Kiểm soát khai thác vàng?

C.B.L 02/10/2018 01:45

Quảng Nam là một trong những địa phương có trữ lượng vàng lớn nhất miền Trung. Ngoài 2 mỏ vàng lớn nhất cả nước là Bồng Miêu của huyện Phú Ninh và Đắk Sa - Phước Sơn, hầu hết 9 huyện miền núi của tỉnh đều có các điểm quặng vàng nằm rải rác tại các sông suối. Nhiều năm nay, Quảng Nam là điểm nóng về khai thác vàng. Dù lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt, địa phương đồng loạt ra quân đẩy đuổi, truy quét… nhưng tình trạng khai thác vàng đâu lại vào đó. Điều này đặt ra câu hỏi, liệu đã kiểm soát được hoạt động khai thác vàng hay chưa?

Nếu ai đó một lần đặt chân đến huyện Phước Sơn - nơi được xem là thủ phủ vàng thì không khó trả lời câu hỏi này. Trên địa bàn Phước Sơn hiện có hàng chục điểm khai thác vàng quy mô lớn nhưng chỉ 5 điểm mỏ có giấy phép khai thác. Hầu hết bãi vàng hoạt động hết công suất. Ở xứ vàng Phước Sơn, các doanh nghiệp được cấp phép và không phép đều giống nhau ở quy trình khai thác và gây ô nhiễm môi trường. Nhiều điểm khai thác vàng tại các xã Phước Hiệp, Phước Xuân, Phước Thành đều dùng hóa chất cyanua và thủy ngân không qua bể lắng, xử lý chất thải mà đổ thẳng ra môi trường. Có một điều bất thường là các doanh nghiệp khai thác vàng không có giấy phép thì làm sao mua được chất cấm như cyanua và thủy ngân để tuyển vàng? Chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu chuyện mua bán loại hóa chất cấm nguy hại này.

Không những khai thác vàng đầu độc môi trường, các bãi vàng được xem là “địa ngục vàng” giữa đại ngàn Trường Sơn. Mới đây, lãnh đạo huyện Phước Sơn khẳng định, các công ty khai thác vàng đăng ký 60 người làm vàng nhưng thực chất con số có thể gấp đôi. Khi vào kiểm tra, các ông chủ vàng đưa quân vào lánh trong hầm vàng thì khó mà quản lý được. Chính việc không quản lý nên các bãi vàng có thể là nơi các đối tượng phạm pháp ẩn cư. Mặt khác, do cơ quan chức năng không thể quản lý được nên tình trạng bóc lột, bạo hành người làm vàng thuê là chuyện thường ngày. Tại các bãi vàng huyện Phước Sơn, không ít phu vàng đã trốn thoát khỏi “địa ngục vàng” trước khi bị vắt kiệt sức. Việc người làm vàng thuê trốn khỏi các bãi vàng là điều dễ hiểu bởi khai thác vàng được xem là hoạt động nguy hiểm nhất trong nghề khai thác mỏ. Con số 27 người chết trong 5 năm gần đây tại các hầm vàng ở Quảng Nam chỉ là con số bề nổi. Thực tế có bao nhiêu người chết thì khó mà thống kê được bởi sự việc xảy ra trong rừng sâu núi thẳm, nhiều khi chủ hầm vàng thương lượng với gia đình là coi như xong.

Mới đây, đoàn công tác của HĐND tỉnh kiểm tra thực tế tại một số bãi vàng ở huyện Phước Sơn và đã chỉ ra nhiều sai phạm. Bằng mắt thường có thể nhận thấy, vấn đề xử lý chất thải nguy hại là sai phạm lớn nhất, dù các doanh nghiệp đã được cấp phép. Mặt khác, có một thực tế là vàng đã mang lại cơ hội làm giàu cho một vài ông chủ nào đó nhưng đã để lại nhiều hệ quả nặng nề về xã hội mà trực tiếp gánh chịu là người dân địa phương. Vì vậy, việc kiểm soát hoạt động khai thác vàng, không thể là chỉ kiểm tra bề nổi.

C.B.L

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kiểm soát khai thác vàng?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO