Thúc đẩy xã hội hóa đầu tư phát triển văn hóa - xã hội

TRỊNH DŨNG 10/01/2022 06:23

UBND tỉnh sẽ trình cơ chế, chính sách xã hội hóa đầu tư lên HĐND tại Kỳ họp thứ 5, dự kiến tổ chức ngày 12.1.2022. Đề án này sẽ khuyến khích, tạo động lực quan trọng thu hút đầu tư, giảm gánh nặng đầu tư công...

Bảo tàng gốm sứ Sa huỳnh tại Núi Thành là một trong những dự án thu hút xã hội hóa đầu tư trong nhiều năm qua. Ảnh: T.D
Bảo tàng gốm sứ Sa huỳnh tại Núi Thành là một trong những dự án thu hút xã hội hóa đầu tư trong nhiều năm qua. Ảnh: T.D

Thu hút đầu tư yếu

Bảo tàng gốm sứ Sa Huỳnh dựng bên đường ven biển qua Núi Thành hay chương trình nghệ thuật thực cảnh “Ký ức Hội An”, Trung tâm biểu diễn nghệ thuật Lune (Hội An)... vẫn luôn là những không gian thẩm mỹ cho công chúng thưởng ngoạn văn hóa, nghệ thuật.

Bệnh viện tư nhân, trường học, dạy nghề... ra đời, góp phần giảm tải sức ép về nhu cầu khám chữa bệnh, học tập của dân chúng... Những “dữ liệu” ấy thể hiện nỗ lực của chính quyền trong việc thu hút đầu tư, giảm gánh nặng đầu tư từ ngân sách nhà nước, thông qua chương trình xã hội hóa.

Theo thống kê, trong vòng 13 năm (2008 - 2021), Quảng Nam thu hút 43 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 5.325 tỷ đồng, nhưng có đến 6 dự án không đủ điều kiện thực hiện.

Các dự án chủ yếu tập trung tại các đô thị (Hội An, Điện Bàn, Tam Kỳ) với 23 dự án, khu vực đồng bằng 13 dự án và chỉ 1 dự án thuộc địa phận miền núi (Tiên Phước). Chỉ tính riêng 2018 - 2020, sau quyết định kêu gọi xã hội hóa đầu tư của chính quyền Quảng Nam đã có đến 17 dự án đầu tư (9 dự án tại đô thị).

Theo tính toán của Sở Kế hoạch - Đầu tư, giai đoạn 2016 - 2020, đầu tư công (trung ương và tỉnh) cho y tế khoảng 1.000 tỷ đồng thì mức huy động vốn đầu tư từ các dự án xã hội hóa cho lĩnh vực này tương đương 40%.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư cho hay, đầu tư từ ngân sách nhà nước không ngừng tăng lên, nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Số lượng dự án đầu tư thu hút từ xã hội hóa quá thấp, chưa phản ánh đúng mức vai trò, tiềm năng của khu vực tư nhân.

Trong lĩnh vực GD-ĐT chủ yếu mầm non, thiếu dự án đầu tư vào các cấp học khác; y tế chỉ có dự án bệnh viện đa khoa, chưa có dự án bệnh viện chuyên khoa kỹ thuật cao, lão khoa hay viện dưỡng lão... Thể dục, thể thao chỉ là những dự án quy mô nhỏ, chủ yếu các sân bóng đá mini.

“Nguồn vốn tư nhân đầu tư vào văn hóa, thể thao chưa đa dạng, quy mô không lớn, chiếm tỷ trọng nhỏ. Chủ yếu tập trung vào các loại hình có gắn kết với các khu du lịch, nghỉ dưỡng lớn, mang tính vui chơi, giải trí, trải nghiệm, nghỉ dưỡng, chưa thực sự thu hút được các dự án mang tính độc lập, riêng lẻ” - ông Thanh nói.

Xã hội hóa đầu tư mạnh mẽ

Đề án cơ chế, chính sách xã hội hóa đầu tư đã từng được trình HĐND tại Kỳ họp thứ 4 (diễn ra vào giữa tháng 12.2021), nhưng chưa được thông qua. Ông Nguyễn Đức - Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh nói, đề án cũ có một số điểm chưa hợp lý như: căn cứ xác định vùng chưa được trọn vẹn, quy định khu vực ven biển cách 3km được thu hút đầu tư xã hội hóa không có cơ sở... 

 

Theo Sở Kế hoạch - Đầu tư, khả năng cân đối vốn đầu tư công cho 7 lĩnh vực sẽ thu hút đầu tư (GD-ĐT, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường và giám định tư pháp) giai đoạn 2022 - 2025 dự kiến chỉ đảm bảo cân đối khoảng 20%.

Chính quyền sẽ tiếp tục đẩy mạnh thu hút xã hội hóa đầu tư, mở rộng quy mô, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các hình thức đầu tư. Cơ chế, chính sách UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh xem xét thông qua tại Kỳ họp thứ 5 có một số điểm mới.

Ông Nguyễn Hoàng Thanh cho biết cơ chế, chính sách lần này về miễn tiền thuê đất và hỗ trợ giải phóng mặt bằng sẽ có sự khác biệt theo từng địa bàn đầu tư hay khác biệt về mức ưu đãi theo từng loại hình dự án trong cùng một lĩnh vực. Sẽ nâng cao hiệu quả sử dụng đất, công bằng, công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện các dự án...

Các phiên lấy ý kiến địa phương do Ban Kinh tế - Ngân sách và Sở Kế hoạch - Đầu tư phối hợp đã nhận khá nhiều ý kiến. Ông Nguyễn Thanh Sơn - Phó Chủ tịch HĐND huyện Duy Xuyên cho rằng, cần chính sách ổn định lâu dài để nhà đầu tư có thể thu hồi vốn; tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để các nhà đầu tư được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi.

Gần như các địa phương đều thống nhất với những cơ chế, chính sách được đưa ra. Tuy nhiên, yêu cầu cần dịch chuyển mạnh mẽ về nông thôn và gia tăng thêm các loại hình nhà dưỡng lão, cơ sở hỏa táng, điện táng, nhà tang lễ, vệ sinh công cộng...

Ông Nguyễn Văn Vinh - Phó Chủ tịch HĐND TP.Hội An nói, xu hướng đô thị sẽ lựa chọn mô hình nhà dưỡng lão cho những gia đình thuận kinh tế nhưng không đủ điều kiện chăm sóc người thân, nên việc sắp xếp lại hệ thống cơ sở bảo trợ xã hội, xây dựng nhà dưỡng lão... cần được miễn toàn bộ tiền thuê đất cho cả thời gian thuê ở khu vực đô thị.

Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP.Tam Kỳ cho rằng, theo quy định, các xã, phường đô thị đều áp dụng cơ chế, chính sách như nhau. Tuy nhiên, 4 xã nông thôn của Tam Kỳ khó khăn, nhưng rất cần thu hút đầu tư loại hình này, nên cần cơ chế, chính sách ưu tiên hơn với khu vực nội thị.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Thúc đẩy xã hội hóa đầu tư phát triển văn hóa - xã hội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO