Bàn cách gỡ khó cho ngân sách

TRỊNH DŨNG 21/04/2020 06:30

Chính sách gia hạn thuế, tiền thuê đất không ảnh hưởng gì đến ngân sách. Nhưng sự suy kiệt của doanh nghiệp khiến Quảng Nam dự kiến hụt thu đến 7.000 tỷ đồng. Liệu có giải pháp nào trong chuyện hãm tốc độ sụt giảm ngân sách và cân đối chi tiêu cho năm nay? Vấn đề này sẽ được bàn thảo trong Kỳ họp thứ 15 HĐND tỉnh (khóa IX) khai mạc vào hôm nay 21.4.

Sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến ngân sách Quảng Nam hụt thu rất lớn. Ảnh: T.D
Sản xuất của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 khiến ngân sách Quảng Nam hụt thu rất lớn. Ảnh: T.D

Suy kiệt kinh tế

Kế hoạch nộp ngân sách nội địa năm 2020 tăng 20% của Trường Hải sẽ không thể đạt như dự tính khi nhìn vào kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu sản xuất ô tô của doanh nghiệp này đã giảm đến 38% so cùng kỳ, với lý do là không thể đẩy lượng xe ra thị trường tiêu thụ. Nhưng Trường Hải với số nộp ngân sách dự kiến 9.234 tỷ đồng (chiếm đến 72% của khu vực công thương nghiệp ngoài quốc doanh) không phải là doanh nghiệp duy nhất “gặp nạn”.

Suốt mấy tháng qua, đại dịch Covid-19 đã đẩy nền kinh tế Quảng Nam vào độ suy thoái. Nền kinh tế nhanh chóng gặp khó khăn khi toàn bộ chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Số lượng doanh nghiệp nghỉ, tạm dừng sản xuất, sa thải nhân viên ngày càng gia tăng.

Cục Thuế công bố đến ngày 15.4 đã có 271 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tăng 31,55% so cùng kỳ) và 28 doanh nghiệp giải thể, phá sản (tăng 7,7%). Không chỉ mất đi nguồn thu thuế từ các doanh nghiệp này, mà con số 7.454 doanh nghiệp vẫn đang cầm cự cũng không dễ có doanh thu để đóng góp vào ngân sách nhà nước như dự định…

Thống kê của Cục Thuế, gần như hệ thống sản xuất, gia công ngành may mặc, da giày… bị ngưng trệ. Cục trưởng Cục Thuế - Ngô Bốn nói, không giảm thuế mà chỉ cho gia hạn nộp 5 tháng, nghĩa là vẫn phải nộp trong năm nay nên có thống kê bao nhiêu kinh phí hỗ trợ thì ngân sách nhà nước cũng không hụt thu, không mất. Nhưng, nhìn doanh nghiệp Quảng Nam gần như “đứng bánh”, ngừng sản xuất, kinh doanh, nguồn cung ứng toàn cầu bị đứt gãy thì đã hình dung khó khăn trong việc thu ngân sách.

“Hụt thu sẽ nặng nề. Tháng 4 (đến ngày 15.4) chỉ mới thu được 80 tỷ đồng. Lẽ ra theo kế hoạch một tháng phải thu được 1.700 tỷ đồng. Trực tiếp hay gián tiếp ảnh hưởng cũng đều gặp khó khăn nên doanh nghiệp không có điều kiện nộp thuế” - ông Bốn nói.

Ông Phan Văn Chín - Giám đốc Sở Tài chính nói chưa năm nào Quảng Nam đứng trước tình cảnh này. Con số thu nội địa ấn định 20.524 tỷ đồng dựa vào ô tô, bia, thủy điện không thể thực hiện được khi Trường Hải không bán được xe, thủy điện không đủ nước.

Còn casino Nam Hội An chưa cấp phép, mà có cấp phép cũng lấy đâu ra người đến chơi thì làm chi có thu được tiền? Nghị định 100 cũng tác động khiến bia sụt giảm doanh số, hoặc xổ số kiến thiết nghỉ gần tháng nay lấy đâu thu thuế?

Tiền đâu chi tiêu?

Không còn suy đoán hay dự báo, đại dịch Covid-19 sẽ khiến ngân sách Quảng Nam năm 2020 bị “sụp đổ”. Thế nhưng ngân sách địa phương buộc phải chi thêm tiền để lo an sinh xã hội, phòng chống dịch bệnh… Tiền đâu để chi tiêu?

Hàng quán đóng cửa, sản xuất đình trệ... sẽ khiến ngân sách Quảng Nam hụt thu rất lớn. Ảnh: T.D
Hàng quán đóng cửa, sản xuất đình trệ... sẽ khiến ngân sách Quảng Nam hụt thu rất lớn. Ảnh: T.D

Trong một báo cáo dự định phát biểu tại phiên họp trực tuyến Chính phủ ngày 10.4, Chủ tịch UBND Lê Trí Thanh dự kiến hụt thu hơn 25% ngân sách nội địa năm 2020 (tương đương hơn 5.000 nghìn tỷ đồng). Quảng Nam đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét có kế hoạch hỗ trợ ngân sách địa phương để bù hụt thu theo dự toán.

Ông Phan Văn Chín nói cơ quan quản lý đang “đau đầu, nhức óc” vì dự kiến số hụt thu rất lớn. Sẽ cắt giảm chi tiêu. Nhưng nếu như hụt 10 đồng thì cắt, giảm hết, chỉ còn giữ lại chi lương và chi phí thiết yếu khác thì cũng chỉ được 5 đồng. Số còn lại không biết tìm đâu ra tiền để bù đắp.

“Cắt giảm ở đâu thì phải rà soát kỹ lưỡng, từ từ tính. Chuyện bất khả kháng phải bị hụt thu mà Trung ương chẳng “cho” đồng nào, nhưng địa phương buộc phải chi cả trăm tỷ đồng mua trang thiết bị, vật tư y tế (chưa nói đến kinh phí hỗ trợ, bồi dưỡng) và thực hiện gói an sinh xã hội cả nghìn tỷ đồng! Hai khoản phát sinh ngoài dự toán ấy vẫn phải thực hiện nên khó càng khó hơn!” - ông Chín nói.

Trong một diễn biến liên quan, thông báo kết luận hôm 13.4 về cuộc họp với các phó chủ tịch, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh đã yêu cầu Sở Tài chính phối hợp với Sở Kế hoạch - Đầu tư, các ngành, địa phương khẩn trương kiểm tra, rà soát nguồn lực và các nhiệm vụ chi thuộc ngân sách cấp tỉnh, chế độ chính sách an sinh xã hội theo quy định để tham mưu UBND tỉnh phương án bù hụt thu, giảm chi ngân sách đối với các khoản chi thường xuyên và chi đầu tư chưa cấp thiết theo kịch bản nguồn thu nội địa trong dự toán ngân sách năm 2020. Dự kiến hụt thu đến 7.000 tỷ đồng để đảm bảo khả năng cân đối ngân sách, phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội (vượt 2.000 tỷ đồng so với dự kiến báo cáo Chính phủ).

Ông Phan Văn Chín cho biết, sẽ khẩn trương tham mưu UBND tỉnh nội dung cắt giảm các khoản chi đầu tư, sự nghiệp, chi thường xuyên để kịp thời chỉ đạo, điều hành phù hợp thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Bàn cách gỡ khó cho ngân sách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO