mỹ Sơn đều phải đi qua. Từ ý tưởng đó, phim đã có một bối cảnh đẹp là bến sông Thu Bồn mùa nước cạn với bãi bờ cát mịn màng, tre xanh và lau trắng phất phơ theo gió, sóng sánh trong nắng ban mai chiếu rọi nước sông Thu… Và trên nền bối cảnh như tranh vẽ này, là những thiếu nữ Chăm trong điệu múa đội nước - mô phỏng cảnh lấy nước của người Chăm ngày nào. Những đôi chân uyển chuyển, cánh tay mềm mại và những cái buk đội trên đầu vững chãi cùng với nụ cười nở trên môi thiếu nữ đã làm bừng sáng bến sông Thu. Đi theo bước chân các chàng trai - cô gái Chăm từ bến sông qua “con đường Phật” về với Khu di tích Mỹ Sơn là cuộc hành hương khám phá những nét đẹp đặc sắc của văn hóa - nghệ thuật Chăm thuở nào.
Nhạc sĩ A mư-Nhân trong ca khúc “Nguồn cội” của mình đã viết: “Người ơi! Người có biết không? Tín ngưỡng dân gian gợi hồn dân tộc, nguồn gốc cha ông. Cây có cội, nước có nguồn, nước trong nguồn chảy ra dòng sông, như cánh đồng nuôi sống người dân. Trống gi-năng mừng hội Ka-tê, kèn sa-ra-nai gọi mùa xuân về. Apsara, apsara vũ nữ Chămpa, thần Siva từ bia đá xanh mãi in bóng hình trên tầng tháp xưa về muôn đời…”. Bài hát này được chọn đưa vào phim đã giúp người xem tiếp cận Mỹ Sơn theo chiều kích thời gian quá vãng để nói lời tri ân với tiền nhân và cũng là để ngợi ca một di sản được bảo tồn, trùng tu từ đổ nát tro tàn sau chiến tranh.
Dấu ấn của nền văn hóa Chămpa một thời rực rỡ không chỉ thể hiện trên những ngôi đền, bức tượng mà còn là những vũ điệu huyền bí cùng tiếng kèn như gọi thần linh vẫn vang lên giữa đất trời. Hoàng hôn đổ xuống, trời nhạt nắng, những tia nắng cuối ngày như luyến lưu từng phiến gạch nơi tháp cổ Mỹ Sơn. Và lòng người không nguôi cảm giác mơ màng về những nàng vũ nữ Apsara đầy mê hoặc. Đêm Mỹ Sơn huyền ảo. Tiếng dế vang lên giữa thinh không. Tiếng kèn sa-ra-nai mơ hồ vọng lại rồi những cánh tay vũ nữ Chăm uyển chuyển kéo màn đêm bao trùm đền tháp. Khung cảnh phim bấy giờ như hiện về ngàn năm quá khứ. Đêm ở Mỹ Sơn trong ánh lửa bập bùng, trong màn khói bay huyền ảo, như lạc giữa cõi tiên… Đêm Mỹ Sơn hay đêm cổ thi ru hồn người lữ khách. Đá mòn, rêu nhạt nhớ thương ai. Nghe trống lửa bập bùng, dập rờn áo hoa cung nữ lả lướt, dáng liêu trai… Mỹ Sơn huyền ảo như hiện về từ quá khứ. Ánh đuốc bập bùng soi rọi dòng người trên con đường “hành hương” vào Mỹ Sơn. Họ đi để tìm về một miền cổ tháp ngàn năm. Họ đi trong âm thanh của trống và kèn, của những giai điệu âm nhạc Chăm réo rắt và giục giã. Mỹ Sơn không chỉ ẩn chứa nghệ thuật kiến trúc siêu việt, giá trị thẩm mỹ, khảo cổ, lịch sử mà vượt lên trên hết thảy Mỹ Sơn hôm nay vẫn giữ lại được hồn cốt của ngàn năm văn hóa Chămpa.
Nhiều người đã bị cuốn vào câu chuyện phim để rồi chợt bừng thức khi những cảnh quay cuối cùng khép lại. “Khúc hành hương Mỹ Sơn” khép lại bằng cảnh cuối cùng là đoàn người hành hương về Mỹ Sơn cũng là lúc người xem chợt nhận ra mình vừa có một cuộc “hành hương” đầy thú vị..
NGỌC KẾT