Với ngư dân, “tàu là nhà, biển cả là quê hương” lại càng có ý nghĩa hơn trong những ngày lao động nặng nhọc nhưng đầy kiêu hãnh trên biển. Đêm giao thừa giữa trùng khơi, ai cũng nhớ nhà, nhớ người thân, các tàu quây quần lại cùng đón năm mới nên nỗi nhớ cũng qua đi rất nhanh. Ngày đầu năm mới, cũng chính họ là những người đầu tiên nhìn thấy mặt trời.
Hành trang ra khơi lần này của tàu cá QNa 91739 (công suất 600CV) do anh Ngô Văn Điệp ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành làm chủ tàu kiêm thuyền trưởng cùng với 14 thuyền viên khác hẳn những chuyến đi biển dài ngày trong năm. Ngoài lương thực, thực phẩm và các mặt hàng thiết yếu đảm bảo sức khỏe lao động dài ngày trên biển, chuyến đi biển lần này còn có thêm cả bia, rượu, nước ngọt, hạt dưa, bánh kẹo để “ăn tết trên biển cũng như ăn tết ở nhà”. Chuẩn bị đầy đủ hành lý và bữa tiệc nhỏ ngay trên tàu, anh Điệp triệu tập 14 thuyền viên lên tàu và đưa ra lời đề nghị, năm nay chúng ta tiếp tục đón tết trên biển, người nào không tham đón tết trên biển cũng không có vấn đề gì, sau tết sẽ tiếp tục làm việc trên chiếc tàu này. Tuy nhiên, sau lời đề nghị của thuyền trưởng, tất cả 14 lao động trên con tàu chuyên hành nghề vây tuyến khơi dài ngày đều vui vẻ đồng ý tham gia. Anh Điệp cho biết, nếu như trong những chuyến đi biển khác trong năm, sau khi trừ chi phí sản xuất, chủ tàu và người lao động ăn chia theo tỷ lệ 6/4 thì trong chuyến biển vào những ngày tết, việc phân chia lợi nhuận cũng theo tỷ lệ 6/4 nhưng người lao động được chia phần nhiều hơn, đây cũng chính là một trong những lý do khiến người lao động vui vẻ đón tết ngay trên biển.
Ra khơi. |
Là lao động lớn tuổi nhất trên tàu, lão ngư Đinh Văn Chiến có 73 tuổi đời và hơn 50 năm gắn bó với nghề biển tâm sự: “Đi biển đã trở thành nhu cầu không thể thiếu của ngư dân. Cứ sau mỗi chuyến ra khơi, khi về đất liền chuẩn bị cho chuyến kế tiếp là nôn nao nhớ biển. Thường vào dịp tết là khoảng thời gian giao mùa giữa các vùng thời tiết trên biển nên việc khai thác hải sản có hiệu quả hơn những chuyến biển khác trong năm”. Thành viên trẻ tuổi nhất trên tàu cá QNa 91739, Nguyễn Văn Phước vừa buộc xong lá cờ Tổ quốc trên đỉnh cột buồm, tâm sự: “Đi biển đã nhiều năm nhưng đây là lần đầu tiên em theo các chú các anh ăn tết trên biển nên cũng háo hức lắm. Chuyến đi biển này kéo dài khoảng hơn một tháng nên khi trở về đất liền vẫn còn xuân, vẫn còn đi chơi được, như vậy mình được ăn tết đến 2 lần”.
Cũng ra khơi đánh bắt trên biển ngày tết, anh Huỳnh Văn Bính - thuyền trưởng tàu cá QNa 91069 (công suất xấp xỉ 700CV, ở xã Tam Hải, huyện Núi Thành) cho biết, ngoài việc đầu tư lắp đặt đầy đủ các phương tiện đi biển hiện đại như máy bộ đàm, máy tầm ngư, máy định vị, đây là phương tiện đánh bắt đầu tiên ở Quảng Nam được Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh trang bị máy dò ngang để hành nghề vây rút chì ở tuyến khơi. Trong khi đó tàu của anh Võ Hồng Nhân được Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư tỉnh cho áp dụng thí điểm mô hình lưới rê hỗn hợp trên tàu khai thác hải sản xa bờ. Nhận xét về các mô hình áp dụng công nghệ mới này vào quá trình hành nghề trên biển, các chủ tàu này cho biết, những mô hình đã tạo điều kiện cho ngư dân tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới vào khai thác, nâng cao hiệu quả kinh tế sau mỗi chuyến ra khơi. Hai mô hình này lần đầu tiên được triển khai trên phương tiện của ngư dân Quảng Nam. So với 3 chuyến biển khai thác gần kề, việc lắp máy dò ngang mang lại hiệu quả khai thác tăng thêm 20 - 25% trong cùng thời gian đi biển.
Thuyền trưởng Huỳnh Văn Bính cho biết thêm, trong chuyến khai thác hải sản dịp tết năm nay, có ít nhất từ 8 đến 10 đôi tàu của ngư dân trong nghiệp đoàn nghề cá Tam Hải tham gia. Đêm giao thừa trên biển, anh em ai cũng nhớ nhà, nhớ người thân, các tàu thường quây quần lại gần nhau để cùng đón năm mới nên nỗi nhớ cũng qua đi rất nhanh. Ngày đầu tiên của năm mới, ngư dân trên biển là những người nhìn thấy mặt trời sớm nhất. Đứng trên mũi tàu, nhìn lá cờ Tổ quốc được treo trang trọng trên đỉnh cột buồm phần phật tung bay trong nắng, thuyền trưởng Ngô Văn Điệp nói: “Ngày càng có nhiều ngư dân tham gia lao động và đón tết cổ truyền ngay trên các ngư trường truyền thống thuộc các vùng biển xa. Không những thời gian bám biển của các tàu cá kéo dài thêm ra, hiệu quả khai thác nguồn lợi thủy sản lớn hơn mà còn thể hiện sự hiện diện thường xuyên “người của mình” trên các vùng biển khơi xa của Tổ quốc. Với ngư dân, “tàu là nhà, biển cả là quê hương” lại càng có ý nghĩa hơn trong những ngày lao động nặng nhọc nhưng đầy kiêu hãnh trên biển”.
XUÂN MAI - HỮU TRUNG