Đánh thức tiềm năng sông Trường Giang

HỮU PHÚC 12/03/2021 06:12

Quảng Nam đang nghiên cứu triển khai dự án nạo vét Trường Giang nhằm đánh thức tiềm năng của con sông này, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội tại khu vực.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khảo sát sông Trường Giang. Ảnh: H.P
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh khảo sát sông Trường Giang. Ảnh: H.P

Khơi thông tuyến vận tải thủy

Không phải đến bây giờ chính quyền tỉnh mới mạnh dạn đề xuất nạo vét toàn tuyến Trường Giang dài hơn 60km kéo dài từ huyện Duy Xuyên vào Núi Thành, mà từ năm 2010 đã phê duyệt dự án “Nạo vét, thoát nước khẩn cấp sông Trường Giang” với vốn đầu tư gần 1.000 tỷ đồng. Tuy nhiên vì nhiều lý do, Trung ương chưa bố trí được nguồn vốn.

Ông Nguyễn Thanh Tâm - Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam (đơn vị được UBND tỉnh giao triển khai đầu tư dự án) cho biết, dự án nạo vét sông Trường Giang là hợp phần của dự án phát triển tích hợp thích ứng Quảng Nam, sử dụng vốn vay của Ngân hàng Thế giới (WB) và vốn trong nước. UBND tỉnh đã đề xuất triển khai dự án và được Thủ tướng Chính phủ thống nhất phê duyệt (ngày 7.1.2021). Đến nay, đơn vị đã trình báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án.

“Sau khi nạo vét sông Trường Giang sẽ tạo ra một hệ thống giao thông đường thủy thông suốt toàn tuyến, góp phần phát triển kinh tế - xã hội; cải tạo hệ thống giao thông thủy nội địa, kết hợp phòng chống ngập lụt và tiêu thoát lũ lưu vực sông, phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế khu vực; thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch, nâng cao chất lượng theo hướng bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu” – ông Tâm nói về hiệu quả của dự án.

Tuyến đường thủy sông Trường Giang lâu nay gần như chưa được khai thác đúng mức do nhiều đoạn sông cạn do bồi lấp; ngư dân cơi nới, đặt ngư cụ khai thác thủy sản tại lòng sông. Vì vậy, khi giải tỏa xong mặt bằng thì tuyến vận tải thủy từ Cửa Đại (Hội An) đến Cửa Lở (Núi Thành) sẽ thông suốt, nâng cao năng lực neo đậu tránh trú bão an toàn cho tàu cá tại khu vực Cửa Đại và Cửa Lở. Ngoài ra sẽ tăng cường khả năng thoát lũ cho TP.Tam Kỳ và các vùng dân cư dọc sông.

Theo UBND tỉnh, các địa phương bị ảnh hưởng bởi dự án cần tổ chức tuyên truyền rộng rãi để người dân biết, đồng thuận chủ trương. Các vùng không bị ảnh hưởng tuyến vận tải thủy, sẽ được quy hoạch, cắm mốc phạm vi ranh giới để ngư dân tiếp tục khai thác thủy sản, còn vùng nằm trong phạm vi thực hiện tuyến giao thông thì bắt buộc phải cấm đánh bắt hoàn toàn.

Lòng sông Trường Giang bị thu hẹp đáng kể do bồi lấp và ngư cụ cản trở giao thông thủy. Ảnh: H.P
Lòng sông Trường Giang bị thu hẹp đáng kể do bồi lấp và ngư cụ cản trở giao thông thủy. Ảnh: H.P

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết, đối với những khu vực cần thiết phải thu hồi thì mới giải phóng mặt bằng, cố gắng không để cộng đồng bị phân tán và tạo điều kiện cho cộng đồng dân cư tiếp tục sống gần nhau. Khu vực ven sông, tập trung mật độ dân cư đông thì trong quy hoạch cố gắng giữ lại. Hạn chế giải tỏa trắng những khu vực người dân sống quần cư lâu đời.  Người dân muốn tiếp tục nuôi tôm, đánh bắt thủy sản ở khu vực phù hợp với quy hoạch, sẽ được quản lý chặt chẽ, khi nào đảm bảo được môi trường sinh thái và không gây ô nhiễm môi trường... mới cấp phép hành nghề.

Tạo động lực phát triển kinh tế

Song hành với nạo vét sông, theo kế hoạch, dự án sẽ tiến hành xây dựng kè bảo vệ, phục hồi thảm thực vật; đồng thời đầu tư mới 5 cây cầu gồm Bình Dương, Hưng Mỹ, Tỉnh Thủy, Tam Thanh, Tam Tiến. Việc nạo vét sông Trường Giang sẽ dôi dư ra một lượng cát khổng lồ. Theo chủ đầu tư, tổng lượng bồi trung bình một năm trong điều kiện hiện trạng hiện nay là 72.733m3, sau khi nạo vét tuyến luồng, tổng lượng sa bồi giảm còn khoảng 37.461m3. Khối lượng nạo vét ước gần 40.000m3/năm.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho rằng, cát nạo vét sẽ được sử dụng để tạo bãi cho dự án đầu tư xây dựng kè Cửa Đại (đoạn từ phía bắc khách sạn Victoria – Hội An). Hiện dự án này đã được triển khai nhằm khắc phục tình trạng xói lở bờ biển Cửa Đại. Phạm vi nạo vét bao trọn hết toàn bộ sông (trừ 2km đầu Cửa Đại và 4km đầu Cửa Lở), với khối lượng vật chất nạo vét gần 4 triệu mét khối cát. Sông Trường Giang sau khi nạo vét đạt chuẩn luồng đường thủy cấp IV, đáp ứng cho tàu 100 tấn lưu thông hai làn, chiều rộng luồng 30m, độ sâu luồng 2,3m…

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Quảng Nam, đến năm 2025, khi dự án nạo vét sông Trường Giang hoàn thành, sẽ góp phần tăng lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường thủy nội địa cũng như vận chuyển hành khách trên sông.

Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết thêm, song song với đầu tư sông Trường Giang, sẽ xây dựng tuyến đường sát biển nhằm giúp hạn chế việc giao đất các dự án ra ngoài mép biển, tạo không gian biển công cộng. Như vậy, dự án nạo vét sông Trường Giang sẽ đem lại nhiều lợi ích, vừa giúp khơi thông tuyến vận tải thủy nội địa, tăng khả năng thoát lũ sông phục vụ dân sinh, vừa thu hút doanh nghiệp đầu tư vào loại hình du lịch sinh thái sông nước rất có tiềm năng và triển vọng ở vùng này.

Giữ đa dạng sinh học cho Trường Giang

Đó là khẳng định của Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh tại buổi trao đổi với báo chí về dự án nạo vét sông Trường Giang mới đây. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, nếu như Cổ Cò là dòng sông của đô thị với kiến trúc độc đáo, thì Trường Giang khi quy hoạch sẽ giữ cho được hiện trạng tự nhiên như vốn có của nó. Các trục giao thông sẽ cách xa bờ sông, chỉ ép sát bờ khi nào địa hình không thể thay đổi được. Về cơ bản sẽ giữ nguyên địa hình hiện tại để sau này sẽ tổ chức các thảm thực vật và các điểm dừng chân trên tuyến sông cho du khách tham quan các mô hình, cánh đồng nuôi trồng thủy sản sạch. Hai bên bờ sông Trường Giang đoạn qua huyện Duy Xuyên, Thăng Bình sẽ nghiên cứu trồng các loại cây dừa nước, cói, khu vực Tam Kỳ thì có cây dừa,  huyện Núi Thành thì hợp với cây bần, cây đước. Phục hồi đa dạng sinh học dọc con sông này sẽ được tính toán một cách khoa học.

Theo UBND tỉnh, dự án dự kiến khởi công năm 2022 và hoàn thành vào giai đoạn 2026 – 2027, chiều dài tuyến luồng khoảng 60km, đi qua các huyện Duy Xuyên, Thăng Bình, TP.Tam Kỳ và Núi Thành. Tổng vốn đầu tư dự án gần 2.000 tỷ đồng (vốn vay WB tương đương 1.394,8 tỷ đồng, còn lại vốn đối ứng).

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đánh thức tiềm năng sông Trường Giang
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO