Biên chế ít; không có cơ chế chính sách cho ủy viên ủy ban mặt trận; chưa có văn bản quy định thống nhất mức thu quỹ vì người nghèo… là những nội dung phản ánh của các đại biểu đến ông Hầu A Lềnh - Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tại hội nghị tổng kết công tác mặt trận Cụm duyên hải miền Trung năm 2019 diễn ra sáng qua 10.12, tại TP.Hội An.
Báo cáo tổng kết tại hội nghị cho biết, trong năm qua, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp Cụm duyên hải miền Trung (gồm Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và Khánh Hòa) đạt được nhiều kết quả tốt. Thông qua việc phối hợp với chính quyền và hiệp thương, phối hợp với các tổ chức thành viên đã tổ chức thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước mang lại hiệu quả thiết thực; công tác giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền ngày càng được Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chú trọng.
Ủy ban MTTQ các tỉnh trong cụm đã chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức tốt các hoạt động tuyên truyền những ngày lễ lớn của đất nước, của địa phương cũng như chủ trương, đường lối, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước với nhiều hình thức và nội dung phong phú.
Năm 2019, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với Báo Quảng Nam mở thêm chuyên trang “Đại đoàn kết” (hằng tuần); nâng cao chất lượng nội dung và hình thức chuyên mục “Đại đoàn kết” trên Đài PT-TH tỉnh.
Đặc biệt, công tác vận động xây dựng Quỹ vì người nghèo khá hiệu quả. Năm nay, Quảng Nam vận động hơn 39,3 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng mới và sửa chữa 458 nhà, hỗ trợ khác 9,4 tỷ đồng. Một số tỉnh trọng cụm cũng tổ chức huy động tốt như Quảng Ngãi (hơn 40 tỷ đồng), Bình Định (hơn 12,66 tỷ đồng), Phú Yên (hơn 14,5 tỷ đồng), Khánh Hòa (hơn 9,8 tỷ đồng)…
Tuy vậy, trong tổ chức hoạt động của Ủy ban MTTQ Việt Nam các tỉnh cũng gặp những khó khăn, nhất là về biên chế, khi chủ trương sắp xếp, tinh giảm được triển khai. Theo ông Võ Xuân Ca - Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN tỉnh Quảng Nam, so với nhiệm vụ được giao, biên chế của Ủy ban MTTQ tỉnh rất thiếu.
“Tôi thấy 70 - 80% nghị quyết Trung ương đều có câu Mặt trận và các đoàn thể, tổ chức xã hội giám sát nghị quyết này. Tuy nhiên, bộ máy của chúng ta thực sự không thống nhất, mỗi nơi làm mỗi kiểu, tôi đề nghị chúng ta nên đi theo hướng tổ chức bộ máy mở, không nên khép kín như một phòng của cơ quan quản lý nhà nước. Chưa kể, nếu sắp xếp lại ban thường trực chắc không còn mấy người. Đừng nghĩ Mặt trận giống như các cơ quan quản lý nhà nước” - ông Ca nói.
Ngoài ra, ông Ca cũng cho rằng, vấn đề huy động quỹ vì người nghèo hiện nay cũng còn lấn cấn, chồng chéo do chưa có văn bản pháp lý rõ ràng, thống nhất từ trung ương xuống địa phương khiến việc thu quỹ người nghèo có nhiều bất cập.
Đồng tình với các ý kiến trên, bà Trương Thị Lộc – Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Quảng Nam cho rằng, việc quy định biên chế cho Ủy ban MTTQ Việt Nam cần nghiên cứu lại. Bởi, dù được xem là “tứ trụ” (cùng với Tỉnh ủy, HĐND, UBND) nhưng cộng cả lái xe, tạp vụ của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh số người chỉ trên 20, trong khi công việc rất nhiều.
“Với số biên chế như trên, tôi nghĩ chưa thể dùng từ “ủy ban” được, vì ủy ban ít nhất cũng phải 30 - 45 người nên trung ương cần phải nghiên cứu. Tinh giảm biên chế, sáp nhập là phải làm từ trung ương, sau đó mới đến địa phương. Mặt trận tham gia rất nhiều công việc, giám sát việc thực hiện nhiều chính sách nhưng biên chế ít, khó thể hoàn thành được nhiệm vụ” - bà Lộc nói.
Bên cạnh đó, bà Lộc cũng cho rằng, trung ương cũng nên có cơ chế chính sách cho ủy viên ủy ban MTTQ bởi cũng công việc và vai trò gần như nhau nhưng cấp ủy có phụ cấp còn ủy viên mặt trận thì không có, khiến chính sách chưa nhất quán.
Theo ông Hầu A Lềnh, việc đưa ra chỉ tiêu Quỹ vì người nghèo trung ương không quy định, kể cả quy định một ngày lương, hầu hết do tự nguyện. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp đã thống nhất với UBND về chỉ tiêu hàng năm để trình HĐND đưa ra định mức. Dù vậy, Ủy ban MTTQ Việt Nam cũng sẽ tính toán, nghiên cứu lại việc này. Đặc biệt, với vấn đề biên chế, sắp tới cũng sẽ có sự thay đổi, Ban Bí thư cũng vừa họp xong vấn đề này, nhưng chắc chắn sự thay đổi phải phù hợp với các hệ thống khác chứ Mặt trận không thể đứng độc lập và có cơ chế đặc thù được.