Thương mại điện tử đã trở thành xu hướng mua bán tất yếu của người tiêu dùng bởi thuận tiện, tuy nhiên hình thức này cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro nên các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh cần chú trọng kiểm soát bằng giải pháp thiết thực.
Thương mại điện tử có cả ưu và nhược điểm. Ảnh: QUANG VIỆT |
Tiện ích và rủi ro
Thông qua các loại thẻ tín dụng thông minh của các chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh, người tiêu dùng đã có nhiều lựa chọn mua sắm trực tuyến. Mới đây, chị Phan Thị Hồng Nhung (phường Cẩm Nam, TP.Hội An) chỉ tốn 5 phút để chọn sản phẩm, điền các thông tin cần thiết vào trang mạng Amazon, đăng ký mua máy tính xách tay chính hãng Dell xuất xứ từ nước Mỹ. Qua thẻ tín dụng quốc tế Vietcombank MasterCard Debit, chị Nhung nhanh chóng thanh toán chi phí. Nhân tiện có người bạn từ Mỹ về nước, chị Nhung đã nhờ bạn mình nhận hàng, đem về giúp. “Quá nhanh, quá tiện lợi lại tiết kiệm, an toàn. Nếu không mua sắm trực tuyến bằng thẻ tín dụng ngân hàng thì rất khó được dịp sử dụng máy tính xách tay chất lượng do doanh nghiệp của nước Mỹ sản xuất” - chị Nhung nói. Còn chị Hoàng Hà Thanh Tú (phường Tân Thạnh, TP.Tam Kỳ) lại chuộng thương mại điện tử hơn mua sắm hàng hóa ở các chợ, siêu thị trên địa bàn. Chỉ cần ngồi ở nhà, chị có thể lướt qua hàng trăm trang mạng bán hàng trực tuyến trong và ngoài nước. Cùng một loại sản phẩm, chị có hàng loạt sự lựa chọn tối ưu cho mình. Việc thanh toán chi phí cũng dễ dàng vì có thể thanh toán trực tuyến qua đăng ký dịch vụ của ngân hàng hoặc trao tiền mặt khi nhận hàng.
Qua các trang mạng xã hội, nhất là Facebook, có hàng nghìn dịch vụ quảng bá, bán hàng trực tuyến. Không ít người tiêu dùng vì dễ dãi tin vào những mẫu quảng cáo, đã phải trả giá khá đắt khi mua hàng trực tuyến. Mới đây, chị Nguyễn Thu Thảo (phường An Mỹ, TP.Tam Kỳ) đã phát hoảng vì món hàng mua trên mạng xã hội với giá gần 2 triệu đồng nhưng chỉ sử dụng được 1 ngày. “Tôi cứ nghĩ thời trang cao cấp vì họ quảng cáo không thể hay hơn. Vì cả tin nên tôi phải trả giá quá đắt khi trang bán hàng trên mạng đã mất tăm sau khi mình nhập vào địa chỉ cũ” - chị Thảo nói. Bà Đỗ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý công nghiệp (Sở Công Thương) cho rằng, thương mại điện tử là con dao 2 lưỡi. Rủi ro là người tiêu dùng khó nhận biết nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm khi mua sắm trực tuyến. Trên các trang mạng xã hội, những địa chỉ thương mại điện tử thoắt ẩn, thoắt hiện, không biết đâu mà truy tìm khi xảy ra sự cố. “Chúng tôi chưa nhận yêu cầu giúp đỡ, khiếu nại, khiếu kiện của người tiêu dùng khi mua sắm trực tuyến. Kinh doanh thương mại điện tử hiện nay do Bộ Công Thương cấp phép nên chúng tôi khó quản lý” - bà Hiền nói.
Kiểm soát chặt
Cần đánh giá đúng hoạt động thương mại điện tử Theo ông Đoàn Ngọc Sơn, thương mại điện tử là hình thức kinh doanh vẫn còn mới mẻ ở Quảng Nam. Loại hình này không giới hạn về không gian, thời gian, hàng hóa giao dịch có thể đặt ở bất cứ đâu, thậm chí từ nước ngoài chuyển về Việt Nam. Đến thời điểm này, các quy định về quản lý thương mại điện tử vẫn còn nhiều kẽ hở, chưa phù hợp với thực tế phát triển. Nên chăng có tọa đàm, hội nghị, hội thảo với sự góp mặt của nhiều chuyên gia, ngành chức năng, các doanh nghiệp, cá nhân, tổ chức có liên quan để nhận diện lại các thách thức, qua đó có các giải pháp phù hợp để phát huy các thế mạnh, hạn chế các vướng mắc, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ người tiêu dùng. |
Theo ông Đoàn Ngọc Sơn - quyền Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Quảng Nam, người tiêu dùng cẩn trọng khi mua sắm trực tuyến vì thương mại điện tử tiềm ẩn quá nhiều rủi ro. Ngành chức năng khuyến cáo, người dân chỉ nên lựa chọn các trang mạng kinh doanh trực tuyến có uy tín để mua sắm. Để bảo vệ mình, khách hàng không nên thanh toán trực tuyến qua các dịch vụ của ngân hàng; khi chưa nhận hàng, chưa nên thanh toán chi phí. Theo ông Sơn, đơn vị đang triển khai đợt cao điểm chống kinh doanh, buôn bán trực tuyến trái phép. Các hình thức sai phạm sẽ được xử lý nghiêm vì trong bối cảnh người tiêu dùng bị lợi dụng gây nên không ít thiệt hại nặng nề. Để nâng cao tính hiệu quả, ngành quản lý thị trường phối hợp với các lực lượng công an của tỉnh để có thể xử lý các sai phạm nghiêm trọng của hình thức thương mại điện tử.
Thất thu thuế là thực trạng đáng báo động của hoạt động thương mại điện tử không đúng quy định của pháp luật. Ông Lương Đình Đường - Phó Cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam cho biết, sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn hoạt động kinh doanh qua mạng, buôn bán trực tuyến. Theo đó rà soát, yêu cầu các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, các tài khoản phải liên hệ với ngành thuế để đăng ký, kê khai thuế. Có buôn bán, kinh doanh trên mạng, hoạt động thương mại điện tử phải đóng thuế đúng quy định. Không thể để chây ỳ nộp thuế, truy thu thuế sẽ được tiến hành gắt gao trong thời gian đến. Theo Cục Thuế Quảng Nam, để ổn định thương mại điện tử thì nhất thiết phải có sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng của tỉnh, địa chỉ nào hoạt động sai thì phải xử lý mạnh tay để răn đe, chấn chỉnh.
VIỆT NGUYỄN