Sách lược “phát triển an toàn”

NGUYỄN ĐIỆN NAM 01/09/2020 05:49

Phát triển nhanh, toàn diện và bền vững là điều “dĩ bất biến”. Tuy nhiên khi soạn thảo Báo cáo chính trị, định hướng cho nhiệm kỳ 2020 - 2025, chưa thể dự lường những tác động sâu rộng của đại dịch Covid-19, vậy nên Quảng Nam cần nghiên cứu bổ sung các giải pháp – sách lược để ứng biến, trong đó có vấn đề phát triển an toàn.

Các doanh nghiệp nỗ lực tạo công ăn việc làm cho lao động. Ảnh: DIỄM LỆ
Các doanh nghiệp nỗ lực tạo công ăn việc làm cho lao động. Ảnh: DIỄM LỆ

Bây giờ đã thấy rõ những tác động tiêu cực của đại dịch đối với phát triển kinh tế và đời sống nhân dân. Sản xuất hàng hóa ở nhiều ngành hàng đứt gãy chuỗi cung ứng, bập bênh trên hành trình xuất khẩu. Ngành kinh tế dự phóng là “mũi nhọn” như du lịch gần như phải án binh bất động khi đóng cửa chuỗi khách sạn, các điểm đến. Thương mại dịch vụ quay lại như thời “tự cung tự cấp” chủ yếu cho thị trường nội vùng, nội địa. Sụt giảm nguồn thu ngân sách trầm trọng (giảm hơn 1/3 tổng thu nội địa). Đầu tư phát triển chững lại. Nhiều lao động mất thu nhập, mất việc làm, đình trệ xuất khẩu lao động, nguy cơ tái nghèo lại xuất hiện…

Đứng trước những nan đề phức tạp nảy sinh đó, mục tiêu chiến lược phát triển cơ bản giữ nguyên thì sách lược cần thay đổi để ứng biến linh hoạt. Mô hình phục hồi kinh tế hậu Covid-19 theo hình chữ V (xuống đáy rồi vọt lên) bây giờ bất khả thi, mà theo các chuyên gia phân tích sẽ là chiều hướng hình chữ U (ở đáy lâu hơn mới từ từ phục hồi). Hiển nhiên là phải có kịch bản “sống chung” với trạng thái bình thường mới – vừa sản xuất kinh doanh, vừa đảm bảo an toàn phòng dịch bệnh, và chắc rằng cả nhiệm kỳ đến tập trung lo phục hồi đời sống kinh tế, xã hội sẽ phải là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, trước khi nói đến những bước tăng trưởng nhảy vọt.

Cơ cấu lại nền kinh tế

Đây là nhóm giải pháp trọng tâm thứ 4 trong phương hướng nhiệm vụ và giải pháp mà dự thảo Báo cáo chính trị của Quảng Nam đề cập. Nhóm này có 4 giải pháp bao gồm về chuyển đổi mô hình tăng trưởng; phát triển dịch vụ - du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; phát triển công nghiệp; phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới theo hướng bền vững. Theo thiển ý của chúng tôi, cần điều chỉnh, bổ sung rõ hơn nội dung làm nền tảng cho các giải pháp đó là cơ cấu lại nền kinh tế với kịch bản phục hồi kinh tế hậu Covid-19 gắn chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, an toàn.

Các doanh nghiệp nỗ lực tạo công ăn việc làm cho lao động. Ảnh: DIỄM LỆ
Các doanh nghiệp nỗ lực tạo công ăn việc làm cho lao động. Ảnh: DIỄM LỆ

Chiến lược quốc gia và cả ở các tỉnh thành đều hướng tới mô hình phát triển bền vững với ba nội hàm là tăng trưởng kinh tế gắn liền với xóa đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường. Sau đại dịch, mô hình này cần được duy trì với sự bổ sung những biện pháp bảo đảm an toàn sức khỏe con người theo hướng “giãn cách”.

An toàn, suy cho cùng cũng là thành tố quan trọng cần nhấn mạnh trong phát triển bền vững. Nêu vấn đề “an toàn” là để quản trị rủi ro trong điều kiện dịch bệnh tái phát/phát sinh có thể gây tổn thương mạnh đến các ngành kinh tế, đặc biệt như dịch vụ - du lịch. Theo đó các ngành công nghiệp cần ứng dụng những giải pháp công nghệ trong vận hành nhà máy an toàn từ chuỗi cung ứng đến nhân lực, với cách thức tổ chức sản xuất “phi tiếp xúc”. Còn “mũi nhọn” là du lịch thì cần có giải pháp “tiếp xúc an toàn” trong tổ chức các hoạt động, sự kiện thu hút tập trung đông người.

Để an toàn sẽ cần lựa chọn sách lược phát triển ngành kinh tế không tiếp xúc. Theo đó đặt ra nhu cầu đầu tư nâng cấp hạ tầng viễn thông để hỗ trợ phát triển kinh tế số - hạ tầng mềm. Từ đó áp dụng các dịch vụ công không tiếp xúc như thủ tục hành chính, học online, phòng bệnh và khám chữa bệnh từ xa, chia sẻ dữ liệu số hóa, giao dịch và thanh toán tài chính tín dụng bằng công nghệ số…

An toàn còn là việc đảm bảo an sinh xã hội bằng sách lược giải quyết lao động việc làm. Khủng hoảng do dịch bệnh kéo theo lao động trong ngành dịch vụ - du lịch bị thất nghiệp, đòi hỏi cần xem xét cân nhắc tỷ lệ chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang phi nông nghiệp như thế nào cho phù hợp. (Nông nghiệp trong dịch covid là một trụ đỡ cho an sinh xã hội, nên cần tính toán đầu tư phát triển để giải quyết một tỷ lệ lực lượng lao động có tính ổn định, an toàn hơn).   

Chú trọng đầu tư công nghệ cho y tế và giáo dục

Y tế và giáo dục là hai lĩnh vực trọng yếu trong đầu tư phát triển xã hội. Tuy nhiên có sự bất tương xứng về cơ cấu nội dung trong phần phương hướng với 14 nhiệm vụ và giải pháp. Đó là dành riêng cho giáo dục một nhóm giải pháp trọng tâm - nhóm 5 (“Tiếp tục thực hiện có hiệu quả việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”), đồng thời lại có phần trùng lặp và lồng ghép nội dung giáo dục công dân, giáo dục thể chất vào nhóm 7 (Phát huy giá trị và sức mạnh văn hóa, con người Quảng Nam). Trong khi đó, giải pháp về y tế chỉ được định hướng bằng một đoạn ngắn “tiếp tục quan tâm đầu tư cho công tác y tế…”, lồng ghép trong nhóm 8 (“Quản lý phát triển xã hội bền vững, bảo đảm công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân; đẩy mạnh công tác giảm nghèo bền vững”).

Không đơn thuần là kỹ thuật văn bản, do chưa thể dự lường tác động các yếu tố rủi ro do dịch bệnh Covid-19 mang lại, nên giờ đây cần bổ sung và điều chỉnh định hướng, giải pháp đầu tư về y tế và giáo dục trong trạng thái bình thường mới. Ít nhất hai nội hàm khái niệm cần phải đề cập là “khám chữa bệnh từ xa” và “giáo dục từ xa” thông qua kết nối công nghệ, trực tuyến.

Trong điều kiện gương mặt nhân loại bị che khuất bởi khẩu trang thời covid, y tế là lĩnh vực bị tác động khá mạnh và sẽ còn kéo dài. Khi khủng hoảng y tế xảy ra, người ta mới nhận thấy rằng, “xã hội hóa” hoặc tư nhân hóa hệ thống y tế sẽ hạn chế về điều động nhân vật lực để phản ứng nhanh, ngăn chặn và khống chế dịch bệnh. Vai trò chi phối và điều tiết của Nhà nước thông qua hệ thống y tế công lập, mạng lưới y tế từ cơ sở đến Trung ương rất cần thiết, có quyết định cho thành bại của công cuộc phòng chống dịch. Cho nên việc đầu tư cho hệ thống y tế chăm sóc sức khỏe cộng đồng là rất quan trọng. Đầu tư cho y tế, có một bài học đáng nhớ đối với nhiều địa phương trong nước là làm thế nào để trang bị phương tiện hiện đại kịp thời và sử dụng hiệu quả trong phòng chống dịch. Ngoài ra, đầu tư cho khám chữa bệnh từ xa (mà các ca hội chẩn liên bệnh viện với các chuyên gia là ví dụ sinh động), đòi hỏi phải trang bị nền tảng công nghệ tương ứng.

Đầu tư y tế với mục tiêu đáp ứng xã hội nhưng cũng là kinh tế. Bởi thời kỳ “hậu Covid-19” bổ sung thêm nội hàm “phát triển an toàn” với hàm ý chú trọng hơn nữa việc phát triển các lĩnh vực kinh tế liên quan bảo vệ sức khỏe con người như công nghệ sinh học, dịch tễ, vi trùng/vi khuẩn học, y tế dự phòng, nghiên cứu, sản xuất và dự trữ vắc xin cũng như các loại dược phẩm, dụng cụ y tế… cần thiết.

Đầu tư cho giáo dục cũng tương đồng với những đòi hỏi về công nghệ. Phát triển công nghệ số hóa dữ liệu giáo khoa, giáo án, giáo trình thành tài liệu dạy và học, cùng với trang bị nền tảng công nghệ thông tin cho các trường học, kết nối mạng liên thông, để đảm bảo dạy và học trực tuyến là điều kiện bắt buộc khi cách ly xã hội lúc dịch bệnh xảy ra. Từ các câu chuyện gây dư luận ồn ào trong hai đợt dịch vừa qua (như bàn chuyện tổ chức thi trực tiếp hay không; tổ chức dạy học trực tuyến như thế nào trong khi miền núi, vùng xa còn thiếu các điều kiện kết nối công nghệ, làm cho giáo dục phải rơi vào tình thế xoay xở bị động), nên phải tính đến các giải pháp lâu dài cho giáo dục an toàn. Vậy nên đổi mới về giáo dục trước hết chú trọng đổi mới về công nghệ là sách lược cần tính đến, thứ nữa là tiếp tục xây dựng mô hình “trường học an toàn”. Nhân đây cũng xin góp ý là báo cáo chính trị nên phác thảo chiến lược và sách lược, giải pháp phát triển giáo dục trên những định hướng tổng quát. Nếu cần nêu những vấn đề như đầu tư cho các loại hình giáo dục - đào tạo thì quan tâm đến chính sách và việc đáp ứng cơ sở hạ tầng (cứng và mềm) cho tất cả cấp học, các loại hình giáo dục, mà không nên đề cập một cơ sở giáo dục cụ thể nào như nội dung “đưa Trường Đại học Quảng Nam trở thành thành viên đại học vùng” (bởi điều đó cần do đại học tự chủ quyết định).  

Thay lời kết

Còn nhiều nội dung về sách lược phát triển trong dự thảo Báo cáo chính trị cần tiếp tục góp ý trước thềm đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII. Do khuôn khổ có hạn nên bài viết này chỉ đề cập các vấn đề về chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư phát triển xã hội ở các lĩnh vực thiết yếu như y tế và giáo dục theo hướng “phát triển an toàn”. Thiển nghĩ diễn đàn “Vì Quảng Nam phát triển” trên Báo Quảng Nam cần tiếp tục thu nhận các góp ý để tỉnh bổ sung điều chỉnh kịch bản kinh tế - xã hội thời kỳ hậu Covid-19, nhằm có giải pháp phát triển bao trùm, toàn diện, bền vững. Tất cả cũng là kỳ vọng hoạt động kinh tế - xã hội an toàn, từ ổn định đời sống nhân dân rồi đi đến phát triển phồn vinh, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Sách lược “phát triển an toàn”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO