Trong khuôn khổ dự án An ninh y tế khu vực tiểu vùng Mê Kông mở rộng, Sở Y tế chủ trì, phối hợp với Sở NN&PTNT vừa tổ chức Hội nghị liên ngành y tế - thú y triển khai hoạt động phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người năm 2018; trong đó cần nâng cao ý thức của người dân để kiểm soát vấn đề này hiệu quả.
Cán bộ thú y khống chế chó để tiêm phòng bệnh dại. Ảnh: P.NAM |
Ông Nguyễn Văn Văn - Phó giám đốc Sở Y tế, chủ trì hội nghị cho rằng, công tác phòng chống bệnh lây truyền từ động vật sang người trong thời gian tới còn nhiều trở ngại, rất cần sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp chính quyền. Bên cạnh đó, các ngành y tế, thú y cần quan tâm đào tạo nâng cao năng lực kiểm soát dịch bệnh, phối hợp chặt chẽ trong công tác truyền thông, giám sát, trao đổi thông tin, xử lý các trường hợp bệnh, đảm bảo phòng chống dịch bệnh hiệu quả và bền vững.
Theo số liệu thống kê, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn tỉnh có 5 người mắc bệnh liên cầu khuẩn do lây truyền từ lợn, trong đó có 3 người tử vong, 2 người được cứu sống nhưng mang di chứng nặng nề. Điển hình là vào đầu tháng 2.2013, do tiếp xúc với lợn bị nhiễm liên cầu khuẩn khi giết mổ, bà P.T.N. (SN 1959, trú xã Đại Thắng) và ông N.Ng. (SN 1972, trú xã Đại Tân, cùng huyện Đại Lộc) đã tử vong. Thời điểm đó, bà N. mua 24 con lợn thịt của ông V.T.S. (SN 1970, trú xã Đại Tân) để mổ bán thịt cho người dân ăn tết. Sau khi giết mổ 5 con lợn, chiều 7.2.2013, bà N. bị nóng, sốt và được gia đình đưa đến Bệnh viện Bắc Quảng Nam để điều trị. Tại đây, bà N. được bác sĩ chẩn đoán bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn và tử vong vào ngày hôm sau. Sau khi bà N. mất, số lợn còn lại được chuyển cho ông Ng. để tiếp tục giết mổ. Cũng như bà N., chỉ hơn một ngày sau, ông Ng. bị tử vong với chẩn đoán tương tự. Theo kết quả xét nghiệm của cơ quan thú y, đàn lợn trên đã bị bệnh liên cầu khuẩn và đã lây nhiễm đến bà N. và ông Ng.
Về bệnh dại, trong 9 năm qua, cả tỉnh có 22 người tử vong do mắc bệnh dại vì bị chó hoặc mèo mang vi rút dại cắn. Ông Huỳnh Công Quang - Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho hay, cách phòng ngừa duy nhất là sau khi bị động vật mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn, cào, cấu thì đến ngay cơ sở y tế để được xử lý vết thương, tư vấn và điều trị dự phòng. Hiện đã có 16/18 huyện, thị trong tỉnh tổ chức điểm tiêm phòng bệnh dại sẵn sàng phục vụ nhu cầu người dân. Còn để phòng lây nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn thì người dân không được giết mổ lợn bệnh, chết, không chế biến thịt lợn khi có vết thương ở tay, không được ăn các sản phẩm từ lợn chưa qua nấu chín.
Đại diện Chi cục Chăn nuôi và thú y cho biết, năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch Chương trình quốc gia khống chế và tiến tới loại trừ bệnh dại giai đoạn 2017 - 2021 trên địa bàn tỉnh. Theo đó, các giải pháp tập trung ở việc quản lý chặt chẽ đàn chó nuôi, tiêm vắc xin phòng bệnh dại trên đàn chó, điều trị dự phòng cho người bị phơi nhiễm, công tác truyền thông, giám sát, điều tra và xử lý ổ dịch. Thực tế nhiều năm qua, tỷ lệ tiêm phòng bệnh dại trên đàn chó nuôi của tỉnh chỉ đạt 15 - 20%. Đây là một trong những thách thức, nguyên nhân chủ yếu do tập quán nuôi chó mèo, ý thức của người dân về phòng chống bệnh dại còn rất hạn chế. Bên cạnh đó, sự thiếu quan tâm của chính quyền, đoàn thể các địa phương, giá vắc xin cao cũng là nguyên nhân hạn chế tỷ lệ tiêm phòng... Ông Nguyễn Văn Hoàng - Chi cục phó Chi cục Chăn nuôi và thú y cho biết, đối với một số bệnh truyền nhiễm khác tuy chưa phát hiện trường hợp lây truyền từ động vật sang người ở Quảng Nam nhưng vẫn có nguy cơ xảy ra. Đáng lưu ý là bệnh cúm A/H5N1, là bệnh lây truyền từ gia cầm. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm phòng bệnh cúm trên đàn gia cầm hiện nay rất thấp. Người có thói quen ăn tiết canh, sản phẩm gia cầm chưa qua nấu chín hoặc người thường xuyên tiếp xúc với gia cầm có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh cúm A/H5N1, cần lưu ý phòng tránh.
PHƯƠNG NAM