Tắc đường, nông sản vùng cao Tây Giang tắc đầu ra

ĐÌNH HIỆP 08/11/2020 14:23

Cây cam bản địa, đẳng sâm ở 2 xã Ch'Ơm, Ga Ry (huyện Tây Giang) đến mùa thu hoạch không bán được do bão lũ làm tắc đường từ trung tâm huyện lên 3 xã vùng cao. Đời sống bà con ở đây vốn khó khăn, nay càng khó.

Tư thương không thu mua

Ông Ría Nhoóp - Bí thư Đảng ủy xã Ga Ry cho biết, cơn bão số 5, rồi số 9 đã làm sạt lở núi gây tắc đường lên 3 xã vùng cao, làm hư hại nhiều diện tích hoa màu, đặc biệt là cây đẳng sâm và cây cam của người dân. Đặc biệt là hàng chục héc ta cam, hàng trăm héc ta đẳng sâm đến kỳ thu hoạch không biết bán cho ai.

Mưa kéo dài nhiều ngày đã làm cho củ đẳng sâm bị thối rữa, người dân thu hoạch lá về nấu canh. Ảnh: Đ.H
Mưa kéo dài nhiều ngày đã làm cho củ đẳng sâm bị thối rữa, người dân thu hoạch lá về nấu canh. Ảnh: Đ.H

Mọi năm, một ký cam bán được 20 - 30 nghìn đồng, mỗi ký đẳng sâm khoảng 100 - 200 nghìn đồng thì nay đành ngậm ngùi vứt bỏ. Hiện, toàn huyện Tây Giang có hơn 400ha đẳng sâm và hơn 50ha cây cam bản địa.

Nhiều hộ dân trồng cam ở vùng cao Tây Giang đang lo lắng, đứng ngồi không yên vì hai mặt hàng nông sản đem lại thu nhập chính cho họ nay không ai mua. Gia đình anh Ríah Nhoót ở thôn Ating, xã Ga Ry (một trong những hộ trồng cam nhiều nhất huyện) cho biết, nhiều lần anh xuống trung tâm huyện liên hệ với các tư thương nhưng ai cũng lắc đầu, vì sạt lở gây tắc đường không thể vận chuyển nông sản về đồng bằng tiêu thụ.

Hộ Coor Thị Ích ở thôn Pưt (xã Ga Ry) trồng hơn 1ha đẳng sâm cũng đã đến mùa thu hoạch nhưng chưa bán được. Mưa dài ngày đã làm cho củ sâm ngập nước, thối rữa; thu hoạch về lại không có điện để sấy nên hư hỏng.

Chị Coor Thị Ích cho hay, đã nhiều lần liên hệ với doanh nghiệp chế biến dược liệu để thu mua nhưng vẫn chưa có kết quả. Tương tự, nhiều hộ trồng sâm ở hai xã này cũng gặp khó khăn về đầu ra cho cây sâm.

Nỗ lực thông đường

Để giúp người dân vượt qua khó khăn do bão lũ, nhất là việc vận chuyển hàng hóa, huyện Tây giang đã đưa ra nhiều giải pháp. Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT, Phó Trưởng ban Chỉ huy PCTT&TKCN huyện cho biết, Tây Giang đang dốc toàn bộ lực lượng để khắc phục giao thông lên vùng cao. Tuy nhiên việc triển khai gặp nhiều khó khăn do trời mưa, chiều hôm trước khắc phục xong, sáng hôm sau sạt lở, vùi lấp lại.

Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện kiểm tra lại số lượng cũng như chất lượng cam để tìm cách giúp người dân tiêu thụ. Ảnh: Đ.H
Ông Trần Văn Ta - Trưởng phòng NN&PTNT huyện kiểm tra lại số lượng cũng như chất lượng cam để tìm cách giúp người dân tiêu thụ. Ảnh: Đ.H

Hiện có 11 công ty xây dựng tham gia khắc phục sạt lở. Tuy nhiên tuyến giao thông từ xã Tr'Hy đi A Xan và từ A Xan đi Ga Ry và từ A Xan đi Ch’Ơm vẫn chưa thông. Người dân hiện rất khó khăn do không bán được cam và củ đẳng sâm; trong khi đó các mặt hàng, thực phẩm thiết yếu phục vụ đời sống của người dân vùng cao đang cạn kiệt.

Ông Ta cho biết thêm, huyện đã vận động các hợp tác xã (HTX) thu mua, chế biến nông sản để tìm đầu ra cho hai loại cây này. Đồng thời tham mưu UBND huyện có cơ chế hỗ trợ giá, chi phí vận chuyển. Các HTX như Nông nghiệp và dược liệu Tây Giang, Trường Sơn Xanh, Nông nghiệp xã Ch’Ơm, Dược liệu Đức Huy Tây Giang đã thống nhất thu mua cam, đẳng sâm, chỉ còn chờ đường thông nữa thôi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tắc đường, nông sản vùng cao Tây Giang tắc đầu ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO