Khúc mắc chuyện hướng dẫn viên

HƯƠNG THU 16/07/2016 10:09

Du lịch Việt Nam hiện nay còn nhiều bất cập về đội ngũ hướng dẫn viên (HDV). Số lượng, chất lượng chưa tương xứng với nhu cầu thị trường.

Theo Luật Du lịch, người nào có bằng đại học một ngành và có thêm chứng chỉ nghiệp vụ hướng dẫn du lịch là đủ điều kiện để cấp thẻ hành nghề HDV. Nếu những người tốt nghiệp từ khối ngành khoa học xã hội nhân văn như văn học, lịch sử, Việt Nam học, Đông phương học… còn nắm được ít nhiều về kiến thức lịch sử, văn hóa của Việt Nam; còn những người tốt nghiệp từ khối ngành khác thì hạn chế hơn. Nhưng chương trình đào tạo bồi dưỡng nghiệp vụ hướng dẫn cũng chỉ có vài chuyên đề cấp tốc như “Cơ sở văn hóa Việt Nam”, “Lịch sử Việt Nam”, “Tâm lý học du lịch”… Học trong 3 tháng.

Những người học chuyên ngành ngoại ngữ thì thường không chuyên về lịch sử, văn hóa Việt Nam; những người học chuyên về ngành lịch sử, văn hóa học, Việt Nam học, có khi là ngành du lịch thì lại không giỏi về ngoại ngữ. Đặc biệt người tốt nghiệp tiếng Trung thường hiểu rõ về đất nước Trung Quốc hơn là đất nước Việt Nam, bởi họ được tiếp cận môn học “Đất nước học Trung Quốc”, cho nên đã có tình trạng HDV mở miệng ra là “Trung Hoa vĩ đại” - một cụm từ “thâm căn cố đế” trong giáo trình của Trung Quốc. Đội ngũ HDV không am hiểu tường tận về đất nước Việt Nam thì khó mà hướng dẫn hiệu quả, đấy là chưa kể có khách “bẫy” hay “hỏi vặn” kiến thức về Việt Nam xét trong mối quan hệ lịch sử với Trung Quốc. Khách Trung Quốc đến du lịch Việt Nam chủ yếu nói tiếng Quảng Đông. Người học tiếng Trung thường chỉ học về tiếng phổ thông, khó có người nào sử dụng được tiếng Quảng Đông trong giao tiếp.

Tâm lý khách du lịch Trung Quốc thích có HDV người Trung Quốc hơn là HDV người Việt Nam. Vì họ cảm thấy an tâm và thoải mái trong mọi hành vi ngôn ngữ, động thái giao tiếp. Nếu gặp HDV người Trung Quốc nói được tiếng địa phương thì họ càng thích hơn nữa. Do vậy các công ty lữ hành thường tìm đến những HDV Trung Quốc mang từ trong nước sang hoặc đang “ẩn” ở Việt Nam. Mỗi tour tham quan, công ty lữ hành thường cử một trưởng đoàn kiêm luôn HDV du lịch. Để giảm bớt chi phí, công ty lữ hành khai thác hết công suất của trưởng đoàn, bởi nếu có thêm HDV người Việt phải mất 400 - 700 nghìn đồng/ngày.

Nói về sức bền lao động của đội ngũ HDV người Việt Nam, tôi thấy họ không bằng HDV người Trung Quốc. Người Trung Quốc luôn có một tư tưởng khách hàng là thượng đế, nên HDV phải lao động cật lực. Ngay cả khi đi trên xe, HDV người Trung Quốc cũng không ngừng ngơi nghỉ, miệng nói suốt hành trình. Điều này ít thấy trong hoạt động dẫn đoàn ở Việt Nam. HDV người Việt Nam không “giỏi” moi tiền khách hàng như là những HDV người Trung Quốc, do vậy doanh thu họ mang lại cho công ty lữ hành không cao...

HƯƠNG THU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khúc mắc chuyện hướng dẫn viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO