Để hóa đơn điện tử "phủ sóng"

TRUNG LỘ 07/07/2020 04:18

Luật Quản lý thuế (có hiệu lực từ 1.7.2020), tại khoản 2 Điều 151 quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân bắt buộc phải sử dụng hóa đơn điện tử (HĐĐT) từ 1.7.2022. Như vậy, trong thời gian tới, tất cả doanh nghiệp (DN), tổ chức, hộ, cá nhân có bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ phải chuyển đổi sang HĐĐT.

Sử dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, khách hàng lẫn cơ quan thuế.
Sử dụng hóa đơn điện tử mang lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp, khách hàng lẫn cơ quan thuế.

Tiết giảm chi phí, tạo sự minh bạch

Theo số liệu tổng hợp của Sở Kế hoạch - đầu tư, đến tháng 6.2020, toàn tỉnh có 1.983 DN và các tổ chức, cá nhân, hộ kinh doanh sử dụng HĐĐT. Việc sử dụng HĐĐT giúp DN thuận tiện trong quản lý và truy xuất nguồn gốc hàng hóa, đồng thời tiết kiệm chi phí khá nhiều so với hóa đơn giấy, bước đầu đã mang lại hiệu quả thiết thực cho cả DN và ngành thuế. Ngành thuế Quảng Nam đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ DN và các tổ chức, cá nhân chuyển sang sử dụng HĐĐT, hướng tới lộ trình 100% DN, tổ chức, cá nhân sử dụng HĐĐT.

Công ty Điện lực Quảng Nam là đơn vị tiên phong trong tỉnh triển khai chuyển đổi hóa đơn giấy sang HĐĐT ngay từ năm 2014. Ông Phan Văn Tuấn - Phó Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Nam cho biết, việc sử dụng HĐĐT trong thu tiền điện là tập hợp các thông tin, dữ liệu điện tử về bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; được khởi tạo, lập, xử lý trên hệ thống máy tính của đơn vị; được cấp mã số thuế khi bán hàng hóa, dịch vụ và được lưu trữ trên máy tính của các bên theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử. Sử dụng HĐĐT giúp công ty giảm chi phí so với sử dụng hóa đơn giấy như: chi phí giấy in, mực in, chi phí chuyển hóa đơn cho khách hàng và đặc biệt giảm chi phí lưu trữ hóa đơn, không xảy ra sai sót trong quá trình kiểm đếm, rà soát và dễ dàng khi sử dụng, tìm kiếm, lưu trữ mà còn an toàn và tiện lợi. 

Việc áp dụng HĐĐT rất cần một hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin - viễn thông tốt, tuy nhiên không phải DN nào cũng sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu. Cùng với đó, thói quen sử dụng tiền mặt của người dân cũng là nguyên nhân dẫn tới HĐĐT chậm được áp dụng và triển khai trên quy mô lớn. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 7.500 DN hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong đó DN vừa và nhỏ chiếm đến 97%. Trong số  đó, lại chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ, nên về trình độ, kinh nghiệm quản lý, nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng khoa học công nghệ gặp nhiều khó khăn. Đây được xem là “điểm nghẽn” cho quá trình chuyển đổi từ hóa đơn giấy sang sử dụng HĐĐT. 

Bắt buộc sử dụng HĐĐT

Luật Quản lý thuế tại khoản 2 Điều 151 quy định các cơ quan, tổ chức, cá nhân bắt buộc phải sử dụng HĐĐT từ ngày 1.7.2022. Như vậy, trong thời gian tới, tất cả DN, tổ chức, cá nhân khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải lập HĐĐT để giao cho người mua theo định dạng chuẩn dữ liệu mà cơ quan thuế quy định và phải ghi đầy đủ nội dung theo quy định của pháp luật về thuế, kế toán, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.

Theo đại diện Cục Thuế tỉnh, việc quy định cụ thể về áp dụng HĐĐT trong Luật Quản lý thuế đã thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc áp dụng HĐĐT trên diện rộng; góp phần giảm thiểu chi phí, rút ngắn thời gian và hạn chế sai sót. Đồng thời, giúp tăng cường tính minh bạch; giúp cơ quan thuế theo dõi được các hoạt động kinh tế; giảm rủi ro của các giao dịch không chính thức. Theo tính toán, DN sử dụng HĐĐT sẽ giảm được 70% các bước quy trình phát hành, giảm 90% các tranh chấp liên quan tới hóa đơn, đồng thời tiết kiệm 80% chi phí cho mỗi hóa đơn và hạn chế tối đa các trường hợp sai sót.

Mặc dù có rất nhiều lợi ích, song quá trình triển khai HĐĐT đối với các DN vừa và nhỏ, hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn tỉnh vẫn gặp nhiều khó khăn. Nhiều DN chưa ý thức hết lợi ích của việc sử dụng HĐĐT, còn chần chừ, gặp khó khăn trong việc chi phí đầu tư ban đầu về trang bị hạ tầng kỹ thuật, thiết bị nối mạng, dịch vụ đường truyền...

Ông Lương Đình Đường - Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết, đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của DN về HĐĐT; liên tục cập nhật thông tin hỗ trợ, giải đáp thắc mắc trên cổng thông tin điện tử của đơn vị để người nộp thuế biết. Bên cạnh đó, sẽ có kế hoạch rà soát, sàng lọc phân loại các DN, tổ chức kinh tế có điều kiện về công nghệ thông tin để hỗ trợ, khuyến khích họ sử dụng HĐĐT. Ngành thuế sẽ tạo sự kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, giải quyết các vấn đề về chi phí và lộ trình áp dụng HĐĐT.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Để hóa đơn điện tử "phủ sóng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO