Phát triển hàng hóa nông sản

VINH ANH 06/07/2020 04:34

Trên cơ sở đề án quy hoạch vùng, việc “định hình, tạo ra các sản phẩm hàng hóa gắn với phát triển du lịch, dịch vụ nâng cao thu nhập cho người dân” là một trong những ưu tiên thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội huyện Đông Giang trong thời gian đến.

Xây dựng sản phẩm hàng hóa phục vụ thị trường và đón đầu cơ hội phát triển du lịch là mục tiêu mà Đông Giang hướng đến. Trong ảnh: Sản phẩm chè dây của Đông Giang đã được đóng gói, chế biến xuất ra thị trường. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Xây dựng sản phẩm hàng hóa phục vụ thị trường và đón đầu cơ hội phát triển du lịch là mục tiêu mà Đông Giang hướng đến. Trong ảnh: Sản phẩm chè dây của Đông Giang đã được đóng gói, chế biến xuất ra thị trường. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Làm giàu trên quê hương

Với điều kiện giao thông ngày một thuận lợi, việc giao thương giữa miền xuôi và miền ngược cũng trở nên dễ dàng hơn trước. Đầu ra các mặt hàng nông sản miền núi không dừng ở tự cung tự cấp mà đã đến nhiều hơn với người tiêu dùng miền xuôi. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất khiến cho đời sống người dân còn nhiều khó khăn, lại xuất phát từ chính nếp nghĩ và cách làm của họ. Câu chuyện của chàng thanh niên Arất Bay (32 tuổi, trú thôn Adinh 1, thị trấn Prao, huyện Đông Giang), dù chưa thực sự là điển hình trong làm giàu, nhưng ở anh có sự chịu khó, dám nghĩ, dám làm, mà nhiều thanh niên vùng cao cần học tập...

Hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung

Đến cuối nhiệm kỳ 2015 - 2020, giá trị sản xuất nông - lâm - thủy sản của huyện Đông Giang đạt hơn 259 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng hơn 12%). Trong đó huyện đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung với hơn 16.600ha cây keo nguyên liệu (trong đó gần 2.000ha rừng gỗ lớn), 750ha chuối, gần 800ha mây dưới tán rừng, 10ha chè dây, 6ha ớt ariêu... Đồng thời hoàn thành quy hoạch phát triển rừng gỗ lớn gắn với xây dựng chứng chỉ FSC 10.000ha; quy hoạch phát triển dược liệu 7.000ha, đang triển khai trồng khảo nghiệm gần 46ha dưới tán rừng.

Rời núi để nuôi hy vọng kiếm được công việc cho tương lai, Arất Bay vào học tại Trường Cao đẳng Y tế Quảng Nam. Tuy nhiên, sau khi ra trường, do quá khó khăn trong tìm việc, Bay lại quyết định trở về quê lập nghiệp. Với bản tính cần cù, chịu khó, vợ chồng Bay đã xây dựng thành công mô hình gia trại kết hợp giữa chăn nuôi và trồng rừng cho thu nhập khá. Cách đây hơn 4 tháng, vợ chồng Bay xuất bán đàn heo rừng lai hơn 30 con, bỏ túi hơn 60 triệu đồng. Điều thú vị là đàn heo được tiêu thụ nhờ… facebook. “Nhu cầu của người tiêu dùng rất lớn. Chỉ sau mấy hôm rao trên facebook, đàn heo của tôi được bán sạch với giá cao” - Bay kể.

Ngoài đàn heo thịt liên tục được tái đàn, vợ chồng Bay còn trồng keo, quế và nuôi thêm gà vịt, trung bình mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Nguồn thu nhập này giúp gia đình Bay có cuộc sống khấm khá, điều kiện chăm sóc tốt cho con cái. Arất Bay trở thành tấm gương tiêu biểu cho người dân và thanh niên địa phương học tập.

“Ban đầu tôi chẳng có kiến thức gì về chăn nuôi nên phải vừa làm vừa học hỏi. Điều kiện ở vùng cao rất thuận lợi để phát triển mô hình kinh tế gia trại, cái chính là phải siêng năng, cần cù, chịu khó. Nhiều người thấy tôi làm hiệu quả nên đến học hỏi, mua con giống về nuôi; nhưng trong số đó không ít người vì thiếu kiên trì nên không thành công” - Arất Bay chia sẻ.

Trước những dự án du lịch lớn đã và sắp sửa đầu tư trên địa bàn huyện, Arất Bay cho biết sẽ tiếp tục phát triển mô hình kinh tế, tạo ra các sản phẩm nông sản ổn định, nhằm đón đầu cơ hội phục vụ khách du lịch đến với Đông Giang…

Phát triển sản phẩm hàng hóa

Những tấm gương mạnh dạn làm kinh tế như Arất Bay ở vùng cao chưa có nhiều. Có nhiều nguyên nhân, nhưng cốt yếu vẫn nằm ở tư duy và nhận thức của người dân khi còn trông chờ ỷ lại, chưa chịu vượt khó vươn lên. Thay đổi điều này cần có thời gian, tuy nhiên, ở bậc thượng tầng, cấp ủy, chính quyền địa phương cần tiếp tục có sự định hướng, đề ra những chủ trương kịp thời, đúng đắn để giải quyết bài toán căn cơ này.

Xác định phát triển nông nghiệp là ưu tiên số 1, sau đó mới tới dịch vụ và công nghiệp, huyện Đông Giang quyết tâm bảo vệ tốt môi trường rừng nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế kinh tế rừng theo hướng trồng dược liệu dưới tán rừng, phát triển du lịch sinh thái, liên kết doanh nghiệp trồng rừng gỗ lớn…

Với điều kiện sẵn có, Đông Giang cần tập trung tuyên truyền, vận động để thay đổi tư duy, nếp nghĩ người dân mạnh dạn làm kinh tế như tấm gương chàng thanh niên Arất Bay (thôn Adinh 1, thị trấn Prao). Ảnh: VINH ANH
Với điều kiện sẵn có, Đông Giang cần tập trung tuyên truyền, vận động để thay đổi tư duy, nếp nghĩ người dân mạnh dạn làm kinh tế như tấm gương chàng thanh niên Arất Bay (thôn Adinh 1, thị trấn Prao). Ảnh: VINH ANH

Ông Đinh Văn Hươm - Chủ tịch UBND huyện Đông Giang cho biết, dù tỷ trọng ngành nông nghiệp còn nhỏ bé, nhưng nếu phát triển tốt thì sẽ giải được bài toán về thu nhập, đời sống cho người dân vùng cao. Muốn vậy, thời gian đến huyện phải đẩy nhanh phát triển sản xuất hàng hóa với các sản phẩm đặc trưng theo từng vùng, địa phương. Việc này không thể để người dân tự bươn chải mà chính quyền các cấp cần có giải pháp để hỗ trợ, thúc đẩy sản xuất. Trong đó, định hướng xây dựng mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã gắn với chương trình mỗi xã một sản phẩm. Mục tiêu là xây dựng mỗi xã có 1 hợp tác xã gắn với sản phẩm cụ thể, phù hợp với điều kiện, thế mạnh ở địa phương đó.

Theo ông Hươm, phát triển sản phẩm hàng hóa là nhằm đáp ứng xu hướng tất yếu của thị trường, đồng thời đón đầu cơ hội phục vụ du lịch, khi các dự án du lịch lớn trên địa bàn đi vào hoạt động. Bởi một khi khách đến với Khu du lịch Cổng trời Đông Giang họ sẽ muốn tìm hiểu, khám phá nhiều địa danh, con người, văn hóa địa phương. Vì thế, cần sớm xây dựng được các sản phẩm hàng hóa, kể cả nông sản lẫn du lịch để phục vụ du khách.

Ông Hươm cho biết, với đề án quy hoạch vùng đã được xây dựng, Đông Giang được chia làm 4 vùng dựa trên đặc điểm địa lý, điều kiện tự nhiên, phong tục tập quán… Đây là cơ sở quan trọng để huyện đề ra các chủ trương, chính sách lớn nhằm phát triển kinh tế - xã hội 5 năm đến.

“Cùng với các chỉ tiêu nghị quyết, Đông Giang sẽ bám sát quy hoạch vùng được tỉnh phê duyệt để đề ra những chủ trương, chính sách phát triển cho từng địa phương, từng vùng và toàn huyện. Chứ trước đây, khi chưa có quy hoạch vùng, chủ trương gì cũng triển khai chung chung, đại trà nên hiệu quả mang lại không cao” - ông Hươm nói.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Phát triển hàng hóa nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO