Khủng hoảng lương hưu được ví như “quả bom hẹn giờ” nếu như các chính phủ trên thế giới không có hành động cấp bách, kịp thời và hiệu quả.
Nhiều người cao tuổi tại Nhật Bản vẫn hăng say với công việc. Ảnh: AFP |
Khảo sát mới nhất của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) cho biết, các quỹ lương hưu công trên toàn cầu sẽ thiếu hụt đến 400 nghìn tỷ USD vào năm 2050, tăng gần 6 lần so với con số đang thiếu hụt là 70 nghìn USD. Nhiều nước sẽ không đủ khả năng để cung cấp 70% thu nhập trước nghỉ hưu cho mỗi một người lao động thông qua tiết kiệm cá nhân và quỹ hưu trí công. Những nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hà Lan, Canada, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ là những quốc gia đối mặt với tình trạng thiếu hụt lương hưu trầm trọng nhất. Riêng tại Anh, mức thâm hụt lương hưu hiện tại là 8 nghìn tỷ USD, nhưng sau đó sẽ tăng bình quân 4% mỗi năm, lên 33 nghìn tỷ USD trong vòng 40 năm tới. Nhưng Mỹ là nước đứng đầu thế giới thiếu hụt tiền hưu trí tiết kiệm - với 137 nghìn tỷ USD, sau đó là Trung Quốc - 119 nghìn tỷ USD.
Nguyên nhân chính gây áp lực cho các quỹ lương hưu là do tuổi thọ của con người gia tăng. Điển hình trong giai đoạn 5 năm từ 2000 - 2015, tuổi thọ trung bình của người dân trên toàn cầu đạt mức 71,4 tuổi và đang có xu hướng tăng thêm, do đó số người nhận lương hưu sẽ được kéo thêm nhiều năm. WEF cho hay, dân số thế giới đang già hóa với tốc độ chưa từng có và hiện tại 8,5%, nghĩa là hơn 600 triệu người đang ở độ tuổi từ 65 trở lên. Nếu xu hướng này tiếp tục thì đến năm 2050, số người cao tuổi trên thế giới là khoảng 2,1 tỷ người. Tại Nhật Bản, hiện 25% dân số nước này đã hơn 65 tuổi, tỷ lệ này được dự báo sẽ đạt 38% trong vòng 50 năm tới.
Do đó, WEF nhận định việc tăng thêm tuổi nghỉ hưu cho người lao động là vấn đề không tránh khỏi đối với nhiều quốc gia đang đứng trước nguy cơ vỡ quỹ lương hưu. Thậm chí, nhiều chuyên gia còn dự đoán độ tuổi về hưu cho người lao động trên thế giới vào năm 2055 sẽ rơi vào độ tuổi 69. Mới đây, các nước châu Âu tính đến chuyện tăng tuổi nghỉ hưu để bảo hiểm xã hội sau này đủ tiền trả lương hưu trí. Pháp ước tính, nếu từ bây giờ tăng dần độ tuổi nghỉ hưu từ 62 hiện nay lên 64, sau 20 năm nữa, mỗi năm nước Pháp sẽ có thêm hơn 30 tỷ USD. Trường hợp như nam giới Đức sẽ sống tới 88 tuổi và nữ giới thọ tới 91, vậy để quỹ lương hưu trí vận hành bình thường, tuổi nghỉ hưu sẽ phải là 71.
Trong khi nhiều chính phủ hiện gấp rút triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương như tăng độ tuổi lao động, dãn độ tuổi nhận lương hưu, dùng tiền tiết kiệm lương hưu để đầu tư sinh lời thì nhiều lao động cao tuổi tại nhiều nước vẫn tham gia lao động. Từ ngày 1.7 vừa qua, Singapore thông qua đạo luật nâng trần độ tuổi tái sử dụng lao động lên 67 tuổi, từ mức 65 tuổi trước đó, trong khi độ tuổi nghỉ hưu hiện nay ở Singapore vẫn là mức 62 tuổi. Tương tự, ngày càng có nhiều người Mỹ vẫn làm việc sau khi đã về hưu. Laudra, một người lao động 70 tuổi tại bang Philadelphia cho biết, khi điều kiện sức khỏe cho phép, những lao động cao tuổi có thể làm việc để cải thiện thu nhập, tham gia đóng góp các quỹ hưu trí tư nhân, tiết kiệm để đối phó với tình trạng khủng hoảng các quỹ lương hưu trí công… đã được cảnh báo.
QUỐC HƯNG