Kon Tum, mùa tĩnh lặng

SONG ANH 27/09/2014 10:02

Đi hết những quanh co đèo dốc, đường núi gập ghềnh từ Nam Trà My qua, chúng tôi tới Kon Tum khi phố đã bắt đầu lên đèn.

Thành phố Kon Tum rất hiền hòa, thoảng mùi đất đỏ bazan, thứ mùi đặc trưng của xứ sở Tây Nguyên. Vẫn còn những đôi dép tổ ong màu trắng đã chuyển sang đục ngầu của đồng bào Ba Na đi từ rẫy về, nên Kon Tum còn thơm dịu từ sắc màu rất dữ dội ấy. Khác hẳn cung cách tách biệt và lạ lẫm với cư dân miền núi của Buôn Ma Thuột hay Pleiku, thành phố Kon Tum là một đô thị đặc biệt, khi làng xen lẫn vào phường thị. Người Ba Na vẫn mặc trang phục truyền thống của đồng bào mình, cày cấy và chăn nuôi theo cách riêng của cộng đồng. Nhịp sống trôi theo sự hòa hợp sắc dân này, nên Kon Tum vừa có chút nguyên sơ của vùng núi cao vừa đủ sôi động để không bị tụt hậu quá so với nhiều đô thị vùng Tây Nguyên.

Đường từ Nam Trà My qua Kon Tum.
Đường từ Nam Trà My qua Kon Tum.

Đến Kon Tum, nếu không dành một khoảng thời gian tĩnh lặng để ngắm dòng Đăk Bla, thì xứ sở này vẫn chưa thật sự là một chốn đi của bạn. Người dân Kon Tum nói, dòng Đăk Bla mùa mưa lũ như một chiến binh, ầm ào cuộn chảy. Còn mùa này, dòng Đăk Bla còn hiền hơn cả sông Thu Bồn của xứ Quảng, nước xanh vắt, hiền lành, nhỏ nhoi và đơn độc giữa đồi núi. Bên dòng Đăk Bla hiền hòa này, ngôi làng Kon Klor xinh xắn, tràn ngập màu xanh, thấp thoáng những ngôi nhà sàn còn giữ nguyên vẹn kiến trúc Ba Na độc đáo với màu gỗ nâu trầm. Ngắm dòng Đăk Bla ngay tại ngôi làng còn nguyên sơ này, nghe “Chiều qua cầu treo Kon Klor” của Lê Minh Thế, với những câu từ đẹp như cảnh sắc nơi này: “Chiều trên bến sông Kon Klor, nước xanh một màu thương nhớ, có ai về bên kia đó, chìm trong bóng núi xanh lơ. Chiều lên bến sông Kon Klor, tiếng ai bên cầu treo đó, hay tiếng nước reo mạn đò? Chiều qua cầu treo Kon Klor, bỗng thương một vùng quê nhỏ, cầu nối đôi bờ tuổi thơ. Thôi, buồn chi nhé, con đò”. Nghe lòng bỗng chừng muốn tựa vào một đôi mắt Ba Na sâu thẳm. Nghe những bước chân tự đâu đó, như dồn đuổi về phía mình. Đi thôi, cùng những em gái Ba Na hồn nhiên tựa như thiên thần, đến ngồi dưới ngôi nhà rông lừng lững, dưới khoảng trời xanh biếc. Nơi lưu giữ hồn cốt của làng, nơi chứng kiến những câu chuyện bập bùng bên bếp lửa, những nhà rông nằm ngang dọc hai bên dòng Đăk Bla, trong những ngôi làng như Kon Klor này.

Người bạn đồng hành nói với tôi, Kon Tum không có những con đường có lá me bay, nhưng kỳ lạ, nơi này có những khoảnh khắc nhắc nhở người ta về cảm xúc. Nhà thờ gỗ thành phố, phía bên kia là tòa giám mục, đều là hai công trình còn lại từ thời Pháp. Khác với những nhà thờ tôn giáo uy nghiêm ở các nơi khác, hai công trình này đều toát lên vẻ khiêm cung và tinh tế. Màu gỗ tô thẫm đen khiến cả sự cầu kỳ của những nét chạm khắc trên gỗ trở nên giản dị một cách nổi bật. Xung quanh, cây xanh rợp bóng. Những bồn hoa được trồng ngăn nắp trên khoảng sân xanh. Chiều Chủ nhật, khi mưa phơ phất rơi trên ngọn thánh giá nơi nóc cao nhà thờ, những tà áo dài thấp thoáng trong sân, thong thả đi về phía giáo đường. Thiếu nữ Ba Na tóc dài đen nhánh, mắt thăm thẳm, thẹn thùng giấu mặt sau những cánh cửa, vừa đọc kinh cầu vừa len lén nhìn khách. Trên những thớ gỗ đen giòn đã bao mùa sương gió, hòa cùng những lời rì rầm của giáo dân, cơn mưa khẽ khàng vương vãi trên tóc lữ khách, chiều buông mình đầy lãng mạn…

Kon Tum - mùa này không có dã quỳ. Giấc mơ về những con đường dã quỳ nho nhỏ đành gác lại. Nhưng bình nguyên bao la cùng những con đường cây xanh rợp bóng trên các ngả về những địa danh như Măng Đen, Sa Thầy, Ngọc Hồi sẽ vẫn đủ sức níu khách quay trở lại chốn này.

SONG ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kon Tum, mùa tĩnh lặng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO