Được xác định là xu hướng tương lai nhưng do tâm lý du khách nội địa chưa có nhiều thay đổi, đặc biệt sự cạnh tranh với các loại hình du lịch truyền thống khác khiến mục tiêu phát triển du lịch xanh tương đối khó khăn.
Tăng cường truyền thông
Cuối tuần này, gia đình ông Nguyễn Văn Trung (Đà Nẵng) và nhóm bạn sẽ vào Hội An du lịch. Điểm đến lưu trú là một khách sạn vùng ven có hồ bơi và không gian thoáng rộng.
Theo ông Trung, lý do của việc chọn điểm đến này vì có không gian rộng rãi cho trẻ em chơi, đặc biệt giá phòng tương đối rẻ. “Thật sự chúng tôi không biết du lịch xanh là gì. Chỗ nào giá cả hợp lý, dịch vụ tốt là chúng tôi chọn” - ông Trung nói khi được hỏi về du lịch xanh.
Quảng Nam đang xây dựng điểm đến du lịch xanh, nhưng thực tế không phải ai cũng hiểu và quan tâm đến mục tiêu này.
Ông Lê Hoàng Hà - Giám đốc Công ty Du lịch Emic Travel thừa nhận, khó nhất hiện nay là thị trường khách do nhiều người Việt không hiểu hết những giá trị mà du lịch xanh mang lại.
“Với du khách châu Âu, việc tham gia, trải nghiệm du lịch xanh đã quá quen thuộc. Chưa kể ở châu Âu thường có các đơn vị trung gian đánh giá và cấp chứng nhận cho những công ty du lịch phát triển sản phẩm du lịch xanh, bền vững nên thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.
Tuy nhiên, với chúng ta điều này còn khá mới mẻ, bởi không phải khách nội địa nào cũng quan tâm đến du lịch xanh. Vì vậy trong giai đoạn này việc khai thác sản phẩm du lịch xanh của doanh nghiệp chắc chắn khó khăn do lượng khách quốc tế chưa đông, nên chúng tôi phải kiên trì” - ông Hà phân tích.
Emic Travel hiện khai thác 6 tour du lịch xanh theo hướng sinh thái bền vững đến các điểm xung quanh Hội An như làng rau Thanh Đông (Cẩm Châu), rừng dừa nước Cẩm Thanh, làng du lịch cộng đồng Triêm Tây, làng du lịch cộng đồng Cẩm Phú (Điện Phong, Điện Bàn)… Khách hàng chủ yếu là người nước ngoài nhưng số lượng khá ít, khách Việt hầu như không có.
Theo ông Trần Lực - Phó Giám đốc Saigontourist chi nhánh Đà Nẵng, không chỉ khách Việt mơ hồ với du lịch xanh, nhiều doanh nghiệp lữ hành cũng hiểu đơn giản về loại hình du lịch này.
“Hầu hết họ nghĩ du lịch xanh chỉ là sinh thái, làng quê, núi rừng; ở đó có không gian xanh, cây lá xanh để tới chụp ảnh, chứ chưa quan tâm tiêu chí xanh là thế nào, việc áp dụng ra sao” - ông Lực nói.
Ông Lực đề xuất ngành du lịch cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông, từng bước thay đổi nhận thức, thói quen của du khách và doanh nghiệp về xu hướng du lịch này.
Phát triển song hành du lịch truyền thống
Cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh đã công bố Bộ tiêu chí du lịch xanh Quảng Nam gồm 6 lĩnh vực cho các loại hình: khách sạn, homestay, khu nghỉ dưỡng sinh thái, điểm du lịch dựa vào cộng đồng, lữ hành và điểm tham quan.
Nội hàm mục tiêu du lịch xanh hướng đến 3 thành tố trụ cột gồm: đảm bảo phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và cảnh quan thiên nhiên, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa đặc trưng của Quảng Nam nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.
Tham gia thực hiện đúng tiêu chuẩn bộ tiêu chí sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững khi tiết kiệm chi phí vận hành, đảm bảo chất lượng dịch vụ, sản phẩm, đặc biệt xây dựng thương hiệu bền vững khi góp phần bảo vệ môi trường, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Ông Phan Xuân Thanh - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Nam cho rằng, mặc dù Nhà nước có nhiều văn bản hướng dẫn và cơ chế hỗ trợ phát triển du lịch xanh, nhưng để thực hiện thành công du lịch xanh là hành trình không dễ dàng. Để đạt được lợi ích lâu dài, doanh nghiệp phải có quyết tâm chuyển đổi mô hình phát triển, kể cả hy sinh những lợi ích trước mắt.
Hiện có khoảng 10 doanh nghiệp du lịch đăng ký tham gia thực hiện theo bộ tiêu chí du lịch xanh. Theo ông Thanh, khó thể làm một lần vì phải đánh giá kết quả sau khi doanh nghiệp thực hiện để đảm bảo chỉn chu, hoàn thiện trước khi mở rộng quy mô.
“Chúng ta có thể làm từ từ, kết hợp dung hòa giữa du lịch xanh với các mô hình du lịch truyền thống để dần thay đổi và đạt được mục tiêu đề ra” - ông Thanh chia sẻ.
Ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định, Quảng Nam sẽ kiên trì với mục tiêu du lịch xanh. Thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản phân công chỉ đạo các sở ngành liên quan, nhất là các cơ quan, đơn vị, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp, kể cả cộng đồng nhân dân cùng vào cuộc đồng hành phát triển du lịch xanh dựa trên lợi ích hài hòa của các bên liên quan.
Đồng thời, gắn với đó là các tiêu chí, phân công cụ thể, thực hiện kiểm tra giám sát, hướng dẫn đôn đốc…, từng bước thực hiện đúng và tốt mục tiêu xây dựng Quảng Nam thành điểm đến du lịch xanh những năm tới.