Hành động vì doanh nghiệp

TRỊNH DŨNG 25/11/2022 08:55

Không chỉ nhanh chóng thực thi chính sách phục hồi, phát triển kinh tế của Trung ương, nhiều kế hoạch hành động vì doanh nghiệp của chính quyền tỉnh Quảng Nam cũng có sức lan tỏa sâu vào nền kinh tế.

Mở các lớp đào tạo quản lý, mở rộng sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện kỹ năng quản trị... là một trong những cách chính quyền, cơ quan quản lý tỉnh Quảng Nam hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Ảnh: T.D
Mở các lớp đào tạo quản lý, mở rộng sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện kỹ năng quản trị... là một trong những cách chính quyền, cơ quan quản lý tỉnh Quảng Nam hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Ảnh: T.D

Sức khỏe doanh nghiệp ổn định

Sở KH-ĐT công bố chỉ số sản xuất ngành công nghiệp tháng 10 tăng 17,1% (10 tháng tăng 25,3%). Tổng thu ngân sách nhà nước đã đạt hơn 23,9 nghìn tỷ đồng (bằng 101% dự toán), tăng 45%.

Tổng số vốn từ các tổ chức tín dụng đã đổ vào nền kinh tế tăng 0,9% so với đầu tháng, tăng 11% so với đầu năm (dư nợ cho vay 92,5 nghìn tỷ đồng) và vốn huy động cũng tăng 1,2% so đầu tháng, tăng 12,8% so đầu năm. Số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng 10,2% và hơn 535 doanh nghiệp đã hoạt động trở lại sau nhiều tháng tạm dừng vì suy giảm, tăng 31,7%.

Không chỉ kinh tế tăng trưởng, thu hút đầu tư cũng khả quan. Thống kê cho thấy 10 tháng qua đã có thêm 5 dự án FDI (68,24 triệu USD) và 55 dự án đầu tư nội địa (hơn 8.542 tỷ đồng) được cấp phép.

Thêm 6 dự án điều chỉnh tăng vốn (hơn 934,4 tỷ đồng). Hiện Quảng Nam có đến 968 dự án đầu tư nội địa (hơn 242.349 tỷ đồng) và 195 dự án FDI (6 tỷ USD) còn hiệu lực.

Kinh tế hồi phục, kéo theo tăng trưởng của 3 quý năm 2022 đều có tốc độ tăng liên tiếp trên 2 con số. Theo khảo sát của các cơ quan quản lý và số liệu từ Cục Thống kê cho thấy, sức khỏe doanh nghiệp địa phương đã thực sự ổn định, có chiều hướng phát triển tích cực.

Các đánh giá của doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo nghiêng về xu hướng sẽ còn tốt lên nhiều trong những tháng còn lại của năm. Số lượng doanh nghiệp còn gặp khó khăn theo khảo sát từ 54% giảm còn 47,4%.

Cục Thống kê dự báo GRDP quý IV sẽ tăng khoảng 10,3%, kéo theo tăng trưởng kinh tế của địa phương tăng trên 12,3%, vượt xa chỉ tiêu đề ra cho năm 2022 (tăng 7,5 - 8%). Quy mô GRDP (theo giá hiện hành) 117 nghìn tỷ đồng, cao hơn năm 2019 gần 18 nghìn tỷ (cao hơn kế hoạch đã ấn định 110 - 113 nghìn tỷ đồng đến năm 2025).

Mở các lớp đào tạo quản lý, mở rộng sản xuất, kinh doanh, hoàn thiện kỹ năng quản trị... là một trong những cách chính quyền, cơ quan quản lý tỉnh Quảng Nam hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất. Ảnh: T.D
Ảnh: T.D

Theo ông Nguyễn Quang Thử - Giám đốc Sở KH-ĐT, sự tăng trưởng kinh tế, thành công của doanh nghiệp trong sản xuất, mở rộng kinh doanh hay các nhà đầu tư vẫn tìm đến địa phương để chọn đất làm ăn là tấm gương phản chiếu rõ nhất về môi trường đầu tư, kinh doanh của địa phương.

Những cơ chế, chính sách hợp lý, công khai, minh bạch, thái độ cầu thị thông qua nhiều cuộc khảo sát, rà soát, hậu kiểm sau cấp phép chứng nhận đăng ký đầu tư đã góp phần giải quyết các dự án chậm tiến độ, tạo cơ hội cho các nhà đầu tư khác thực sự có năng lực triển khai các dự án mới, đã tác động đến quyết định của nhà đầu tư.

Chính quyền phục vụ

Tăng trưởng kinh tế GRDP sẽ vượt kế hoạch. Con số này được biết đến như một cực tăng trưởng đem lại cuộc sống tốt hơn (về vật chất lẫn tinh thần), tạo việc làm, tăng thu nhập cho xã hội, tăng thu ngân sách để chính quyền tiếp tục đầu tư cho phát triển, phân phối lại thu nhập cho những đối tượng yếu thế của xã hội...

Những con số thống kê khá cao ấy mang lại điều gì, bắt đầu từ đâu? Theo những phân tích, ngoài kiểm soát tốt dịch bệnh và nền kinh tế trên đà hồi phục, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ đã và đang phát huy tác dụng tốt, trở thành động lực để doanh nghiệp có sự tăng tốc hoạt động sản xuất kinh doanh.

Có thể nhìn thấy qua những con số thống kê “biết nói”: Trong vòng 10 tháng qua đã có 3.801 doanh nghiệp được miễn giảm thuế theo cơ chế hỗ trợ COVID-19 với số thuế hơn 1.080 tỷ đồng, tăng 727,4% so cùng kỳ năm 2021 (số thuế được miễn là hơn 20,6 tỷ đồng và số thuế được giảm hơn 1.059 tỷ đồng).

Khoảng 46 doanh nghiệp được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ với số tiền được cơ cấu hơn 614,1 tỷ đồng. Chỉ tính trong năm 2020 và 2021, Điện lực Quảng Nam đã thực hiện việc giảm tiền điện khoảng 182 tỷ đồng cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 (năm 2020 giảm 139,6 tỷ đồng, năm 2021 giảm 42,4 tỷ đồng). Năm 2022, khi Chính phủ tiếp tục ban hành phương án giảm giá tiền điện, ngành điện lực tiến hành ngay để tạo điều kiện cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất.

Không chỉ nhanh chóng thực thi các chính sách từ Trung ương trong việc phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch COVID-19, chính quyền tỉnh Quảng Nam và cơ quan quản lý cũng có những quyết định nhanh, hiệu quả để vận hành bình ổn nền kinh tế địa phương.

Trong đó phải kể đến các chính sách, kế hoạch hành động cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của chính quyền. Hỗ trợ doanh nghiệp đã trở thành mệnh lệnh lan tỏa khắp nền kinh tế, từ cơ quan quản lý đến địa phương.

Quyết định của địa phương là công bố, công khai minh bạch 100% thông tin, tài liệu (trừ tài liệu mật) trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh/đơn vị, Cổng thông tin hỗ trợ doanh nghiệp tỉnh để doanh nghiệp được biết và tra cứu như: các tài liệu về ngân sách; tài liệu về quy hoạch tỉnh; quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị; kế hoạch sử dụng đất, thông tin về các quỹ đất sạch kêu gọi nhà đầu tư, các dự án có sử dụng đất kêu gọi đầu tư; quy hoạch ngành, vùng nguyên liệu; chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và địa phương; kế hoạch đầu tư công; các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành; các dự án, hạng mục đầu tư, đấu thầu; danh mục các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới; danh mục dự án kêu gọi, thu hút đầu tư; các chính sách ưu đãi, khuyến khích, hỗ trợ đầu tư; mẫu biểu thủ tục hành chính; kế hoạch thanh tra, kiểm tra định kỳ…

Các cơ quan quản lý cung cấp thông tin, văn bản liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp theo đề nghị của doanh nghiệp, đảm bảo kịp thời, hiệu quả. Tỉnh xây dựng trang Zalo Quảng Nam Investor Care để tiếp nhận, tương tác và phản hồi các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu cho biết, chính quyền, cơ quan quản lý đã mở nhiều kênh tương tác, sẵn sàng hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất, luôn đồng hành với doanh nghiệp trong tháo gỡ vướng mắc, kết nối các nhà đầu tư, gọi vốn, mở các lớp đào tạo... theo tinh thần của một chính quyền phục vụ.

Cứu doanh nghiệp, cứu nguồn ngân sách, tạo việc làm đã trở thành mệnh lệnh thường xuyên trên cơ sở giám sát tiến độ việc thực hiện công tác hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp để có giải pháp xử lý phù hợp, kịp thời, hiệu quả..., tiến tới hỗ trợ doanh nghiệp ngày càng có chiều sâu hơn tại Quảng Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hành động vì doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO