Tìm kế sách giải ngân vốn đầu tư công

TRỊNH DŨNG (thực hiện) 29/08/2021 05:54

Theo số liệu của Kho bạc Nhà nước, tính đến ngày 31.7.2021, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của Quảng Nam mới chỉ đạt 35,5% (thấp hơn mức bình quân chung cả nước 37%). Chuyện xài không hết vốn đầu tư như một căn bệnh trầm kha, không có thuốc đặc trị. Chính quyền, cơ quan quản lý đã ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn, lẫn “kêu gọi” giải ngân, kể cả những mệnh lệnh hành chính kèm theo các chế tài, nhưng nhiều năm qua vẫn không thể thay đổi.

Chủ đầu tư (Ban quản lý dự án đầu tư công trình NN&PTNT), nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án kè khẩn cấp chống xói lở bờ biển Hội An.Ảnh: T.D
Chủ đầu tư (Ban quản lý dự án đầu tư công trình NN&PTNT), nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công dự án kè khẩn cấp chống xói lở bờ biển Hội An.Ảnh: T.D

Cam kết của các chủ đầu tư, cơ quan quản lý giải ngân 100% kế hoạch vốn chỉ là lý thuyết. “Sự cố” không tiêu hết tiền năm nào cũng xuất hiện khiến không thể không đặt lên bàn nghị sự câu hỏi là tại cơ chế, chính sách hay năng lực của chủ đầu tư, nhà thầu?

Chính quyền Quảng Nam đã quyết định tăng cường phân cấp, ủy quyền trong công tác đầu tư xây dựng, bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), điều động, biệt phái, trưng dụng cán bộ, bổ sung biên chế.

Tổng hợp các vướng mắc theo từng địa bàn, phân công các Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy đứng điểm từng khu vực để chỉ đạo giải quyết từng vướng mắc cụ thể... Những giải pháp này được kỳ vọng sẽ tạo nên diện mạo mới của giải ngân vốn đầu tư trong thời gian đến.

Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công công trình để gia tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: T.D
Các nhà thầu đang đẩy nhanh tiến độ thi công công trình để gia tăng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: T.D

Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Quang Thử: “Điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn”

 

Năm 2021 bắt đầu thực hiện giải ngân trong 1 năm, nên buộc phải bố trí sát vốn với khả năng thực hiện dự án. Tuy nhiên, tiến độ giải ngân ì ạch. Nguy cơ tái diễn cảnh không xài hết vốn.

Nhằm đảm bảo tỷ lệ giải ngân đạt 95% - 100% kế hoạch vốn, tỉnh sẽ điều chuyển, cắt giảm kế hoạch vốn theo từng mức vốn cụ thể, tương ứng với từng thời điểm.

Cụ thể, với kế hoạch vốn năm 2020 kéo dài sang 2021, đến ngày 30.9 sẽ điều chuyển, cắt giảm 50% kế hoạch vốn còn lại chưa giải ngân hết, đến 30.11 sẽ điều chuyển, cắt giảm hết kế hoạch vốn còn lại chưa giải ngân hết.

Riêng kế hoạch vốn của các dự án khởi công mới năm 2021, sẽ cắt giảm 100% kế hoạch vốn nhóm các dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, cắt 70% kế hoạch vốn nhóm chưa phê duyệt dự án, cắt giảm 30 - 50% kế hoạch vốn nhóm chưa phê duyệt thiết kế - dự toán...

Nguồn vốn cắt giảm sẽ điều chuyển, bổ sung các dự án có khả năng giải ngân cao, có nhu cầu bổ sung kế hoạch vốn và các dự án ngân sách tỉnh đang nợ khối lượng xây dựng cơ bản. Sẽ bố trí cho các dự án đã quyết toán hoàn thành, các dự án có nhu cầu thanh toán nợ khối lượng và GPMB theo đề nghị của chủ đầu tư hơn 280 tỷ đồng.

UBND tỉnh đã yêu cầu các sở thẩm định chuyên ngành cần rút ngắn tối đa thời gian thẩm định chủ trương đầu tư, thẩm định dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật - dự toán. Sẽ phải tăng cường cán bộ, công chức chuyên môn phân công thực hiện các nhiệm vụ thẩm định thiết kế kỹ thuật - dự toán, dự án.

Xem xét tổ chức làm thêm giờ, đề xuất trưng dụng cán bộ kỹ thuật từ các ban quản lý để xử lý công việc tại thời điểm tập trung hồ sơ thẩm định nhiều, quá tải so với nhân lực hiện có.

Các chủ đầu tư lựa chọn đơn vị tư vấn uy tín, chất lượng, đảm bảo tư vấn hồ sơ không phải bổ sung, điều chỉnh nhiều lần. Tập trung thực hiện công tác chuẩn bị đầu tư với các dự án mới để đấu thầu thi công. Không giao hết nội dung công việc của chủ đầu tư cho đơn vị tư vấn làm để tránh ảnh hưởng tiến độ thực hiện và chất lượng của dự án.

UBND các huyện, thị, thành phố chủ động phối hợp với chủ đầu tư, các ngành liên quan thực hiện tiểu dự án bồi thường GPMB của các dự án.

Các chủ đầu tư lập danh sách cụ thể tên từng dự án, địa phương vướng giải phóng mặt bằng, số kế hoạch vốn cụ thể chưa giải ngân được liên quan đến GPMB, báo cáo UBND tỉnh xem xét, tập trung chỉ đạo giải quyết, xử lý.

Tổ công tác kiểm tra, đôn đốc giải ngân vốn đầu tư công và quyết toán dự án hoàn thành công trình sử dụng vốn nhà nước sẽ trực tiếp làm việc với các sở, ban, ngành, địa phương, đôn đốc, kiểm tra, giám sát, xử lý hoặc tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh xử lý các điểm nghẽn, vướng mắc, khó khăn của các dự án đầu tư công.

Kết quả giải ngân sẽ được xem xét khen thưởng hoặc kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân người đứng đầu có liên quan khi bị trung ương thu hồi vốn.

Giám đốc Sở Tài chính Đặng Phong: “Không tách tiểu dự án giải phóng mặt bằng, khó thể giải ngân hết vốn”

 

Hiện không còn tồn đọng bất cứ hồ sơ thanh quyết toán nào tại cơ quan tài chính. Song, có thể thấy giải ngân năm nào cũng vướng thủ tục pháp lý. Luật Đầu tư công mới có hiệu lực nhưng thủ tục vẫn rườm rà, nhiều công đoạn, tốn nhiều thời gian.

GPMB không bao giờ là dễ và năng lực thẩm định, trình duyệt của các cơ quan chuyên ngành chưa dễ tháo gỡ trong ngắn hạn. Địa phương không thể thay đổi được quy trình. Chỉ có thể rút ngắn bớt đi một số ngày chứ không thể hơn.

Theo Luật Đầu tư công, không nhất thiết chủ đầu tư phải đợi tới ghi vốn mới triển khai công tác chuẩn bị đầu tư. Có thể làm vài năm trước, hoàn tất các danh mục để đến khi ghi vốn, triển khai liền. Có thể phân bổ kế hoạch vốn sớm, thẩm định hồ sơ nhanh. Nhưng, giải pháp gì đi chăng nữa vẫn sẽ khó khi GPMB luôn là điểm nghẽn.

Dự án đầy đủ các thủ tục sớm nhất có thể nhưng nếu GPMB chậm thì sẽ đình trệ nay. Sự ì ạch bắt đầu từ GPMB chính là một trong những nguyên nhân quan trọng nhất. Chế độ, chính sách bất cập, không nhất quán. Mỗi địa phương vận dụng khác nhau... đã trở thành điểm nghẽn.

Dự án được phê duyệt luôn bao gồm cả tiểu dự án GPMB trong tổng thể dự án, không được tách rời. Khi dự án được phê duyệt, bố trí vốn thì mới được ngành tài nguyên và môi trường phê duyệt kế hoạch sử dụng đất hàng năm. Đến lúc đó, công tác GPMB, thu hồi đất mới chính thức được bắt đầu.

Theo quy trình “bất di bất dịch” này thì có làm trước dự án vài ba năm hay 10 năm đi chăng nữa mà GPMB chỉ được thực hiện từ khi ghi vốn thì cũng không giải quyết được gì.

Một khi chưa thể tách hẳn tiểu dự án giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án tổng thể thì có công chuẩn bị đầu tư nhiều năm cũng sẽ thành công cốc. Không ít lần các địa phương đề nghị tách riêng từng tiểu dự án, có tiền sẽ GPMB, chuẩn bị đất sạch, khi có tiền thì bố trí cho dự án, không tiền thì để sang năm…

Thuận lợi, dễ dàng vô cùng. Nhưng luật pháp không cho phép. Sẽ không thể giải ngân vốn đầu tư công một cách hiệu quả hanh thông khi chưa tháo gỡ được vướng mắc này.

Chủ đầu tư (Ban quản lý dự án đầu tư công trình NN&PTNT) nhà thầu thi công hạng mục sửa chữa nâng cấp an toàn hồ Cao Ngạn (Thăng Bình) thuộc dự án vay vốn WB 8 đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư, gia tăng khối lượng để đạt tỷ lệ giải ngân cao.
Chủ đầu tư (Ban quản lý dự án đầu tư công trình NN&PTNT) nhà thầu thi công hạng mục sửa chữa nâng cấp an toàn hồ Cao Ngạn (Thăng Bình) thuộc dự án vay vốn WB 8 đang đẩy nhanh tiến độ đầu tư, gia tăng khối lượng để đạt tỷ lệ giải ngân cao.

Phó Giám đốc phụ trách Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng - Huỳnh Xuân Sơn: “Xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án”

 

Các dự án của ban đạt tỷ lệ giải ngân 50% so với kế hoạch vốn đã bố trí (cao so với mặt bằng chung của Quảng Nam). Kết quả này thể hiện nỗ lực trong việc xây dựng kế hoạch giải ngân chi tiết cho từng dự án đề ra ngay từ đầu năm.

Giao ban định kỳ hàng tháng, kiểm tra hiện trường, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án, xác định rõ các nguyên nhân, vướng mắc để chỉ đạo tháo gỡ, đưa ra các giải pháp xử lý phù hợp, đẩy nhanh tiến độ khối lượng và giải ngân.

Khi dịch bệnh, thiên tai xảy ra, ban tăng cường làm việc trực tuyến với các đơn vị tư vấn, chuyên gia để chuẩn bị dự án, hoàn chỉnh hồ sơ, thiết kế dự toán. Đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định và lựa chọn nhà thầu để khởi công công trình, kể cả báo cáo đánh giá tác động môi trường.

Tại hiện trường, chúng tôi yêu cầu các đơn vị thi công bố trí chỗ ở cho công nhân, người lao động tại công trường xây dựng hoặc thuê các cơ sở lưu trú cho đội ngũ này ở lại. Nếu thiếu nhân công thì ưu tiên thuê nhân công tại địa phương để bảo đảm phòng chống dịch.

Nỗ lực phối hợp với các ngành, địa phương tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các vướng mắc trong bồi thường, hỗ trợ tái định cư. Khó nhất vẫn là GPMB. Nếu có đủ hồ sơ, nhưng không có mặt bằng cũng bỏ. Tất cả nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án, đảm bảo khối lượng để giải ngân vốn đầu tư theo tiến độ yêu cầu. Tăng cường quản lý hợp đồng, vốn tạm ứng và thanh toán, thu hồi vốn tạm ứng đúng quy định.

Có thể sắp đến tiến độ giải ngân sẽ chậm lại vì dịch bệnh và thời tiết bất ổn. Ban sẽ rà soát đánh giá tiến độ thực hiện cụ thể cho từng dự án, điều chuyển nội bộ các dự án tại ban quản lý từ các dự án không thể giải ngân hết kế hoạch vốn sang các dự án có nhu cầu giải ngân mà thiếu kế hoạch vốn.

Chúng tôi kiến nghị chính quyền cùng với việc chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB thì cần có cơ chế đặc thù, hướng dẫn cụ thể về thủ tục, quy trình vận chuyển nguyên liệu, vật tư, thiết bị phục vụ công tác thi công tại các công trình để bảo đảm tiến độ triển khai dự án, đảm bảo các yêu cầu phòng chống dịch trên địa bàn. Trong trường hợp thật sự cần thiết thì cho phép các chuyên gia, tư vấn thiết kế vào Quảng Nam để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.

Phó Giám đốc Sở GTVT Trần Ngọc Thanh: “Thời gian thẩm định phụ thuộc  chất lượng hồ sơ”

 

Từ đầu năm đến nay, sở đã thẩm định và trình duyệt 22/37 dự án được tiếp nhận. Còn lại 2 dự án chưa đủ điều kiện để nhận một cửa, 11 dự án đã có ý kiến thẩm định lần 1 và 2 dự án đang xem. Đã thẩm định và trình duyệt thiết kế bản vẽ thi công và dự toán của 9/12 công trình và 3 công trình đang xem xét.

Không thể đổ lỗi cho việc các cơ quan chuyên ngành thẩm định hồ sơ chậm trễ được. Chủ đầu tư nào cũng muốn hồ sơ được thẩm định nhanh, nhưng “tiền Nhà nước” làm sao có thể thẩm định sơ sài để cấp vốn được, mà phải chứng minh cho được tính khả thi của dự án sau khi sàng lọc qua rất nhiều cơ quan liên quan lấy ý kiến.

Rút ngắn thời gian thẩm định là có thể, song chất lượng hồ sơ quan trọng hơn. Một hồ sơ tốt có thể rút ngắn thời gian nhưng khi hồ sơ chỉ là “một đống lộn xộn” thì làm sao có thể thẩm định nhanh được.

Chủ đầu tư cần tăng cường trách nhiệm trong công tác quản lý chất lượng thi công công trình. Danh mục các dự án đề xuất chủ trương đầu tư nên chia thành nhiều đợt khác nhau để tránh việc nhiều dự án trình thẩm định trong cùng một thời điểm, gây áp lực cho các bộ phận thẩm định. Quyết định chủ trương đầu tư chỉ ghi các nội dung chính của dự án, để tránh vướng mắc khi triển khai các bước tiếp theo.

Chủ đầu tư cần nâng cao trách nhiệm giám sát, kiểm tra nội dung, chất lượng của hồ sơ dự án trước khi trình các cơ quan thẩm định. Hồ sơ không thể sơ sài, thiếu số liệu chứng minh, thiếu cơ sở, buộc phải chờ đợi bổ sung, mất nhiều thời gian của cơ quan thẩm định.

Bố trí kinh phí để thực hiện lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư. Trong bước báo cáo nghiên cứu khả thi phải lập nhiều phương án, giải pháp thiết kế để so sánh, phân tích lựa chọn phương án tốt nhất nhằm đảm bảo hiệu quả đầu tư. Nếu chủ đầu tư làm tốt thì thời gian thẩm định sẽ được rút ngắn lại.

 

Chỉ huy trưởng công trình Tổng công ty Xây dựng NN&PTNT Thanh Hóa - Nguyễn Xuân Chung: “Năng lực nhà thầu quyết định tiến độ và chất lượng công trình”

 

Gói thầu sửa chữa nâng cấp hồ Cao Ngạn (WB 8 nâng cao an toàn hồ đập Quảng Nam) là công trình thứ 3 công ty thực hiện trong 4 năm qua. Tất cả công trình đều đảm bảo tiến độ và chất lượng. Không có công trình nào bị đánh giá chậm tiến độ hay kém chất lượng trong nhiều năm qua.

Dự án triển khai từ tháng 12.2020. Kết thúc vào cuối năm nay. Hiện khối lượng đạt 50%. Khó khăn do dịch bệnh nên việc vận chuyển một số loại vật tư (các ống công nghệ...) từ các tỉnh khác đến công trường lâu hơn.

Nhân công không được điều động giống như lúc bình thường nên chỉ cố định 50 người. Giá cả vật tư, vật liệu năm nay tăng đột biến. Nhất là giá thép tăng đến 150 - 170% so với thời điểm ký hợp đồng và giá xăng dầu cũng tăng theo.

Đối với công trình hồ chứa phải vừa thi công vừa đảm bảo cung cấp nước tưới nên thời gian thi công phải theo mực nước lòng hồ. Thời tiết Quảng Nam khoảng 30.9 là đến mùa mưa. Do vậy, nhà thầu buộc phải tập trung toàn lực (từ xe, máy, thiết bị, vật tư, vật liệu, nhân lực...) để thi công gấp rút, căng thẳng trong 4 tháng (từ tháng 6 đến hết tháng 9) cả ngày và đêm.

Toàn bộ nhân công (50 người) ở tại công trường. Mỗi tổ nhân công ở một lán trại, rải rác khắp công trường. Phải đảm bảo hoàn tất các hạng mục tầng dưới và 30.9 phải đưa công trình vượt lũ. Mùa mưa sẽ chỉ thi công những hạng mục phần trên, các hạng mục khác gần như không làm được nữa mà phải chờ đến cuối năm mới trở lại thi công.

Nhà thầu không gặp bất cứ khó khăn gì về chuyện thanh toán vốn. Khi ký xong hợp đồng, chủ đầu tư đã ứng 30% vốn. Trong quá trình thi công, nhà thầu phải lập tiến độ khối lượng thi công, tiến độ giải ngân đảm bảo đúng tiến độ kế hoạch vốn đã phê duyệt thì chủ đầu tư sẽ giải ngân theo đúng kế hoạch. Thi công có khối lượng đến đâu chủ đầu tư sẽ nghiệm thu đến đó và thanh toán. Hiện nhà thầu đã nhận khoảng 40% kinh phí.

Năng lực nhà thầu thể hiện trên sự đảm bảo huy động đủ về tài chính, nhân lực và máy móc thiết bị làm sao đáp ứng được tiến độ thi công. Theo tính toán đến 30.9 sẽ hoàn thành 70% khối lượng; 30% sẽ thi công vào cuối năm. Nhưng, có một sự cố nhỏ là năm nay giá cả vật liệu, vật tư tăng đột biến.

Tuy nhiên khi đã ký hợp đồng thì lỗ cũng phải chấp nhận. Bất kể thời điểm nào cần vật liệu dù cao vẫn phải mua để đáp ứng tiến độ thi công công trình. Nhà thầu phải bảo đảm đúng tiến độ, chất lượng công trình, để giữ uy tín và nhận sự đánh giá tốt cho những cuộc đấu thầu các dự án khác trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Tìm kế sách giải ngân vốn đầu tư công
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO