Kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc: Phát hiện nhiều vụ vi phạm

25/01/2016 09:42

Tết Nguyên đán là thời điểm mà nhu cầu sử dụng các sản phẩm từ gia súc, gia cầm tăng đột biến, vì vậy hoạt động vận chuyển, giết mổ trở nên phức tạp. Thời gian qua, lực lượng chức năng đã tăng cường kiểm soát ở lĩnh vực này và phát hiện nhiều vụ vi phạm.Kiểm soát vận chuyểnĐể đảm bảo an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng trong dịp Tết Bính Thân, ngay từ tháng 12.2015, Chi cục Thú y đã tăng cường kiểm soát hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Ông Châu Ngọc Phương - Trưởng trạm Kiểm dịch động vật Dốc Sỏi cho biết, từ tháng 1.2016, số lượt phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật theo quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh bắt đầu tăng và dự báo sẽ tăng cao từ đây đến tết. “Chúng tôi luôn túc trực 24/24 để kiểm tra nghiêm ngặt các hoạt động vận chuyển động vật, sản phẩm động vật qua trạm nhằm nâng cao hiệu quả công tác kiểm dịch, đảm bảo nguồn thực phẩm an toàn trong dịp tết” - ông Phương nói.Tiêu độc, khử trùng phương tiện vận chuyển động vật.Ảnh: PHƯƠNG NAMCùng với lực lượng thú y, cơ quan công an cũng đẩy mạnh việc kiểm tra  vận chuyển sản phẩm động vật qua công tác tuần tra, kiểm soát giao thông. Thượng tá Phan Thanh Hồng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) Công an tỉnh cho biết, thời gian qua, lực lượng CSGT liên tục phát hiện các xe vận chuyển thịt thối, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Gần đây nhất là ngày 14.1, Trạm CSGT Thăng Bình (thuộc Phòng CSGT Công an tỉnh) đã phát hiện 2 xe tải có BKS 51C-256.60, 43C-093.19 vận chuyển 3,5 tấn thịt, nội tạng, mỡ động vật không rõ nguồn gốc và bốc mùi hôi thối đang trên đường đưa đi tiêu thụ. Trước đó, ngày 10.1, lực lượng CSGT trạm Thăng Bình cũng phát hiện xe khách BKS 92K-5176 chở 4 bao nội tạng và mỡ động vật với trọng lượng 400kg đã bốc mùi hôi thối. Ngày hôm sau, lực lượng CSGT cũng phát hiện xe khách BKS 99B-004.32 chở 2 thùng thịt động vật có trọng lượng 140kg không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ...Theo Thượng tá Hồng, trước Tết Nguyên đán là mùa cao điểm của các đối tượng buôn bán, vận chuyển thịt động vật. Nhiều người đã bất chấp sức khỏe của người dân để mua bán, vận chuyển thịt thối, không có nguồn gốc xuất xứ. Do đó công tác tuần tra, kiểm soát các phương tiện vận tải cũng được đơn vị quan tâm nhằm ngăn chặn hành vi vận chuyển của các đối tượng này. Tất cả trường hợp trên đã được Phòng CSGT phát hiện kịp thời và chuyển cho cơ quan chức năng xử lý nghiêm.Quản lý hoạt động giết mổÔng Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh cho biết, từ cuối tháng 12.2015, chi cục đã thành lập đoàn công tác kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ trên địa bàn tỉnh. Trong các ngày 19 và 21.1, đoàn kiểm tra của chi cục đã phát hiện 4 cơ sở giết mổ có hành vi bơm nước vào cơ thể bò trước khi giết mổ, gồm: cơ sở tại thôn Phù Sa, xã Quế Xuân 1 (huyện Quế Sơn) do ông Phạm Dũng làm chủ, cơ sở tại thôn Thi Thại, xã Duy Thành (huyện Duy Xuyên) do ông Lê Trung Bình làm chủ, cơ sở tại thôn Đình An, thị trấn Nam Phước (huyện Duy Xuyên) do ông Văn Công Đoan làm chủ và cơ sở giết mổ bò tại thôn Phong Thử, xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn) do ông Lê Ngọc Dũng làm chủ.Ông Nguyễn Văn Hoàng - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, tại hiện trường, nhiều con bò bị bơm đầy nước khiến vùng bụng căng phồng, chất chứa trong dạ dày trào ngược ra bên ngoài. Điều đáng nói, mặc dù cơ quan chức năng đã nhiều lần tuyên truyền, nhắc nhở nhưng các cơ sở này vẫn cố tình vi phạm. Tính đến sáng 22.1, mỗi cơ sở vi phạm nêu trên đã bị xử phạt 5,5 triệu đồng theo Nghị định 119/2013/NĐ-CP ngày 09.10.2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y, giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi. Một chủ cơ sở giết mổ cho biết, mỗi con bò, trâu sau khi được bơm nước tăng khoảng 20% trọng lượng cơ thể, giúp chủ thu lợi thêm 2 - 3 triệu đồng. Do lợi nhuận cao nên nhiều chủ giết mổ đã cố tình thực hiện hành vi này.Theo Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), việc bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ là hành vi gian lận thương mại và gây mất an toàn thực phẩm. Lượng nước bẩn bơm vào nhiều gây áp suất thẩm thấu rất lớn, các loại vi khuẩn gây bệnh tiêu chảy như Vibrio cholera, E.coli… và các chất độc hại từ nguồn nước bẩn cũng được hấp thu cùng, làm cho thịt bị nhiễm bẩn, thậm chí có mùi hôi, thịt rất mau hỏng và mất giá trị dinh dưỡng. Cũng theo Cục Thú y, nếu giết mổ gia súc bình thường, thịt sẽ có độ săn chắc nhất định. Sờ vào thớ thịt cảm giác đàn hồi, khô và dính. Miếng thịt có thớ thịt nhỏ, ánh màu sáng, sờ tay có độ dẻo dính. Lấy tay ấn lên miếng thịt sẽ thấy bề mặt tạo thành vết lõm và nhanh chóng đàn hồi khi nhấc tay ra. Thịt từ gia súc bị bơm nước trước khi giết mổ có màu thịt nhợt nhạt hơn, để 1 - 2 giờ thịt rỉ nước ra nhiều hơn bình thường. Thịt bị bơm nước thì không có độ dẻo, khi ấn tay vào thấy bùng nhùng, quan sát kỹ sẽ thấy nước rỉ ra. Người tiêu dùng cần biết cách phân biệt, tránh mua phải thịt có chất lượng kém từ gia súc bị bơm nước. Người kinh doanh sản phẩm thịt cũng cần tìm hiểu về tác hại của việc bơm nước vào gia súc trước khi giết mổ, không tiếp tay cho hành vi gian lận thương mại và gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm này.Theo ông Nam, từ nay đến Tết Nguyên đán, đoàn công tác sẽ liên tục đi thanh tra, kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm quy trình kiểm soát giết mổ, quy định về vệ sinh thú y trong lĩnh vực giết mổ. Đặc biệt xử lý nghiêm đối với hành vi bơm nước vào cơ thể gia súc trước khi giết mổ, góp phần đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, chống gian lận thương mại, bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.PHƯƠNG NAM
(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiểm soát hoạt động vận chuyển, giết mổ gia súc: Phát hiện nhiều vụ vi phạm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO