Khát khao vươn tầm

QUỐC TUẤN 28/07/2020 05:47

Tròn 5 năm trở thành thị xã là quãng thời gian chưa dài và Điện Bàn còn rất nhiều việc phải làm nhằm hướng tới một đô thị hiện đại có bản sắc, khi nằm trong chuỗi đô thị năng động nhất miền Trung. 

Một góc đô thị Điện Dương nằm trên tuyến ĐT603 nối Đà Nẵng với Hội An. Ảnh: QUỐC TUẤN
Một góc đô thị Điện Dương nằm trên tuyến ĐT603 nối Đà Nẵng với Hội An. Ảnh: QUỐC TUẤN

Thiết lập khung hạ tầng

Năm 2015, thị trấn Vĩnh Điện và 6 xã phía đông chính thức lên phường sau khi Điện Bàn được công nhận thị xã. Từ dải đất cát hoang vu nghèo khó, đến nay các phường vùng đông của Điện Bàn đã trở thành khu vực đô thị phát triển sôi động, thu hút nhiều dự án đầu tư.

Ngoài Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc hoạt động hiệu quả, cơ bản đã lấp đầy diện tích thì các cụm công nghiệp Nam Dương, An Lưu, Thương Tín nằm trên địa bàn phường Điện Nam Đông, Điện Nam Trung, Điện Dương cũng dần hoàn thiện hạ tầng và nhất là chuyển hướng ưu tiên thu hút đầu tư công nghiệp sạch để phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị tại đây...

Trong khi đó, các xã dọc theo quốc lộ 1 gồm Điện Phương, Điện Minh, Điện Thắng Bắc, Điện Thắng Trung, Điện Thắng Nam cũng đang “chạy nước rút” hoàn thiện các tiêu chí trở để lên phường trong năm 2020, qua đó tạo ra dải đô thị liền mạch từ Đà Nẵng đến Nam Phước (Duy Xuyên), cùng với dải đô thị từ Đà Nẵng vào Hội An ở cánh đông.

Quy hoạch và giao thông luôn là các yếu tố quan trọng hàng đầu làm đòn bẩy tạo ra bộ khung hạ tầng đô thị chất lượng để các dự án thuận lợi khớp nối. Xác định điều này, trong 5 năm qua, thị xã Điện Bàn đã huy động nhiều nguồn lực xây dựng kết cấu hạ tầng với tổng số vốn đầu tư toàn xã hội lên đến 17.391 tỷ đồng (tăng bình quân 13%/năm).

Các tuyến ĐT, ĐH được nâng cấp, mở rộng, điển hình như các trục giao thông trung tâm nội thị, trục chính đô thị Điện Nam - Điện Ngọc hay các tuyến ĐH4.ĐB, ĐH6.ĐB, ĐH7.ĐB, ĐH14.ĐB. Nhiều khu dân cư, khu phố chợ, trường học, thiết chế văn hóa… được chỉnh trang, tạo ra hơi thở của nhịp sống đô thị và hình hài của một thị xã trẻ, năng động luôn khát khao vươn tầm.

Ông Nguyễn Đạt - Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn cho biết, để phát huy tối đa tiềm năng, năm 2019 Điện Bàn đã điều chỉnh quy hoạch phân khu với đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc. Đầu tư khung hạ tầng đô thị đến năm 2025 là một trong những ưu tiên của địa phương trong đó chú trọng yếu tố liên kết vùng nhằm khớp nối tạo ra đô thị Điện Bàn hiện đại, có bản sắc.

Tìm hướng đi riêng

Nằm giữa hai đô thị đã xây dựng được thương hiệu là Đà Nẵng và Hội An, Điện Bàn có lợi thế lớn để phát triển đô thị nhưng cũng rất cần có hướng đi riêng nhằm tạo ra điểm nhấn khác biệt, nếu không muốn bị lu mờ trong chuỗi đô thị.

Ông Nguyễn Đạt chia sẻ: “Điện Bàn nằm giữa một đô thị cổ và một đô thị trẻ nên địa phương sẽ kết hợp cả yếu tố mới và cũ trong quá trình phát triển đô thị của mình. Là “cái nôi” của vùng đất học, của danh xưng “Ngũ phụng tề phi”, Điện Bàn sẽ chú trọng phát huy giá trị văn hóa, truyền thống giáo dục trong quá trình hình thành bản sắc đô thị của mình”.

Thực tế thời gian qua, ở vùng đông của thị xã đã hình thành hệ thống giáo dục tư nhân chất lượng cao của các đơn vị Victoria School (Điện Ngọc), Sky-Line Hill (Điện Dương) để phục vụ nhu cầu đào tạo cho khu vực đang có tỷ lệ gia tăng dân số cơ học cao này.

Trên nền tảng lợi thế sẵn có của từng khu vực, bước đầu Điện Bàn cũng đã định vị được chức năng từng phân khu đô thị trên địa bàn thị xã, từ đó tạo thuận lợi cho phát triển hạ tầng, thu hút đầu tư, khớp nối chuỗi đô thị. Theo đó, thị xã Điện Bàn sẽ có đô thị hành chính (Vĩnh Điện), đô thị thương mại (dọc quốc lộ 1), đô thị công nghiệp (Điện Nam - Điện Ngọc) và đô thị du lịch biển.

Ở một đô thị trẻ mới thành hình, muốn phát triển bền vững, cần dung hòa cả 3 yếu tố hạ tầng, chính quyền và cư dân đô thị. Điện Bàn vẫn cần thêm thời gian để xây dựng được văn hóa thị dân, bởi phần lớn cư dân đô thị nay là những người nông dân vốn quen với nếp sống làng quê bao đời.

Từ nay đến năm 2025, Điện Bàn sẽ từng bước xây dựng đô thị thông minh, trong đó hạ tầng là yếu tố đi đầu để làm động lực thúc đẩy sự phát triển của các yếu tố khác. Với nguồn lực có hạn, điều trăn trở của thị xã hiện nay là chưa đồng bộ hết được hệ thống hạ tầng đô thị cũng như nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp, trong khi nhu cầu đặt ra ngày càng bức thiết. Do đó, những năm tới địa phương sẽ cố gắng khắc phục vấn đề này. Có như vậy, mục tiêu phấn đấu trở thành đô thị loại III trước năm 2030 mới có cơ sở trở thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khát khao vươn tầm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO