Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: "Hy vọng định vị cho Quảng Nam trở thành một cực tăng trưởng"

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 11/05/2022 07:28

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khẳng định, kết luận của Thủ tướng Chính phủ sẽ mở ra “cơ hội vàng” cho Quảng Nam phát triển. Địa phương sẽ thực sự chủ động để sớm hiện thực hóa các kết luận này trên thực tế.

Cảng biển Quảng Nam sẽ thành cảng container và sân bay sẽ thành trung tâm công nghiệp dịch vụ hàng không. Ảnh: T.D
Cảng biển Quảng Nam sẽ thành cảng container và sân bay sẽ thành trung tâm công nghiệp dịch vụ hàng không. Ảnh: T.D

- Kết luận của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa gì đến sự phát triển của Quảng Nam và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, thưa ông?

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Quảng Nam có nhiều tiềm năng phát triển các kết cấu hạ tầng quan trọng như cảng biển, sân bay, các tuyến đường kết nối Hành lang kinh tế Đông - Tây, các ngành công nghiệp và nhiều lĩnh vực kinh tế, xã hội khác. Tuy nhiên, thiếu cơ chế, chính sách, nguồn lực nên chưa thể mang lại đột phá cho địa phương.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh.

Các kiến nghị quan trọng của Quảng Nam cơ bản đã được Thủ tướng Chính phủ thống nhất cao.

Kết luận của Thủ tướng không chỉ là “cơ hội vàng” cho địa phương phát triển thành một cực tăng trưởng trong tương lai mà còn có những hạ tầng mang tính phục vụ, kích thích sự phát triển liên vùng, như hệ thống cảng biển, sân bay.

Hiện nay, các địa phương vùng trọng điểm kinh tế miền Trung đều có cảng biển nước sâu, sân bay. Nhưng cảng biển Quảng Nam là cảng chuyên dụng về container.

Xuất hàng đi từ Quảng Nam sẽ là số lượng lớn về hàng công nghiệp, hàng nông nghiệp qua chế biến, hàng trái cây tươi với vùng nguyên liệu rộng lớn từ địa phương, Tây Nguyên, Nam Lào...

Việc xuất khẩu này sẽ tạo điều kiện cho các ngành nông nghiệp của các địa phương trong khu vực có cơ hội tham gia chuỗi giá trị phát triển vùng nguyên liệu của Thaco.

Cảng biển Quảng Nam sẽ thành cảng container và sân bay sẽ thành trung tâm công nghiệp dịch vụ hàng không. Ảnh: T.D
Cảng biển Quảng Nam sẽ thành cảng container và sân bay sẽ thành trung tâm công nghiệp dịch vụ hàng không. Ảnh: T.D

Sân bay Chu Lai được xác định có các công năng đặc biệt. Đó là vận chuyển hành khách. Năm 2030 dự kiến 10 triệu lượt khách và năm 2050 dự kiến 30 triệu lượt khách.

Sân bay này không chỉ phục vụ hành khách mà lớn hơn là phục vụ cho việc trung chuyển hàng hóa qua đường hàng không và sửa chữa máy bay các loại khác nhau.

Sân bay này được hiểu là sẽ trở thành một trung tâm công nghiệp dịch vụ ngành hàng không đủ sức cạnh tranh mang tầm quốc gia trong khu vực.

Một khi được hình thành, sân bay này sẽ giúp Quảng Nam và miền Trung tập trung sản xuất ra những loại hàng cần xuất khẩu bằng đường hàng không qua cửa ngõ sân bay Chu Lai.

Tuyến đường kết nối từ cửa khẩu Nam Giang về cảng biển Chu Lai, kết nối các quốc lộ 14, cao tốc..., mang tính kết nối liên vùng, phục vụ giao thương thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa từ Tây Nguyên, Lào về miền Trung.

Việc hình thành khu đô thị đại học theo tiêu chuẩn quốc tế mang lại cơ hội đào tạo, cung cấp nhân lực chất lượng cao, không chỉ cho riêng địa phương mà còn cho cả vùng miền Trung.

Một trung tâm công nghiệp chế biến sâu về silica (cát trắng), chấm dứt dạng tuyển rửa, chuyển sang chế biến sâu, sẽ sử dụng nguyên liệu toàn vùng miền Trung, không riêng gì Quảng Nam.

Trung tâm dược liệu sẽ mở một ngành công nghiệp mới có giá trị gia tăng cao. Các nhà máy xuất hiện sẽ giúp phát triển, quản lý, bảo vệ, tăng độ che phủ rừng, thông qua các dự án phát triển vùng nguyên liệu dưới tán rừng, tạo điều kiện cho đồng bào miền núi có cơ hội thay đổi sinh kế...

Các kết luận của Thủ tướng Chính phủ, nếu hiện thực hóa sẽ thúc đẩy sự phát triển của Quảng Nam và cả miền Trung!

Di sản Hội An, Mỹ Sơn sẽ có cơ chế bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Ảnh: T.D
Di sản Hội An sẽ có cơ chế bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Ảnh: T.D

- Các kiến nghị của địa phương không mới, chỉ như là sự tiếp nối, bổ sung, tái tục từ những vấn đề đã được trình và Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao các bộ, ngành xem xét, quyết định nhưng vẫn không có gì thay đổi, chưa được giải quyết. Liệu lần này có triển vọng gì không, thưa ông?

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt cơ chế bảo tồn, phát huy di sản Hội An, nhưng đến nay chưa được bố trí vốn để đầu tư, trừ chuyện hỗ trợ cho Quảng Nam một dự án về phòng cháy, chữa cháy ở khu vực phố cổ (khoảng 200 tỷ đồng).

Các nội dung khác chưa có nguồn lực để bố trí. Lần này đề nghị thêm cơ chế cho Mỹ Sơn. Làng đại học Đà Nẵng “treo” nhiều năm, cũng đã đề nghị sớm giải quyết, nhưng vụ việc vẫn kéo dài.

Còn sân bay, cảng biển hay mở rộng, kết nối các tuyến quốc lộ xuống cảng biển Quảng Nam là những hạ tầng lớn, chiến lược... đã từng kiến nghị đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về mặt chủ trương. Tuy nhiên, với tính chất đặc biệt của các hạ tầng này nên chuyện đầu tư phát triển cần phải có thời gian, liên quan nhiều đến cơ chế, chính sách, nguồn lực...

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ lần này quyết định các nội dung rõ hơn, cụ thể hơn, chỉ đạo dứt khoát về việc thành lập các đoàn công tác khảo sát, đánh giá để đưa ra các giải pháp giải quyết dứt điểm... để địa phương triển khai.

Hy vọng lần này có sự ủng hộ, đồng thuận rất cao của các bộ ngành (ngày 9.5, một tổ công tác của Bộ Giao thông vận tải đã đi khảo sát hướng tuyến con đường mới theo dự định của Quảng Nam từ cửa khẩu về cảng biển để đưa ra quyết định - PV), nên chắc chắn sẽ khẩn trương và dễ dàng thực hiện.

- Thời hạn Thủ tướng Chính phủ ấn định cho các báo cáo, đề xuất phương án, dự án phải trình quá gấp thì có quá khó để địa phương có thể hoàn tất hay không?

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Thủ tướng Chính phủ đã ấn định một số mốc (có nội dung Quảng Nam chủ trì, một số khác do Bộ, ngành), nhưng chủ yếu trên cơ sở kết luận đó, địa phương hay Bộ, ngành đánh giá, đề xuất sơ bộ định hướng đầu tư như thế nào hay một số vấn đề về cơ chế chính sách... báo cáo Thủ tướng.

Khi Thủ tướng nghe báo cáo sơ bộ thì sau đó, tất cả thủ tục tiếp theo sẽ phải thực hiện theo quy định, từ trình tự thủ tục hồ sơ, dự án. Các nội dung này sẽ phải hoàn chỉnh, chậm nhất đến quý 3 - 2022.

Còn các bước dự án, đề án tiếp theo như thế nào sẽ được triển khai trong năm 2023. Với những dự án mang tầm chiến lược như thế, không dễ thực hiện trong thời gian quá ngắn nên cần có thời gian. Dự kiến trong năm 2023, cơ bản các dự án, đề án khả thi sẽ được trình lên Thủ tướng Chính phủ.

Di sản Mỹ Sơn sẽ có cơ chế bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Ảnh: T.D
Di sản Mỹ Sơn sẽ có cơ chế bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Ảnh: T.D

- Thưa ông, hiện thực hóa kết luận của Thủ tướng Chính phủ sẽ cần nguồn lực rất lớn, địa phương dựa vào đâu để thực hiện?

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Tất cả nguồn lực sẽ được huy động xã hội hóa, từ doanh nghiệp, theo cơ chế hợp tác công tư hoặc cơ chế khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào các lĩnh vực này.

Từ cảng biển, sân bay, đường kết nối cửa khẩu đến cảng biển hay các trung tâm công nghiệp (silica, công nghiệp cơ khí, hỗ trợ hay dược liệu...) gần như cơ bản không có nguồn ngân sách đầu tư. Quảng Nam chỉ xin cơ chế, chính sách để doanh nghiệp yên tâm, mạnh dạn đầu tư.

- Ông có thể cho biết, Quảng Nam làm gì để triển khai đúng tiến độ?

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: Kết luận của Thủ tướng Chính phủ có giao cho một số bộ, ngành chủ trì. Tuy nhiên, chính quyền xác định tính chủ động phải thuộc về địa phương. Có như vậy, mới có thể thúc đẩy nhanh các kết luận này trên thực tế theo đúng tiến độ.

Quảng Nam sẽ chủ động phối hợp các Bộ, ngành xây dựng các đề án, dự án..., sớm báo cáo Thủ tướng. Khi Thủ tướng cho chủ trương cụ thể từng vấn đề một thì Quảng Nam sẽ phối hợp các Bộ, ngành, doanh nghiệp quan tâm đầu tư vào các lĩnh vực này và tiếp tục hoàn chỉnh các bước tiếp theo.

Hiện thực hóa các kết luận này không chỉ hoàn tất trong một nhiệm kỳ mà rất nhiều năm sau nữa. Chính quyền đã giao cụ thể cho các sở, ngành, địa phương liên quan rà soát hiện trạng, thống kê chi tiết, tổng hợp báo cáo cụ thể, từ rừng phòng hộ, tác động môi trường, trữ lượng silica, thu xếp diện tích khu hậu cần cảng container, vùng nguyên liệu....

Các địa phương, sở ngành sẽ kết nối, phối hợp, mời tư vấn từ các Bộ, ngành để xây dựng từng báo cáo đề xuất đề án, dự án cụ thể... đảm bào tính khả thi, đúng theo tiến độ đã được ấn định!

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh: "Hy vọng định vị cho Quảng Nam trở thành một cực tăng trưởng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO