Kỷ lục buồn ở Trà Bui - Bài 1: Đột nhập "công trường" gỗ lậu

Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC 07/10/2015 08:40

Một khung cảnh hoang tàn, ngập tràn gỗ lậu ở khu vực đầu nguồn sông Bui thuộc thôn 2 (xã Trà Bui) đã được phóng viên phát hiện khi lần theo những dấu bánh xe cơ giới. Hiện trường cho thấy, cửa rừng nơi đây mở toang từ lâu.

Những cánh rừng loang lổ với cả trăm mét khối gỗ nằm sát khu dân cư. Những trạm mang danh như ngôi nhà hoang vô chủ. Sự thật phũ phàng, Nhà nước giao rừng cho người dân hưởng lợi thì chính họ lại vô tâm xâm hại. Trên đỉnh núi ấy, còn hiện hữu ngôi làng với mật độ dân cư chen chúc đến ngột ngạt. Ai đã mang khổ lụy đến Trà Bui?

Thiếu trung thực

Sáng 29.9, nhóm phóng viên may mắn dự cuộc họp bất thường tại trụ sở UBND xã Trà Bui bàn các phương án cứu rừng xanh giữa chủ rừng, hạt kiểm lâm, chính quyền xã và nhóm trưởng các thôn được giao khoán bảo vệ rừng. Từ đây, nhiều thông tin phá rừng quy mô lớn, nghi vấn về khả năng mở cửa rừng tự nhiên hé lộ. Một chi tiết mới: ngoài 26m3 gỗ vừa được Đội Kiểm lâm cơ động và phòng cháy chữa cháy rừng số 1 (Chi cục Kiểm lâm tỉnh) đưa về xử lý trong chiến dịch truy quét cuối tháng 9, còn hơn 80m3 gỗ tập kết trong rừng đang canh giữ. “Xe chở keo thì các anh (kiểm lâm, nhân viên bảo vệ rừng – PV) cho dừng lại kiểm tra, còn xe gỗ lậu thì ngang nhiên lọt trạm. Bây giờ dân đi khai thác gỗ không phải để làm nhà mà bán hết cho con buôn” - ông Hồ Văn Danh, Bí thư Đảng ủy xã Trà Bui nói.

Một xưởng mộc của người dân nằm sát rừng phòng hộ. Ảnh: T.H.P
Một xưởng mộc của người dân nằm sát rừng phòng hộ. Ảnh: T.H.P

Tại cuộc họp, không ít lời hô hào của những người có trách nhiệm, đại ý như “hãy chung tay bảo vệ màu xanh cho rừng”, “tuyên chiến với lâm tặc” nhưng khi chúng tôi mong muốn có người đồng hành vào rừng, thì hầu như ai cũng lắc đầu, không muốn báo chí tiếp cận. Kể cả ông Đoàn Tất Chẩn - Giám đốc Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Tranh cũng nại nhiều lý do để từ chối. “Nhà báo đi giờ này chắc chắn sẽ gặp mưa chiều, lũ dâng cao ở các con suối rất nguy hiểm. Nếu cuốc bộ thì chừng 4 - 5 giờ đồng hồ mới đến địa điểm, không chừng phải ngủ lại trong rừng. Còn đi xe vào cũng không được vì lâm tặc đặt chông, đinh giữa đường gây thủng lốp xe” - ông Chẩn khuyến cáo. Tuy nhiên, lời nói của ông Chẩn không làm chùn bước quyết tâm vào rừng đi tìm sự thật của chúng tôi.

Gỗ trong rừng phòng hộ sông Tranh thuộc thôn 2, xã Trà Bui đã cưa thành khúc, phách.
Gỗ trong rừng phòng hộ sông Tranh thuộc thôn 2, xã Trà Bui đã cưa thành khúc, phách.

Được Hồ Văn H., người dân địa phương dẫn đường, thuê thêm một xe máy “cùi bắp” từ quán tạp hóa, chúng tôi chạy vào khu rừng đầu nguồn sông Bui trên con đường đã mở từ khi xây dựng thủy điện sông Tranh 2. Hai bên đường còn nguyên dấu bánh xe chở gỗ, chỉ mất hơn 30 phút bắt gặp địa điểm phá rừng. Tiếp cận một vạt rừng rộng chưa đến sào đất, nhẩm đếm gần 10 cây đại thụ với đường kính hơn 1m bị triệt hạ bằng cưa lốc, áng chừng cả 100m3 gỗ. H. tiết lộ: “Đêm đến, lâm tặc dùng cưa lốc xẻ thành phách theo quy cách, đa số gỗ chò, giổi bị đốn hạ, sau đó thuê dân bản địa bốc lên xe tải chở về xuôi. Đối tượng chỉ tìm cây đại thụ mà phá, vì thế mà khu rừng với hàng chục điểm ngổn ngang gỗ lậu ở nhiều vị trí khác nhau”. Vì sợ đêm tối xuống nhanh, nên chúng tôi chỉ đến những công trường gỗ lậu cận kề nhau, và hầu hết gỗ xẻ thành phách chưa có đóng dấu của kiểm lâm. Phải chăng khu vực này gỗ lậu chưa được các ngành chức năng phát hiện, đo đếm? Lạ lùng là cách điểm phá rừng này chưa đến 1km có Trạm quản lý bảo vệ rừng của Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Tranh chứ không phải khoảng cách 5km như lời ông Chẩn nói với phóng viên trước đó.

Giao rừng để phá rừng

Hơn 7 năm trước, do ảnh hưởng của dự án thủy điện, hàng trăm người dân Trà Bui phải rời làng vào vùng lõi rừng phòng hộ sinh sống. Thiếu đất nương rẫy đã khiến đồng bào không còn sự lựa chọn nào khác ngoài đổi rừng lấy miếng ăn. Nhiều năm nay, chính quyền nỗ lực cải thiện đời sống, bố trí đất canh tác cho gần 300 hộ tái định cư, song người dân vẫn không từ bỏ thói quen sống phụ thuộc vào rừng. Quan sát nhiều nhà ở thôn 2, 5, 6 xã Trà Bui cũng đều chứa gỗ lậu. Để tiêu thụ gỗ trái phép, sát bìa rừng còn mọc lên ít nhất 3 xưởng cưa chuyên gia công, sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ đắt tiền như bàn ghế, phản… Gỗ được chế biến ra thành phẩm là chiêu bài để hợp thức hóa gỗ lậu. Nhà nhà chứa gỗ, người người đi lấy gỗ “lạc” (từ ngữ người dân địa phương hay dùng để nói về việc mót gỗ lại của các đường dây phá rừng quy mô) bán cho các đầu nậu, hoặc xưởng cưa.

Với thực tế phá rừng như hiện nay, mai sau con cháu sẽ trách chúng ta. Người dân địa phương khai thác gỗ trái phép không phải để làm nhà mà bán cho con buôn. Phạm tội phá rừng, nó đau lắm!
(ông Hồ Văn Danh - Bí thư Đảng ủy xã Trà Bui)

Chính quyền hỗ trợ chuyển đổi hơn 1.300ha đất rừng phòng hộ sang sản xuất, chi trả mỗi năm hơn 2,5 tỷ đồng từ chính sách dịch vụ môi trường rừng cho 878 hộ. Thế nhưng chính đối tượng được Nhà nước giao rừng lại đi xâm hại rừng. Theo Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Tranh, 9 tháng đầu năm, trong số 24 nhóm hộ được giao rừng thì đã có 18 nhóm xâm hại rừng với diện tích gần 21ha, trong đó có 12 nhóm hộ khai thác, cất giấu và vận chuyển trái phép hơn 88m3 gỗ có nguồn gốc từ khu rừng mà họ đã nhận khoán, bảo vệ. Thôn nào ở xã Trà Bui cũng xảy ra tình trạng phá rừng. Nhóm hộ do ông Nguyễn Thanh Sỹ (thôn 4) làm nhóm trưởng đã khai thác hơn 47m3 gỗ từ chính khu rừng mà mình hưởng lợi từ dịch vụ chi trả môi trường rừng. Mới đây, hai hộ dân thôn 6 còn cất giấu hơn 27m3 gỗ trái phép bị phát hiện, đang chờ xử lý.

Bí thư Đảng ủy xã Trà Bui - ông Hồ Văn Danh thẳng thừng, thất bại là Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Tranh đã “nhắm mắt” giao rừng, thậm chí cho cả đối tượng người tàn tật không đảm bảo sức khỏe bảo vệ rừng. Chia rừng bình quân, theo nhóm hộ chứ không phải cá nhân, đến khi xảy ra hậu quả thì lúng túng biện pháp giải quyết. Đồng bào dân tộc thiểu số thì hạn chế hiểu biết pháp luật, không ai nhắc nhở, ngăn chặn từ đầu nên rất dễ phạm pháp. Tôi nhớ, trước đây TAND huyện Bắc Trà My xét xử lưu động ông Hồ Văn Quang bị truy tố về tội khai thác 26m3 gỗ vượt quy định. Bất ngờ trước ngày xét xử Quang mang theo cả vợ con lên Công an huyện xin được đi tù chung vì theo ông nếu ở nhà họ sẽ… chết đói! Một hộ dân khác là Hồ Văn Thắng cũng bị kết án 12 tháng tù treo do phá rừng. Năm 2011, khi Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Tranh đề nghị xử lý 12 hộ ở Trà Bui phá rừng, thì các thôn, thậm chí có cả cán bộ xã kéo lên phản ứng, vì nếu xử lý nghiêm thì phần lớn người dân đều phạm tội. Chuyện tưởng là bi hài, lùi xa vào dĩ vãng, vậy mà lại âm ỉ tái diễn trong đời sống thực tại của đồng bào. “Không đi lấy gỗ “lạc”, biết mần chi ăn” là câu cửa miệng của thanh niên Trà Bui, nhưng nhói đau như những vết chém triệt hạ cây rừng…

 Phóng sự: TRẦN HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kỷ lục buồn ở Trà Bui - Bài 1: Đột nhập "công trường" gỗ lậu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO