Nỗ lực để thích ứng chuyển đổi số

ANH ĐÔNG - PHƯƠNG GIANG 24/06/2021 10:08

Chuyển đổi số đã trở nên cấp thiết đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp khởi nghiệp, để tồn tại và phát triển trong sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Đầu tư máy móc, công nghệ vào sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp tăng giá trị. Ảnh: VINH ANH
Đầu tư máy móc, công nghệ vào sản xuất kinh doanh giúp doanh nghiệp tăng giá trị. Ảnh: VINH ANH

Nắm bắt xu thế

Doanh nghiệp (DN) đang chịu tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19. Vì vậy, chuyển đổi số (CĐS) là giải pháp quan trọng và là xu hướng tất yếu để các startup nâng cao năng lực cạnh tranh, hiệu quả sản xuất, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, tăng tốc hội nhập và phát triển bền vững ...

Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Bảo Trân là DN khởi nghiệp (KN) với các sản phẩm yến sào tại Quảng Nam. Từ nhiều năm nay, dù quy mô còn khiêm tốn nhưng DN này đã chịu khó đầu tư ứng dụng công nghệ vào các khâu sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Duy Thạnh - Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Bảo Trân cho biết, ngày nay khi tất cả chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh đều tăng cao (từ mặt bằng, nhân sự, chi phí quản lý, logistics…), nếu DN không áp dụng công nghệ thì sức cạnh tranh sẽ giảm sút.

Nhiều năm qua, Bảo Trân đã áp dụng công nghệ số vào các khâu sản xuất kinh doanh. Nhờ CĐS nên thị trường đón nhận sản phẩm của Bảo Trân dễ dàng, tiện lợi hơn nhiều. Đặc biệt, DN tận dụng triệt để lợi thế công nghệ triển khai bán hàng trên các ứng dụng online và trang thương mại điện tử.

Điều này đem lại hiệu quả kinh doanh cao nhờ tiết giảm nhiều chi phí về thuê mặt bằng, nhân công... “Công nghệ số là điều sống còn đối với DN. Ngày nay, nhờ CĐS, doanh nghiệp có thể bán hàng khắp nơi trên thế giới với chi phí hạn chế” - ông Thạnh chia sẻ.

Dù quy mô cơ sở kinh doanh nhỏ, nhưng trong 2 năm 2019 - 2020, chị Nguyễn Thị Lệ Hằng (chủ cơ sở sản xuất bột ngũ cốc Hằng Moon, xã Quế Thọ, Hiệp Đức) đã tập trung đầu tư máy móc, cải tiến mẫu mã, bao bì cho sản phẩm.

Chị Hằng chia sẻ: “Trước đây sản phẩm được chế biến thủ công thì nay các quy trình từ sấy, rang, nghiền… đến đóng gói đều bằng máy. Biết rằng đầu tư khá tốn kém nhưng nếu mình không làm thì sản phẩm rất khó cạnh tranh”. Trong khâu bán hàng, nhiều năm nay, chị Hằng cũng tận dụng tối đa ưu thế của CĐS thông qua kênh bán hàng online. Hiện nay, có khoảng 15 “đại lý” thường xuyên nhập sản phẩm Hằng Moon để bán online. Kênh online chiếm đến 80% so với bán hàng truyền thống.

Đồng hành

Trong thời đại bùng nổ của Internet, CĐS là việc sử dụng công nghệ số vào tất cả khía cạnh của DN, không phân biệt quy mô hay ngành nghề để thay đổi mô hình kinh doanh, tạo ra những cơ hội, doanh thu và giá trị mới. 

Giám đốc Ngân hàng VietinBank chi nhánh Quảng Nam Trần Thị Mỹ Hạnh - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân trẻ tỉnh cho biết, với tôn chỉ khách hàng là trung tâm, VietinBank đã và đang tích cực ứng dụng công nghệ vào công cuộc CĐS giúp nâng cao trải nghiệm, mang lại những sản phẩm tốt nhất, tiện dụng nhất cho khách hàng.

VietinBank là một trong 3 ngân hàng tại Việt Nam cung cấp dịch vụ tài chính cho DN trên ứng dụng mobile app. Dịch vụ ngân hàng điện tử - eFAST đa dạng từ tiền gửi, thanh toán, tiền vay đến các dịch vụ. VietinBank đã tích hợp eFAST với ứng dụng ERP DN, qua đó, DN sử dụng phần mềm kế toán có thể thực hiện các giao dịch tài chính một cách thuận tiện, dễ dàng và thông suốt, giúp giảm thời gian thao tác trên nhiều phần mềm hay phải ra quầy giao dịch.

Bà Hạnh cho rằng, đối với những DN có quy mô vừa và nhỏ thì CĐS là cơ hội để bứt tốc thành công. “Đây là thời điểm vàng để các DN vừa và nhỏ triển khai CĐS, đổi mới DN và vươn tầm quy mô. VietinBank cam kết đồng hành với DN trong quá trình CĐS, từ hỗ trợ về nguồn lực tài chính đến tư vấn, giúp sức trong ứng dụng công nghệ, kết nối các giải pháp tài chính để phục vụ tối đa họạt động sản xuất kinh doanh” - bà Hạnh nói.

CĐS không còn là sự lựa chọn mà đã trở thành xu hướng phát triển tất yếu để DN có thể đứng vững trước thời cuộc. Bà Phạm Thị Phương Thảo - Phó Giám đốc VNPT Quảng Nam chia sẻ, là tập đoàn tiên phong trong công cuộc CĐS quốc gia, VNPT đã nghiên cứu xây dựng và cung cấp rất nhiều giải pháp CĐS cho chính phủ, DN và người dân.

Tại địa bàn Quảng Nam, VNPT đã đồng hành với DN sớm triển khai nhiều giải pháp CĐS. Ngoài hạ tầng số, VNPT cung cấp các giải pháp, dịch vụ công nghệ thông tin cho DN với hơn 1.200 DN đang sử dụng hóa đơn điện tử, hơn 9.000 DN sử dụng chữ ký số và chứng thư số, 59 DN sử dụng dịch vụ VNPT Check để bảo vệ sản phẩm ngăn chặn bị làm giả, nhiều DN sử dụng dịch vụ kê khai bảo hiểm xã hội trực tuyến…

Còn nhiều giải pháp khác VNPT có thể cung cấp ngay khi DN có nhu cầu như: quản trị nhân lực, văn bản điều hành điện tử, số hóa hồ sơ, hợp đồng điện tử, định danh điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, chatbot…

Nhìn nhận về thực trạng CĐS trong DN, bà Thảo cho rằng vẫn còn nhiều nhà quản trị e ngại vì chưa hiểu hết về CĐS. Các DN vừa và nhỏ chưa thực sự quan tâm đến CĐS, một phần do thiếu kinh phí, nhân lực, thông tin và môi trường kinh tế… Do đó, thời gian đến VNPT sẽ tiếp cận các DN để đồng hành, tư vấn và cung cấp giải pháp CĐS. Đồng thời xây dựng các chính sách kết hợp nhiều dịch vụ và ưu đãi; phối hợp cùng Hiệp hội DN tỉnh, sở ngành, địa phương,... tổ chức hội thảo về CĐS trong DN, góp phần nâng cao nhận thức và giúp DN tiếp cận được các giải pháp CĐS của VNPT…

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Nỗ lực để thích ứng chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO