Kiểm soát hàng tồn

TÙY PHONG 10/06/2015 09:55

Theo các cơ quan quản lý, hàng tồn kho và nợ xấu chính là hai điểm nghẽn cơ bản của nền kinh tế. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp cho rằng hàng tồn kho là một phần trong quá trình sản xuất của hầu hết doanh nghiệp. Vì vậy kiểm soát hàng tồn kho như thế nào mới là điều quan trọng.

Hàng tồn kho mang đặc thù của ngành nghề kinh doanh nên không phải cứ tồn kho thấp là tốt. Không thể nói tổng quát chung của nền kinh tế tồn kho bao nhiêu là vừa và bao nhiêu là cao hoặc quá thấp. Các doanh nghiệp thường giữ một lượng hàng tồn kho cần thiết, đủ để đáp ứng các hoạt động thường xuyên và dự phòng. Doanh nghiệp không giữ quá nhiều hoặc quá ít hàng tồn kho. Nếu nhiều thì chịu chi phí vốn (trả lãi vay), bảo quản, lưu kho, hao hụt, mất mát, sự lỗi thời của sản phẩm. Nếu quá ít hàng tồn kho sẽ dẫn đến những tổn thất về doanh thu nếu không đáp ứng kịp nhu cầu thị trường. Việc kiểm soát hàng tồn kho thường được tính toán thông qua hệ số quay vòng hàng tồn và mức hàng tồn kho tối ưu. Hệ số quay vòng hàng tồn kho càng cao thì cho thấy doanh nghiệp bán hàng nhanh và hàng tồn kho không bị ứ đọng nhiều. Có nghĩa doanh nghiệp sẽ ít rủi ro hơn nếu khoản mục hàng tồn kho trong báo cáo tài chính có giảm. Hệ số quá cao cũng không tốt (quay vòng nhanh) vì như vậy có nghĩa là lượng hàng dự trữ trong kho không nhiều. Nếu nhu cầu thị trường tăng đột ngột thì rất có khả năng doanh nghiệp bị đối thủ cạnh tranh giành thị phần.

Các giải pháp giải phóng hàng tồn kho thông thường là tổ chức lại và mở thêm kênh phân phối, đưa hàng tiêu dùng về nông thôn, giao hàng đến tay tận tiểu thương mà không qua trung gian. Giảm giá chi phí sản xuất để giảm giá bán sản phẩm, đàm phán với ngân hàng để thế chấp hàng tồn kho vay vốn (điều này rất khó xảy ra), khuyến khích các doanh nghiệp bán sản phẩm cho nhau. Cách xoay xở của nhiều doanh nghiệp cho thấy giải phóng hàng tồn kho nhiều hay ít, lệ thuộc vào chiến lược kinh doanh của công ty. Có lẽ các doanh nghiệp sẽ phải tỉnh táo để nhận ra rằng đầu tư sản xuất, kinh doanh phù hợp với “túi tiền” và sức cầu của thị trường mới là điều quan trọng chứ không phải cứ mở bung hết công suất để chờ đợi hay tính toán nghe ngóng về sức khỏe của thị trường.

Đề án “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2014 - 2020 có tổng kinh phí thực hiện lên 228,93 tỷ đồng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự kiến, sẽ có khoảng 80% hàng Việt chiếm thị phần vào năm 2020. Đề án này mở ra hy vọng hàng tồn kho không phải là điều nan giải, nhưng đó vẫn là chuyện của tương lai. Hiện tại, sức mua giảm mạnh, nguồn vốn eo hẹp, không ít doanh nghiệp lao đao với vòng luẩn quẩn: hàng tồn kho – thiếu vốn – vay vốn để sản xuất – lại tạo ra hàng tồn kho. Tại Quảng Nam, 96% doanh nghiệp là nhỏ và vừa, không phải lúc nào doanh nghiệp cũng tính toán kỹ lưỡng về chiến lược đầu tư. Vốn liếng yếu ớt, một khi lượng hàng tồn kho lớn không thể quay vòng là lập tức rơi vào khủng hoảng. Vì vậy hàng tồn kho không còn là nỗi lo riêng của doanh nghiệp.

TÙY PHONG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiểm soát hàng tồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO