Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế

TS.TRẦN VĂN TÂN (Phó Chủ tịch UBND tỉnh) 08/10/2020 06:45

Đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế là chủ trương lớn và được đề cập rõ nét từ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI cho đến nay. Tại Đại hội lần thứ XI, mô hình tăng trưởng đã được Đảng xác định “chuyển đổi từ chủ yếu phát triển theo chiều rộng sang phát triển hợp lý giữa chiều rộng và chiều sâu, vừa mở rộng quy mô vừa chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính bền vững”; đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, định hướng về mô hình tăng trưởng được phát triển thêm, nhưng lấy phát triển chiều sâu là hướng chủ đạo và nâng cao tính bền vững, chú trọng cả chất lượng và số lượng.

Cần phát triển vùng kinh tế trọng điểm, mà trung tâm là Khu kinh tế mở Chu Lai để thực hiện tốt vai trò đầu tàu, lan tỏa thúc đẩy phát triển. TRONG ẢNH: Sân bay Chu Lai. Ảnh H.Q
Cần phát triển vùng kinh tế trọng điểm, mà trung tâm là Khu kinh tế mở Chu Lai để thực hiện tốt vai trò đầu tàu, lan tỏa thúc đẩy phát triển. TRONG ẢNH: Sân bay Chu Lai. Ảnh H.Q

Xuất phát từ tính tất yếu khách quan, từ chiến lược phát triển của đất nước, từ tình hình thực tế của địa phương và mục tiêu của Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII là phấn đấu đưa Quảng Nam trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước, cần phải thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đưa Quảng Nam phát triển nhanh và bền vững.

Tăng trưởng thiếu ổn định

Thực tiễn nền kinh tế của Quảng Nam sau 23 năm tái lập tỉnh, cùng với cả nước đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, những kết quả đạt được có tính nổi bật như: tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh; cơ cấu kinh tế các ngành chuyển biến tích cực, tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ từ 52% năm 1997 lên gần 90% năm 2020, từ một trong những địa phương nghèo nhất nước, đến nay quy mô nền kinh tế duy trì ở vị trí thứ hai khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung...

Bên cạnh kết quả đạt được, một số hạn chế cũng được nhận diện rõ nét hơn. Cụ thể, quan sát tăng trưởng kinh tế hằng năm của tỉnh cho thấy sự thiếu ổn định và không bền vững. Năm 2016, tăng trưởng lên đến 27,2%, đây là mức cao kỷ lục từ trước đến nay; nhưng năm 2017 chỉ tăng 5,1% - mức thấp kỷ lục trong gần 10 năm; năm 2018 tăng cao ở mức 8,1%; năm 2019 tăng trưởng giảm sâu, chỉ đạt 3,81%; năm 2020 do ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, dự báo khả năng hiện hữu cả năm tăng trưởng âm. Mặt khác, tăng trưởng kinh tế của tỉnh thiếu linh hoạt và hiệu quả, nhiều động lực chưa được phát huy, cấu trúc kinh tế thay đổi chậm. Các cân đối lớn của nền kinh tế thiếu bền vững. Chuyển dịch cơ cấu ngành kinh tế theo hướng truyền thống là chủ yếu, dựa vào lợi thế tĩnh, hao tốn tài nguyên, năng suất và giá trị gia tăng thấp nên đang chậm dần và không còn dư địa.

Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển dịch vụ - du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. TRONG ẢNH: Du khách tham quan đảo Cù Lao Chàm. Ảnh: H.Q
Quảng Nam đặt mục tiêu phát triển dịch vụ - du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. TRONG ẢNH: Du khách tham quan đảo Cù Lao Chàm. Ảnh: H.Q

Một hạn chế nữa là ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng cao như cơ khí, chế biến chế tạo, sản xuất và phân phối điện... đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt và điều kiện tự nhiên không thuận lợi. Ngành dịch vụ còn nhiều dư địa và tăng trưởng ổn định với mức tăng bình quân 6 - 7% (trừ năm 2016 tăng đột biến) nhưng chỉ mới khai thác về số lượng, chưa phát triển đồng bộ, chất lượng giữa du lịch và các ngành dịch vụ khác. Chuyển dịch cơ cấu lao động chưa phù hợp với chuyển dịch cơ cấu kinh tế; lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chiếm tỷ lệ gần 38%, trong khi cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp chiếm khoảng hơn 10%. Tỷ trọng ngành chăn nuôi trong nông nghiệp còn thấp, chiếm khoảng 26,5%...

Cơ cấu lại ngân sách, nâng cao chất lượng tăng trưởng

Đẩy mạnh cơ cấu lại thu, chi ngân sách, bảo đảm an toàn nợ chính quyền địa phương. Thực hành tiết kiệm chi đầu tư công và chi thường xuyên trong khả năng cân đối ngân sách. Tăng cường quản lý nợ đầu tư công, kiểm soát chặt và sử dụng hiệu quả vốn vay, chỉ vay trong khả năng trả nợ của ngân sách tỉnh, vay để thực hiện nhiệm vụ trọng yếu thúc đẩy phát triển nền kinh tế, xã hội. Từng ngành, lĩnh vực, địa phương phải nâng cao hơn nữa hiệu quả phân bổ nguồn lực, tạo sự bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực, cơ hội kinh doanh, nhất là vốn, đất đai; đảm bảo đầu tư công hiệu quả hơn, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế. Ưu tiên chi đầu tư cho các nhiệm vụ trọng yếu, chiến lược, thúc đẩy vùng động lực để lan tỏa phát triển chung toàn tỉnh...

Xây dựng và hoàn thành có chất lượng quy hoạch tỉnh theo đề cương nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; rà soát các quy hoạch chuyên ngành có tầm nhìn, tổ chức quản lý phát triển một cách đồng bộ, khắc phục tình trạng chia cắt, cục bộ ngành và địa phương. Phấn đấu huy động vốn đầu tư toàn xã hội nhiều hơn, khoảng 200 nghìn tỷ đồng, với 80% nguồn vốn ngoài nhà nước, đồng thời gắn huy động với sử dụng hiệu quả vốn đầu tư giai đoạn 2016 - 2020; huy động, phân bổ nguồn lực để xây dựng, phát triển vùng kinh tế trọng điểm, được xác định là vùng Đông Nam, mà trung tâm là Khu kinh tế mở Chu Lai để thực hiện tốt vai trò đầu tàu, lan tỏa thúc đẩy phát triển, cùng với các địa phương ven biển phấn đấu đạt tỷ trọng hơn 70% tổng sản phẩm trong tỉnh...

Cần nâng cao chất lượng tăng trưởng, cơ cấu nền kinh tế theo hướng gắn với cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư: Xây dựng chương trình, kế hoạch để chủ động thực hiện các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới; theo đó, đề ra các yêu cầu, giao nhiệm vụ bắt buộc cho từng ngành, từng địa phương phải tổ chức thực hiện; đồng thời hỗ trợ, đề xuất một số nhiệm vụ để doanh nghiệp chủ động xây dựng các phương án sản xuất, sẵn sàng cho hội nhập quốc tế sâu rộng, tham gia chuỗi phân phối toàn cầu và thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế.

Cơ cấu lại các ngành dịch vụ, duy trì tốc độ tăng trưởng các ngành dịch vụ cao hơn tốc độ tăng trưởng của tổng sản phẩm trong tỉnh từ 0,5% đến 1%. Tập trung phát triển một số ngành dịch vụ có lợi thế như du lịch; có hàm lượng tri thức và công nghệ cao như công nghệ thông tin và truyền thông, thương mại điện tử, công nghệ số. Phát triển dịch vụ - du lịch thật sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh; nâng cao chất lượng dịch vụ; chú trọng phát triển thương mại nội địa để thúc đẩy tiêu dùng, phát triển sản xuất. Khuyến khích các doanh nghiệp mở rộng không gian du lịch về phía Nam, phía Tây.

Cơ cấu lại ngành công nghiệp theo hướng khuyến khích đổi mới công nghệ, tự động hóa trong sản xuất nhằm tiết kiệm nguyên liệu, thời gian, nhân công, tăng nhanh năng suất lao động. Phát triển công nghiệp chế biến sâu, công nghiệp chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, tăng hàm lượng công nghệ và tỷ trọng giá trị nội địa trong từng sản phẩm... Phấn đấu tăng tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp từ 51% hiện nay lên hơn 70% và tại các cụm công nghiệp đang hoạt động lên hơn 75%; đồng thời xây dựng mới một số khu, cụm công nghiệp. Thúc đẩy 12 dự án công nghiệp đang triển khai với tổng vốn hơn 14.000 tỷ đồng đi vào hoạt động ngay từ năm 2021, tạo điều kiện thuận lợi tối đa để doanh nghiệp mở rộng dự án đầu tư, phát triển sản xuất, phục vụ mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế.

Hỗ trợ kinh tế tư nhân và chuyển đổi số

Đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài liên tục tăng trong các năm qua, hiện chiếm hơn 65% trong cơ cấu kinh tế, 77% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và 96% tổng thu ngân sách; theo đó, kinh tế tư nhân chiếm hơn 60% trong cơ cấu kinh tế, 52% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và 82% tổng thu ngân sách; rõ ràng đây là nhân tố chính thúc đẩy tăng quy mô nền kinh tế và tăng thu ngân sách. Vì vậy, cần thiết phải thực hiện tốt hơn nữa hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới mạnh mẽ, đa dạng hóa các hình thức hỗ trợ phát triển doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Thúc đẩy hình thành và phát triển các loại hình doanh nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến, nhất là các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ, có công nghệ hiện đại để làm nòng cốt, mũi nhọn tiên phong phát triển kinh tế. Thu hút có chọn lọc các dự án đầu tư nước ngoài. Tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp; luôn lắng nghe, thấu cảm, tận tâm, tận lực giải quyết nhanh nhất có thể những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp.

Cần thiết lập các hệ thống công cụ ứng dụng, chuyển đổi số để phục vụ cho cơ cấu lại nền kinh tế trong trạng thái mới: Dữ liệu là nguyên liệu chính tạo ra các tri thức cho tương lại. Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu mở là hướng đi tất yếu theo xu thế chung. Tuy nhiên, đây là công việc rất phức tạp, đòi hỏi phải có sự nhất quán và kiên trì theo đuổi để đạt được mục tiêu đề ra trong dài hạn. Vì vậy, ưu tiên phát triển nhanh, đồng bộ chính quyền điện tử, chuyển đổi nhanh chính quyền điện tử sang chính quyền số, gắn liền với phát triển hạ tầng dịch vụ số nhằm tối ưu hóa các hoạt động của nền kinh tế. Chia sẻ thông tin phục vụ cho phân tích và dự báo phát triển các loại thị trường; sử dụng các nguồn lực tài chính, đất đai, lao động, khoa học công nghệ... để phát triển các ngành, lĩnh vực với hiệu quả kinh tế cao nhất.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa các thủ tục, điều kiện đầu tư, kinh doanh; tinh giản bộ máy, tổ chức, biên chế; đào tạo nguồn nhân lực quản lý và phát triển tài nguyên số, dữ liệu mở, gắn nền kinh tế chia sẻ với xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ, năng động, sáng tạo, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO